ĐƯỜNG HƯỚNG TRUYỀN GIÁO CHO LƯƠNG DÂN

I. VÀI ĐỊNH HƯỚNG VIỆC TRUYỀN GIÁO

Qua Dụ ngôn Bữa Tiệc (Mt 22,1-14 và Lc 14,15-24), chúng ta thấy nhiều khái niệm mới về truyền giáo:

 

1. Truyền giáo thực hành

- Truyền giáo, trong Phúc Âm, được hiểu theo hai khái niệm: loan báo Tin Mừngqui tụ muôn dân.

- Nếu việc loan báo Tin Mừng như hành động khởi đầu, gieo mầm đức tin vào lòng người nghe, thì việc qui tụ muôn dân, xây dựng một cộng đoàn đức tin, mới thực sự là mục tiêu của công cuộc truyền giáo. Những nỗ lực thiết thực nhằm đạt mục tiêu dẫn dắt nhiều người hơn đến với Chúa và xây dựng một cộng đồng sống đức tin ngày một vững mạnh, được gọi là truyền giáo thực hành.

 

2. Bác ái và Truyền giáo

- Truyền giáo không chỉ là loan báo Tin Mừng, mà còn là thể hiện tình yêu của Chúa qua hành động bác ái. Rao giảng Tin Mừng và thực thi Bác ái như hai mặt của một đồng xu, bổ sung và làm nên ý nghĩa cho nhau. Tuy nhiên, không phải mọi hành động bác ái đều là truyền giáo.

- Bác ái xã hội tập trung vào đáp ứng nhu cầu vật chất cho người gặp khốn khó, trong khi Bác ái truyền giáo đòi hỏi Kitô hữu, không chỉ làm việc bác ái, mà còn phải hướng đến việc làm chứng và chia sẻ đức tin của mình, giúp người khác khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa.

- Như vậy, khi thực hành bác ái, hãy luôn hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp người khác gặp gỡ Chúa Kitô và trở thành môn đệ của Người. Đó là định hướng truyền giáo trong công tác bác ái.

- Cần tránh biến bác ái thành công cụ để "chiêu dụ" tín đồ; mà hãy xem đó như cơ hội gieo mầm đức tin vào lòng người khác. Hai cách thực hành bác ái sẽ đưa đến hệ quả khác nhau: hoặc tín đồ vô-đạo-vì-gạo, hoặc tín hữu rửa-tội-vì-tin. Tuy nhiên, lắm khi không đạt được ý nguyện truyền giáo thì không vô ích, vì việc thực thi này cũng kể như bác ái xã hội.

 

3. Đối tượng việc truyền giáo

a. Lương dân hay người nguội lạnh?

- Hiện nay lương dân chiếm đến 90-95% dân số. Đó là cánh đồng truyền giáo to lớn đầy tiềm năng và cấp thiết. Thực tế, truyền giáo cho lương dân phải đối mặt rất nhiều khó khăn, vất vả, tổn phí về tài chánh, nhân sự và thời gian, dễ bế tắc trong phương cách đến với họ. Nên ai cũng ngán ngại, tìm cách né tránh, hoặc quay sang với “chiên lạc nhà Israel”.

- Số tín hữu nguội lạnh, khô khan, sống đạo lôi thôi... rất ít; không nên quá bận tâm. Ngoài ra, một số "Giáo điểm truyền giáo", thực chất chỉ là tụ điểm những người công giáo rải rác, sống xa nhà thờ; chăm sóc họ chỉ là việc mục vụ hoặc tái truyền giáo.

- Truyền giáo, đúng nghĩa, là việc mang Tin Mừng đến cho những người chưa từng nghe biết Chúa, cần nhắm tới lương dân, đi tìm người ngoại đạo; nếu không, thì không còn là truyền giáo và cũng không mong tăng tỷ lệ người Công giáo !

 

b. Người giàu hay người nghèo ?

- Ông Chủ bảo "mời bất luận ai ở ngoài đường vào dự tiệc" thì đa số thực khách hẳn là người nghèo. Thực tế, người nghèo chiếm hơn 80% dân số, rất đông và ở khắp nơi. Họ không chỉ thiếu tiền bạc, mà còn nghèo kiến thức, sức khỏe, cơ hội thăng tiến, nên luôn trông chờ và dễ nghe theo ai yêu thương giúp đỡ họ. Do đó, người nghèo là cơ may của Giáo hội, là đối tượng quan trọng không thể bỏ quên trong công cuộc truyền giáo.

- Hơn nữa, tự bản chất Giáo hội xuất thân từ giới nghèo và nhiều lần tự nhận là “Giáo hội của người nghèo”. Dù phải chăm sóc lâu dài, hướng dẫn đủ điều và đôi khi là một gánh nặng, Giáo hội cần ưu tiên quan tâm tới người nghèo. Họ cần được trân trọng và giúp đỡ như chính hiện thân của Chúa Giêsu. Nếu không tiếp cận với người nghèo, thì xem như hành trình trình của nhà truyền giáo là đi trong hoang địa. Do đó, các ứng sinh linh mục, tu sĩ, hay tác viên Tin Mừng, không chỉ sống từ bỏ, mà còn cần gắn bó và yêu thương người nghèo… như một điều kiện để trở thành môn đệ truyền giáo.

- Người giàu cũng là đối tượng của công cuộc truyền giáo. Cũng như người nghèo, họ cũng cần đến tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong thực tế, người giàu thường có nhiều năng lực, lại thích danh thơm và coi trọng việc phúc đức. Nên họ dễ thể hiện sự thành công và danh giá bản thân qua các hoạt động từ thiện, các sinh hoạt cộng đồng.

- Người giàu chính là "nhóm gia nhân nấu mâm dọn tiệc" trong nhà Ông Chủ. Nên Giáo hội không khó vận động họ cộng tác vào các hoạt động bác ái cũng như truyền giáo. Bằng cách xây dựng mối quan hệ hợp tác với người giàu, Giáo hội không chỉ mở rộng ảnh hưởng, lan tỏa Tin Mừng tới mọi thành phần xã hội, mà còn giúp người giàu khám phá ra những giá trị của Tin mừng, mời gọi họ tiếp tay và chia phần phúc đức trong công cuộc truyền giáo.

 

4. Hoạt động truyền giáo (phần II, bên dưới)

 

II. VÀI THỰC HÀNH TRUYỀN GIÁO CHO LƯƠNG DÂN

 

1. Mời đón lương dân đến nhà thờ

- Tạo được tương quan thân thiện với người ngoại đạo là cần, nhưng chưa đủ. Còn tìm cách đem lương dân đến nhà thờ, để họ có cơ hội biết Chúa và gia nhập Giáo hội nữa. Đây là một mục tiêu chiến lược, dù “không mấy ai nghĩ tới” và được coi là khó khả thi.

- Truyền giáo là qui tụ muôn dân. Nên bước khởi đầu không thể thiếu trong quá trình biến lương dân thành tín hữu, là họ đến gặp để biết Chúa và được Chúa biến đổi. Thánh Gioan Tẩy Giả đưa hai môn đệ đến gặp Chúa Giêsu và họ đã trở thành môn đệ truyền giáo...

- Tâm lý tự nhiên, ai cũng ngại đến nơi thờ tự không cùng tôn giáo. Chắc chắn họ sẽ không đến, nếu không có người quen lôi kéo dẫn đường, không có gì hấp dẫn lôi cuốn, không có phương tiện đi lại thuận tiện. Nên các Kitô-hữu cần có thái độ cởi mở, giao lưu, mời gọi, thuyết phục, đưa dẫn anh em lương dân thân cận tới nhà thờ. Đó là bổn phận tông đồ không thể thiếu trong đời sống tín hữu.

- Cũng cần chú trọng hướng dẫn giáo dân, giáo dục thiếu nhi, nhất là lớp giáo lý Thêm Sức, thói quen đến với anh em lương dân, mở rộng tương giao với xóm giềng ngoại đạo, thay vì thái độ co cụm, tách biệt, xa tránh, dửng dưng thường thấy!

- Các chủ chăn là những "bề trên truyền giáo" tại địa phương, cần thường xuyên tổ chức những sự kiện để giáo dân cầm thơ đi mời, lôi kéo từng anh em  lương dân đến tham dự các lễ hội đạo-đời, các dịp lễ hoặc sinh hoạt của giáo xứ (khánh thành, bổn mạng, đi hành hương, ca đoàn, thể thao, văn nghệ, dâng hoa,,,), các hoạt động từ thiện (khám bệnh chuyên biệt, đi từ thiện, đi cứu trợ, đi uỷ lạo)… Đây là những cơ hội thực tiễn để giáo xứ loan báo Tin Mừng, vừa giúp giáo dân thực hành truyền giáo, vừa tạo tương quan tốt đẹp mở đường đưa dẫn lương dân tới nhà thờ, gặp gỡ Chúa.

- "Mời 'Đến mà xem'" là nhịp cuối trong tiến trình 4 bước sẽ được bàn: Gặp gỡ tiếp cận - Xây dựng tình thân - Chia sẻ ân phúc - Mời "Đến mà xem". 

 

2. Giới thiệu lương dân gặp gỡ Chúa
    qua Thánh lễ và giáo lý, để được biến đổi

- Sau khi đưa đến nhà thờ, bước kế tiếp cần nỗ lực giúp lương dân đến với Chúa Giêsu. Chính Ngài mới là Đấng đang chờ họ và họ cần gặp, như xưa Chúa Giêsu mời hai môn đệ Thánh GB. đến mà xem và ở lại với Ngài (Ga 1,38-39).

- Mọi người, dù là lương dân, không thể được biến đổi tâm hồn và cuộc sống nếu không gặp chính Chúa Giêsu, Đấng đã biến đổi bao người gặp gỡ Ngài : Giakêu, người phụ nữ Samaritana, Matthêu…

- Theo tinh thần và đường hướng của Giáo hội, Thánh lễ và giờ giáo lý chính là cách truyền đạt đức tin (Tông huấn 'Evangelii Nuntiandi' của Đức Phaolô VI), là phương thức đào tạo và nuôi dưỡng đời sống đức tin của tín hữu (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo).

- Công tác giảng dạy giáo lý và Thánh lễ rất quan trọng và là cao điểm của việc loan báo Tin Mừng . Thiếu sự hướng dẫn dạy dỗ này, sẽ không còn là sinh hoạt của một giáo điểm truyền giáo. Nếu chỉ chú trọng thực thi bác ái xã hội, giáo điểm chỉ còn là một trung tâm từ thiện, một “siêu thị 0 đồng”.

- Hơn nữa, Thánh lễ và giờ giáo lý vừa là cơ hội để giới thiệu Chúa Giêsu, vừa là giây phút người lương dân gặp gỡ chính Chúa, nhờ đó càng ngày họ càng thêm hiểu biết và tin nhận Chúa, đồng thời lôi kéo họ gắn bó với giáo điểm năm này qua tháng khác. Dù mệt mỏi hay mất giờ dự Thánh lễ và học giáo lý, anh em lương dân vẫn bền lòng theo đuổi vì được chính Chúa lôi cuốn.

- Ý thức như thế, các tác viên truyền giáo không chỉ dạy giáo lý cho xong, hoặc dạy kinh kệ qua loa, nhưng cần nỗ lực giới thiệu một Chúa-Giêsu-đang-sống, đang giáo huấn và biến đổi lòng người.

- Ngoài ra, cần tạo những điều kiện thuận lợi như: Thánh lễ sinh động, bài giảng hấp dẫn, ăn sáng no bụng, phòng lớp giáo lý khang trang, bài giáo lý súc tích và mang tính thực hành, các phương thức điểm danh và khen thưởng… Dĩ nhiên “thiết kế” và chuẩn bị tất cả các điều kiện sinh hoạt đó, chính là nỗ lực đầu tư của linh mục và tu sĩ phụ trách giáo điểm. Không dễ và cũng hao tốn tài lực và sức lực !

 

3. Hướng dẫn lương dân sống Phúc Âm:
    học NHẬN với lòng biết ơn và giữ công bằng,
    tập CHO với lòng bác ái và dám hy sinh.

 

a. Dạy lương dân ‘NHẬN’ với lòng biết ơn và giữ công bằng

- Nhận với lòng biết ơn: biết nói lời ‘Cám ơn’, nhớ cầu nguyện và ghi ơn các ân nhân, biết sử dụng vừa đủ các tiện ích công cộng, biết tiết kiệm vật dụng và của cải, sử dụng quà tặng đúng mục đích…

- Nhận trong công bằng: biết xếp hàng theo thứ tự, chỉ nhận phần của mình, theo phân phối và vừa đủ nhu cầu, biết tôn trọng và trả lại của cải cho nhau.

b. Tập lương dân ‘CHO’ với lòng bác ái và dám hy sinh

- Thường xuyên nhắc nhở và sửa dạy tính tham lam, óc ham tư lợi, dạy biết quan tâm tới người nghèo hoặc khó khăn hơn, chia sớt khi thiếu phần, biết nhường phiên nhường chỗ cho người già - thiếu nhi - người mới đến, khơi dậy niềm vui khi chia sẻ, khi nhường nhịn...

- Gởi kèm thêm phần 'quà cho người nghèo hơn hoặc cần hơn' để họ mang về chia sẻ, cách vui vẻ và theo lương tâm... Nhờ đó, lương dân dần trở thành một người mới: biết quan tâm đến tha nhân, biết cho đi, biết giúp đỡ, biết "chia sẻ ân phúc". Đó cũng là tập sự và khởi đầu công tác loan báo Tin Mừng!

 

4. Giữ lương dân bằng việc chăm sóc theo mô hình của Chúa Giêsu

- Chăm sóc lương dân không chỉ là tiếp tục sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu, mà còn là thực thi bác ái truyền giáo, cũng là cách để giữ họ gắn bó với giáo điểm.

- Giáo điểm có thể chăm sóc lương dân qua 4 công tác sau theo gương Chúa Giêsu trong Phúc Âm: thăm viếng – cứu chữa – dạy dỗ – nuôi ăn.

  • Chúa GiêsuĐấng Emmanuel: Thăm viếng

- Chúa Giêsu đã từng đến thăm viếng các gia đình và sai các môn đệ ra đi thăm viếng, chúc bình an nơi nào đón tiếp.  

- Công tác thăm viếng cần thiết và quan trọng để tạo tình thân, chia sẻ vui buồn, kêu gọi trở lại sinh hoạt, khích lệ lương dân kiên trì theo Chúa.

- Bà con lương dân rất vui, hãnh diện và được an ủi khi các tác viên truyền giáo đến thăm gia đình, nhất là khi đau yếu, dịp tang chế…

  • Chúa Giêsu là Lương y: Chữa lành

- Các tác viên truyền giáo cần biết thăm hỏi, có thái độ cảm thông, an ủi bà con đau yếu, bệnh tật. Cũng nên có chút kiến thức về y-dược, sức khỏe, thể dục, mẹo chữa trị… để giúp bà con.

- Tủ thuốc truyền giáo quan trọng, không chỉ giúp chữa trị thể xác, mà còn là dịp để giới thiệu và khơi dậy niềm tin: “Lạy Chúa Giêsu là Lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”.

- Tất cả việc chữa trị cần qui hướng niềm cậy trông vào quyền năng của Chúa, luôn nhớ tạ ơn Chúa đã chữa lành, và nhắc nhở ghi ơn các ân nhân.

  • Chúa Giêsu là Linh sư: Dạy chân lý Nước Trời

- Việc bác ái truyền giáo luôn mang tính giáo dục nhằm đưa lương dân tới với Chúa, ngày càng hiểu biết và gần gũi Chúa hơn.

- Công tác giáo dục lương dân, qua Phụng vụ Thánh lễ Chúa Nhật và Giáo lý, rất quan trọng, nhờ đó họ thêm hiểu biết và tin mến Chúa, được Chúa biến đổi. Đức tin có được nhờ nghe và cảm nhận.

- Chính Chúa Giêsu có sức thu hút lôi cuốn những ai tuôn đến với Ngài. Chính Ngài cũng lôi kéo lương dân tìm đến với giáo điểm, chứ không do quà cáp hay sức hấp dẫn của một ai ngoài Chúa.

- Các giáo lý viên giáo điểm cần được bồi dưỡng giáo lý và năng tham dự giờ chầu Thánh Thể, để khi giảng giải về Chúa, họ có thể làm cho lớp sinh động, hiệu quả, giúp học viên gặp gỡ chính Chúa qua phút cầu nguyện trong giờ giáo lý.

  • Chúa Giêsu là Mục tử: Nuôi ăn

- Sau khi giảng dạy, Chúa bảo các tông đồ: “Hãy cho họ ăn”. Ngày nay cũng vậy, việc cấp phát gạo thóc, quà tặng cho lương dân dự lễ và học giáo lý là theo ý Chúa. Và kinh nghiệm cho thấy, Chúa vẫn làm “Phép lạ hóa bánh” để luôn có đủ lương thực cho mọi người đi theo và lắng nghe lời Chúa.

- Dân gian vẫn nói: “Có thực mới vực được đạo”, thì trong giáo dục, để đạt hiệu quả cần có song đôi việc “nuôi--dạy” và người thụ huấn cũng cần “ăn--học”. Việc chăm sóc này giúp qui tụ và hướng dẫn lương dân dễ dàng, thiết thực và hiệu quả.

 

5. Vận dụng lương dân vào công cuộc loan báo Tin mừng

- Mọi người đều được sai đi, từ Chúa Giêsu, đến các tông đồ, mỗi tín hữu và cả lương dân. Khi đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa, mỗi người phải mang yêu thương và Tin mừng đến cho anh em. Ai tin nhận Đức Kitô cũng thành môn đệ truyền giáo.

- Như Thánh Anrê và Philipphê, lương dân cũng có khả năng đưa dẫn anh em thân cận đến với Chúa. Vì thế, cần vận dụng lương dân vào công tác loan báo Tin Mừng.

- Để lên đường, lương dân cần được hướng dẫn, ghi nhớ và thực hiện 4 bước đến với người thân cận:

1. Gặp gỡ tiếp cận: giao tiếp, chào hỏi, làm quen…

2. Xây dựng tình thân: gây thiện cảm, tạo tình thân…vì yêu thích người-có-đạo là bước đầu để mộ mến đạo.

3. Chia sẻ ân phúc: hoặc chia sẻ phúc lợi vật chất, chuyển quà tặng - hoặc kể lại những cảm nhận về may lành, phúc lộc, ân ban với xác tín "nhờ Chúa cho". Những cảm nghiệm cá nhân này là cách làm chứng đơn giản và rất thuyết phục.

4. Mời "Đến mà xem": sau khi đã thân tình và chia sẻ ân phúc, sẽ rủ mời người lương thân cận đến tham quan nhà thờ, dự Thánh lễ, nghe thánh ca, dự lễ đặc biệt, xem văn nghệ, nhận quà, giới thiệu đôi nét về đạo, chia sẻ niềm tin...

- Cụ thể, mỗi lương dân có thể nhiều lần chuyển quà tặng của nhà thờ cho một anh em thân cận, thì dịp đặc biệt sẽ chuyển thơ mời, thêm lời động viên hướng dẫn cùng đến nhà thờ tham quan và tham dự các sinh hoạt lễ hội, để làm quen.

- Đó cũng gọi là phương thức 1-cặp-1: mỗi 'lương dân cấp I' mời gọi một 'lương dân cấp II': Đi lễ Noel, Hành hương truyền giáo ; Cùng đi lãnh gạo nhận quà ; Đến xem Hội chợ trang phục ; Cầu bình an Năm mới ; Cầu tài lộc đầu năm...

 

III. HÀNH TRANG LÊN ĐƯỜNG

 

Khi sai các tông đồ ra đi làm nhân chứng, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần như là hành trang. Chúa Thánh Thần là  nhân tố chính yếu, luôn trợ lực và hướng dẫn công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Ngài ban nhiều đặc ân cho các tông đồ và môn đệ, nổi bật nhất là:

 

1. Lòng Nhiệt thành

⁃ Ân ban đầu tiên thấy được nơi lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ. Đó là lòng nhiệt thành, được Thánh Thần ban qua sự dấn thân hoạt động tông đồ, giúp người môn đệ truyền giáo càng cống hiến thì càng hăng say. Thanh củi được đặt vào bếp hồng, sẽ cháy dần, mỗi lúc một nóng hơn, sáng hơn, đến hao mòn.

⁃ Lòng nhiệt thành ban cho người tông đồ và cả người đồng hành. Sự hăng say của người này sẽ lây lan và tỏa sáng đến người kia. Mục tử trọn tình với Tin Mừng sẽ lôi cuốn được nhiều cộng tác viên. Bên cạnh người tông đồ nhiệt tình, các bạn hữu sẽ hăng say. Thợ gặt càng dấn thân thì càng thúc bách nhiều lương dân sốt mến tìm Chúa.

 

2. Ơn Khôn ngoan

⁃ Ơn Khôn ngoan được Chúa Thánh Thần ban theo nỗ lực cá nhân, giúp suy nghĩ, phán đoán, tiên liệu và hành động sáng suốt, cố tìm được giải pháp trước vấn nạn.

⁃ Ơn khôn ngoan thể hiện qua:

• Ứng biến: khả năng linh hoạt, biến báo, thích nghi nhanh, hành động phù hợp, ứng phó mau lẹ, chính xác và hiệu quả trước hoàn cảnh.

• Cải tiến: nâng cao chất lượng, tối ưu hóa một công việc, một phương thức, hoặc hiện trạng, để đạt hiệu quả tốt hơn; biết đổi mới sự việc cũ thành mới hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn.

• Sáng kiến: khả năng đưa ra ý tưởng mới để giải quyết vấn đề hoặc cải thiện tình hình, phát kiến ra một điều mới lạ.

 

3. Sự Biến đổi

⁃ Các Tông đồ đã được Thánh Thần biến đổi cách rõ rệt, từ những con người tầm thường và nhát đảm, thành chứng nhân can đảm phi thường; cả người loan báo lẫn người đón nhận Tin Mừng đều được tràn đầy Thánh Thần.

- Ơn Biến đổi tuy âm thầm, nhưng hữu hiệu, làm nên những thay đổi sâu sắc nơi tâm hồn và cả cuộc đời. Anh em lương dân cũng như các giáo lý viên từng cảm nhận: nhát đảm > can đảm, chậm chạp > năng động, buồn phiền > vui tươi, bi quan tiêu cực > hăng hái tích cực, yếu đau > mạnh khoẻ, vụ lợi > quảng đại, ích kỷ > xả thân... Chính ơn biến đổi này cải hóa tội nhân thành thánh nhân, đặc biệt nơi những ai tích cực cộng tác với ơn Chúa.

THUYẾT TRÌNH - HVCG, 21.11.2024

Lm. GB.TRƯƠNG THÀNH CÔNG