Sau hơn một tháng miệt mài học hỏi về lý thuyết và nghe chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo của một số khách mời là quý cha, quý thầy và quý dì đang dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng ở trong và ngoài nước, lớp Mục vụ Truyền giáo (2023) của Học viện Công giáo đã thực hiện một chuyến đi thực tế tại họ đạo (giáo xứ) Rạch Vọp, thuộc Giáo phận Cần Thơ.
Từ Sài Gòn đến vòng xoay trung tâm thành phố Cần Thơ, đi theo hướng đường Nam Sông Hậu khoảng 30 km là tới họ đạo Rạch Vọp. Đây là một điểm truyền giáo đặc biệt của giáo phận Cần Thơ, hiện đang được chăm sóc mục vụ của cha GB Trương Thành Công, một vị mục tử có một tấm lòng tha thiết với sứ vụ loan báo Tin mừng cho những anh chị em lương dân. Nhà thờ họ đạo tọa lạc bên bờ sông, gần cầu Rạch Vọp thuộc ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Dân cư nơi đây gồm có người Kinh, Khơme, Hoa; trong đó đa phần là người Khơme. Đây là một vùng sâu vùng xa, người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề trồng trọt và làm mướn nên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Giáo dân trong vùng chỉ
chiếm một tỉ lệ rất nhỏ và không qui tụ ở một chỗ mà ở rải rác nên khi muốn tham dự Thánh lễ Chúa nhật, mọi người phải dùng ghe xuồng di chuyển đến nhà thờ. Cho dù đời sống giáo hữu còn khá khó khăn, nhưng nơi đây là một cộng đoàn tràn đầy sốt mến, bởi tinh thần truyền giáo được sục sôi, bao trùm họ đạo. Khi vừa bước chân vào khuôn viên nhà thờ, ấn tượng đầu tiên đối với mọi người là bức tượng thánh Giuse cao 6m được thiết kế để Thánh Cả chầm chậm xoay vòng 360 độ, như thể để mọi người, bất kể là lương hay giáo, từ các nẻo đến nhà thờ hay đang đi ngược xuôi trên dòng sông đều có thể chào Thánh Cả và cầu nguyện xin ơn với ngài.
Với thao thức thực thi sứ vụ “đến với muôn dân” (ad gentes), đem Tin mừng đến với những anh chị em lương dân trong vùng, cha GB đã có những sáng kiến khá là mới mẻ, và có thể nói là độc đáo. Vì đã được sắp xếp trước, chuyến đi thực tế của chúng tôi diễn ra vào ngày thứ bảy và Chúa Nhật; nhờ đó, chúng tôi được “tận mục sở thị” những gì cha đã chia sẻ cho lớp trước đó tại Học viện.
Thông thường, các giáo xứ tại Việt Nam thường chỉ chăm lo đến việc tổ chức các hoạt động tôn giáo cho giáo dân của mình, nhưng rất ít hoạt động dành cho các anh chị em lương dân sinh sống quanh hay trong giáo xứ mình, có chăng chỉ là những việc mang thuần tính chất từ thiện bác ái vào các dịp lễ mà thôi. Đến Rạch Vọp, người ta sẽ thấy có những sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của anh chị em lương dân. Sau bữa cơm tối, mọi người cùng tham dự giờ kinh online (được tổ chức hằng đêm lúc 7h00) với quý cha sở, quý dì và một số anh chị em giáo dân tại nhà thờ. Đây quả là một sáng kiến độc đáo và có lẽ là độc nhất. Giờ kinh được tổ chức và phát trực tiếp tại nhà thờ với thành phần tham dự trực tiếp tại chỗ và tại các gia đình người Công giáo cũng như lương dân. Buổi đọc kinh ngắn gọn nhưng rất trang trọng và hiệu quả. Và có thể thấy đây là “khoảnh khắc linh thánh”, lúc mà các giáo hữu và anh chị em lương dân được cùng với nhau “như anh em một nhà” dâng lời ca ngợi, chúc tụng Thiên Chúa là “Cha của chúng con” và cầu xin những phước lành cho mỗi người, cho gia đình, cho quê hương đất nước. Qua một cuộc trò chuyện ngắn với một chị lương dân tuổi trung niên, chị cho biết gia đình chị tham dự giờ kinh online buổi tối theo lời mời gọi của cha sở, dù thoạt đầu chẳng hiểu và chẳng có chút cảm nhận gì vì chưa tin Chúa; nhưng sau một thời gian, giờ kinh này trở nên một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình. Chị cho biết: sau một ngày vất vả làm việc với bao nỗi lo toan của cuộc mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền”, thì những giờ phút cùng với cộng đoàn khắp nơi trong họ đạo tham dự giờ kinh giúp cho mọi người như thể vơi đi những gánh nặng đang đè nặng trên vai và cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn; nhờ đó, mỗi sáng mai thức dậy, bước vào một ngày mới với một sinh lực mới.
Một hoạt động khác rất mới lạ của họ đạo mà cha sở mời chúng tôi tham gia, đó là mời anh chị em lương dân đến nhà thờ vào buổi sáng ngày Chúa nhật. Rạch Vọp là một họ đạo miền sông nước, vì vậy phương tiện giao thông phổ biến là ghe (vỏ lãi), dù hiện nay hệ thống đường bộ cũng đã phát triển khá tốt. Sau một đêm nghỉ ngơi, chúng tôi theo những chiếc ghe để cùng đón những người lương dân từ những vùng lân cận cách nhà thờ trên dưới chục cây số. Suốt hành trình từ điểm xa nhất ngược về nhà thờ, từng nhóm lương dân, già trẻ lớn bé đứng dọc bờ sông chờ ghe vào đón. Hỏi chuyện một cụ ông tuổi 70 mới biết mỗi ngày ông và vợ chạy ghe buôn trấu khắp đó đây, nhưng cứ mỗi chiều thứ bảy là trở về nhà để ngày Chúa nhật đi nhà thờ. Đến nay, dù chưa gia nhập Hội thánh, hai ông bà đã đi nhà thờ đều đặn mỗi Chúa Nhật được hơn 3 năm. Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa ông bà đến nhà thờ, thì ông cụ cho biết một người hàng xóm đã rủ ông bà đến nhà thờ. Từ lời mời của người này, ông bà đã thử đi xem cho biết, nhưng rồi đến lúc này ngày Chúa Nhật là ngày chỉ dành riêng cho việc đi nhà thờ, vì theo lời ông, đến đó ông cảm thấy mình được thương yêu, mình có một phẩm giá mà bao năm nay vất vả ngược xuôi mưu sinh ông không bao giờ nhận được. Dù chỉ mới bước vào thời gian tìm hiểu đạo, nhưng ông bà đã nhìn nhận ơn ban của Chúa cho họ được may mắn là tìm được niềm vui và bình an trong cuộc sống Ngoài những phần ăn sáng đơn sơ và nước uống đã được các dì và các anh chị em thiện nguyện trong và ngoài họ đạo chuẩn bị để mọi người cùng chia sẻ với nhau, thì những ai có vấn đề về sức khỏe sẽ được các bác sĩ tư vấn và cấp thuốc chữa bệnh. Điểm đặc biệt ở đây là: ngay đàng sau, phía trên khu vực này là bức hình Chúa Giêsu trong trang phục của một thầy thuốc, với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu là lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”. Hình ảnh và lời nguyện này muốn cho biết: Chúa Giêsu không là một vị Chúa xa cách với con người, nhưng là Đấng gần gũi, yêu thương và ân cần chăm sóc mọi người. Và mỗi người đều có một chỗ trong Trái Tim giàu lòng thương xót của Ngài; bởi đó, bất cứ ai đang phải mang những chứng bệnh về thể lý cũng như tinh thần sẽ được chữa lành, nếu biết chạy đến với Ngài. Một cụ bà đã chia sẻ rằng bà bị bệnh thấp khớp đã lâu năm, đau đớn khổ sở nhiều dù đã chạy chữa nhiều nơi mà vẫn không thuyên giảm. Nhưng từ khi đến nhà thờ được các bác sĩ tư vấn và cho thuốc thì bệnh đã đỡ rất nhiều. Bà cho biết điều kỳ lạ là những loại thuốc được cấp ở đây hoàn toàn giống với những loại thuốc bà đã từng được cho uống nhưng khi sử dụng thì có công hiệu ngay. Bà cho biết sau đó bà nhận ra rằng chính lời cầu nguyện cùng Chúa Giêsu là lương y đã cứu chữa mình.
Một điểm độc đáo khác ở họ đạo Rạch Vọp là cha sở đã biến chính những anh chị em lương dân đã đến nhà thờ trở thành cầu nối để dẫn những người khác đi theo. Một hình thức có thể nói là mới lạ và cũng phiêu lưu là: mỗi khi tặng quà cho một người hay một gia đình thì sẽ có kèm theo một phần quà nhỏ được nhờ chuyển trao đến một gia đình lân cận của người đó. Hoặc vào mỗi dịp lễ tết, những người lương dân đang sinh hoạt ở họ đạo sẽ được phát một thư mời cho những ai chưa từng đến nhà thờ, để cùng tham gia. Chính sáng kiến này đã làm tăng thêm con số anh chị em lương dân đến nhà thờ ngày một tăng thêm. Một điểm đáng ghi nhận nữa là những anh chị em lương dân tham gia các lớp học hàng tuần thì họ không chỉ được dạy giáo lý để chuẩn bị gia nhập Hội thánh, mà còn được hướng dẫn thay đổi cung cách lối sống nữa. Một bạn trẻ chia sẻ: trước đây, khi chưa đến nhà thờ thì cũng như bao bạn trẻ khác ở vùng quê nghèo này, bạn không ý thức được phẩm giá của mình nên cũng “ăn tục, nói phét”, đôi khi còn có thái độ “bất cần đời”; nhưng nhờ được giúp đỡ nên giờ đây bạn đã thay đổi, biết sống cho ra người hơn. Còn rất nhiều những hình thức khác được thực hiện ở họ đạo với ý hướng loan báo Tin mừng, giúp cho anh chị em lương dân được ơn biến đổi, tìm về với Chúa và Hội thánh. Nhưng qua những hoạt động đã được ghi nhận, cho thấy giữa những cách thế khác nhau để loan báo Tin mừng thì con đường ngang qua cuộc sống thường ngày, đụng chạm đến chính mối tương giao giữa người với người là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất, như đã được chứng thực ở Rạch Vọp. Dù rằng, mỗi nơi mỗi khác, thế nhưng cách tiếp cận anh chị em lương dân và giúp họ được biết Chúa, yêu Chúa và tin theo Chúa mà quý cha và họ đạo đang thực hiện là những gợi mở cho việc thực thi lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19).
PX. NGUYỄN THANH TÙNG
Khóa học Mục vụ truyền giáo 2023
Học viện Công giáo