Qua một buổi viếng thăm và trải nghiệm để tôi có cơ hội tiếp xúc gặp gỡ và học hỏi những kinh nghiệm mục vụ truyền giáo đầy sáng tạo và mới lạ tại Giáo Điểm Rạch Vọp thuộc Giáo Phận Cần Thơ.
Khi nghe đến việc truyền giáo cho lương dân tôi cảm thấy đầy hào hứng, và muốn khám phá xem những nhà truyền giáo họ đang làm việc như thế nào trên cánh đồng của Chúa, khi được đặt chân trên ngôi Nhà Thờ Rạch Vọp tôi lại càng bùi ngùi với những con người và nhiệt huyết của vị chủ chăn, để bà con lương dân nơi đây có cơ hội gặp gỡ Chúa một cách cụ thể, những cách thức đơn giản gần gũi nhưng đầy mới lạ và sáng tạo, bởi lẽ cách thức truyền giáo cho lương dân nơi đây không chỉ dừng lại ở điểm đưa họ đến với Chúa mà còn biến họ thành tông đồ cho Chúa, trong lòng từng người lương dân mà tôi có cơ hội trò chuyện thì lòng yêu mến tin cậy vào Chúa nơi họ rất mạnh mẽ như những ngọn lửa luôn cháy. Bởi họ đến nhà thờ đến với Chúa không phải vì họ nhận được những món quà vật chất nhưng còn là những món quà tinh thần, đâu đó là những cuộc gặp gỡ thực sự về một Thiên Chúa trong tình người. Hình ảnh hai người lương dân cùng nhau đến nhà thờ và cùng chuẩn bị chia sẻ cho nhau những phần cơm đạm bạc chỉ vì người kia đến nhà thờ sau họ hoàn cảnh hơn họ, một hình ảnh thật đẹp và thật cao cả. Nghe họ chia sẻ tôi lại càng ngậm ngùi; “Phần cơm đó có gì đâu Sr ơi! Tại bả bệnh á! bả nghèo nữa không ai chăm sóc, tui nấu mang cho bả miếng ăn sau lễ, đặng có sức không bị xỉu, chứ trưa về bả đói bả xíu mấy lần ồi.” Tôi cảm nhận những gì mà người lương dân nơi đây được chăm sóc và nuôi dưỡng thật tuyệt vời, họ chỉ muốn làm sao đó để người khác cũng được đến với Chúa như họ, và chính họ luôn ý thức sống điều họ được nghe được dạy.
Ngồi trên chuyến đò sớm đi đón người lương dân đến nhà thờ dự lễ, nhìn thấy sự hào hứng mong chờ của từng người mà tôi thấy xấu hổ. Bởi lẽ, nhiều khi người Kitô hữu bây giờ cũng không thể có lòng hăng hái đến với Chúa như họ. Từ cụ già đến những thanh niên, trẻ nhỏ ai ai cũng hăm hở chờ đò, trên đò hỏi ai đi nữa: "Khi không đến được nhà thờ thì sao” họ đều trả lời; “ buồn lắm, đi quen rồi, hông đi được trong lòng mình nói thiếu cái gì đó dữ lắm". Có người lại nói thêm: "xưa mình không có cơ hội đi học biết thì mình theo cha mẹ đến Chúa mà có ai chỉ dạy cho cầu nguyện rồi sống sao đâu, giờ đi đây tâm mình nó an hơn hông nhớ nhiều nhưng mình biết cầu nguyện."
Những điều đó, vẫn còn đọng lại và làm tôi suy tư, điều kỳ diệu mà những con người truyền giáo đã làm được là xóa đi sự ngăn cách về suy nghĩ giữa người bên lương và người kitô hữu, trong gia đình Giáo Hội. Đào tạo đức tin qua đời sống thực tế mà từng người trong họ đều có thể trở nên một chứng tá và một nhà truyền giáo. Điều mà tôi nhận thấy qua phương thức truyền giáo mỗi người đến đây họ đều cảm nhận được sự chào đón, tôn trọng, yêu thương nên họ ý thức được sự thuộc về nơi mà họ được mời đến.
Quả thật, vị chủ chăn nơi đây mang đậm trong mình hình ảnh mục tử của Chúa Giêsu. Và tinh thần của Tông Huấn Ad Gentes, ngài nhớ tên từng người một, ngài chăm sóc cho từng người một theo nhu cầu của họ, ai ai trong họ cũng được: "cho ăn và nuôi dạy", không những thế trước tiên và trên hết ngài còn dẫn đưa họ đến với Đức Giêsu là vị lương y quyền năng chữa lành cả hồn và thể xác. Có lẽ, chính trong những kinh nghiệm ấy họ đã gặp được hình ảnh của Chúa Giêsu chăm sóc dân Người hơn hai ngàn năm trước. Nên ngọn lửa yêu mến tin cậy được đột lên trong họ thật mãnh liệt.
Điều mà tôi học được từ nơi đây và muốn áp dụng cho công việc mục vụ truyền giáo của mình trong các môi trường khác nhau là tạo được sự thân thiện gần gũi. Mang Chúa đến cho người khác không phải qua những bài giảng, những lý thuyết, mà qua đời sống thực tế hằng ngày làm sao đó để cho những người mà tôi gặp gỡ nhìn thấy và chạm đến được Thiên Chúa. Duy trì chăm sóc đời sống thiêng liêng qua những việc đạo đức bình dân như đọc kinh online là một cách thức hay nhằm nâng cao ý thức về sự hiện diện của Chúa, giúp người dân gặp gỡ Chúa có tinh thần hiệp thông nâng đỡ nhau trong những khó khăn thách đố của cuộc sống. Đánh thức và duy trì ý thức thuộc về Giáo Hội trong suy nghĩ của mỗi người, và chính tôi phải biến mình thành một nhà cầu nguyện, một tinh thần hăng say lòng nhiệt huyết với sứ vụ truyền giáo, để tôi biết cách nuôi dưỡng tâm hồn mình, đời sống thiêng liêng của mình, để tôi đủ can đảm đến với người khác.
Điều mà tôi giám khẳng định từ vùng đất Rạch Vọp này là đến với lương dân không khó và có vô vàn phương tiện cách thức. Trong Chúa Thánh Thần và trong chính tình yêu, lòng hăng say, sẽ thúc bách bước chân người truyền giáo sẵn sàng ra đi để đáp lại lời mời gọi của Chúa: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Thầy, anh em hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần." (Mt 28,19)
Têrêsa ĐẶNG THỊ THU HƯƠNG
Dòng Nữ Truyền giáo Phanxico Assisi SFMA