Kinh Nghiệm Phòng Tránh Dịch Covid-19 Trong Môi Trường Giáo Xứ

Dịch Covid-19 đã khiến mọi người khắp nơi lo lắng, vì độ lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, với số ca nhiễm và tử vong tăng lên từng ngày. Từ đó, mọi sinh hoạt toàn thế giới trở nên bất ổn. Truyền thông đủ dạng lại khiến nhiều người thêm bối rối.

Lần lượt các nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới hôm 11.3.2020 đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Những lời mạnh mẽ đó kêu gọi mọi người chung tay ngăn chặn sự lây lan virus. Thật cảm động khi thấy hình ảnh các bác sĩ và nhân viên y tế thiện nguyện xông vào ngay tâm dịch, để chăm sóc bệnh nhân với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, dù phải hy sinh tính mạng.

Trong cộng đồng Dân Chúa, các chủ chăn đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp tín hữu hiểu biết và thực hành phòng tránh dịch Covid, đặc biệt là lời mời gọi hiệp thông kinh nguyện khẩn cầu Chúa dủ thương chữa lành.

Sự lây lan Covid-19 không miễn trừ đất nước hay cá nhân nào, vì thế mọi người cần ý thức và hành động ngay. Người Hàn quốc khích lệ nhau, gởi tặng nhau từng khẩu trang, doanh nhân lớn nhỏ tài trợ cho các chương trình y tế xã hội… Điều tốt đẹp đó cũng nhắn gởi chúng ta, mỗi người một cách, tận dụng mọi cơ hội, không chỉ phòng tránh, mà còn cứu trợ nhau qua cơn đại dịch.

Rất nhiều báo đài đã trình bày đủ loại thông tin và hướng dẫn về dịch Covid-19 trong thời gian qua. Can đảm đối diện với thực trạng, mỗi gia đình, từng địa phương, các giáo xứ hãy tích cực thực hiện những biện pháp cần thiết và hữu hiệu, mong dập được đại dịch, hầu mọi người sớm tìm lại cuộc sống an lành.

Ghi nhận nhiều ý kiến, sau những thực hành cụ thể, bài viết này như một chia sẻ mục vụ về phòng tránh dịch bệnh Covid-19 trong môi trường giáo xứ.

  1. Với giáo dân

Phòng dịch là chống lây lan, tránh phát tán virus, hoặc do tiếp xúc trực tiếp người tới người (như bắt tay, giao tiếp, hội họp…) – hoặc do tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm khuẩn (bàn ghế trong nhà thờ, tay cầu thang, ổ nắm cửa, nhà vệ sinh…) – hoặc do môi trường không khí (hội họp đông người, hắt hơi, quạt gió…). Do đó, khi đến nhà thờ, giáo dân cần được đo nhiệt độ – rửa tay khô – và mang khẩu trang. Các việc này được thực hiện ngay tại bàn tiếp tân, ở lối vào nhà thờ, hoặc tại bãi giữ xe :

– Đo thân nhiệt: Người phụ trách đo nhiệt độ cần mang khẩu trang và găng tay. Có thể trang bị dụng cụ đo nhiệt độ (mua tại hiệu thuốc, khoảng 800-900.000đ/máy), số lượng nhiều ít tuỳ nhu cầu mỗi nơi. Nếu thấy sốt cao, cần giải thích và mời đương sự, vì sức khoẻ cộng đồng, đi về khám bệnh.

 

– Rửa tay khô : Do số giáo dân đông, không tiện rửa bằng nước và xà bông, nên cách rửa tay với dung dịch sát khuẩn sẽ phù hợp và tiện lợi hơn. Cần treo bảng minh họa các bước rửa tay để giáo dân nhìn và tự xoa rửa đúng cách. Không nên để mỗi người tự cầm, sẽ gây ô nhiễm ngay tại chai dung dịch; người phục vụ mang khẩu trang và găng tay sẽ cầm một lúc hai chai, xịt dung dịch vào hai tay người rửa.

Dung dịch rửa tay khô, có thể tự pha theo công thức của WHO –theo hướng dẫn trên nhiều trang mạng-, hoặc nhờ dược sĩ hay bác sĩ tại địa phương giúp pha số lượng lớn để giáo xứ sử dụng lâu dài. 

– Mang khẩu trang : Mọi người cần mang khẩu trang khi đến nơi công cộng, cả nhà thờ; không đeo thì đề nghị đứng ở một góc biệt lập. Tương tự như rửa tay, sẽ có bảng hướng dẫn cách đeo khẩu trang để giáo dân nhìn và thực hiện đúng cách. Mỗi người tự sắm khẩu trang hoặc giáo xứ tìm nguồn trợ cấp và phát miễn phí. Cũng cần đặt nhiều thùng rác có nắp đậy đúng qui cách vệ sinh để chứa khẩu trang đã qua sử dụng. 

Tránh khan hiếm trên thị trường, giáo dân hoặc giáo xứ có thể tự làm khẩu trang – theo hướng dẫn trên các trang mạng – hoặc may khẩu-trang-vải-ba-lớp, đủ tiêu chuẩn phòng dịch, có thể giặt và sử dụng lại. Đó là giải pháp cho cộng đồng hay gia đình “đông người nhiều con”.

  1. Với cộng đồng: Linh mục, Thừa Tác viên, giáo dân qui tụ cử hành phụng vụ…

Trong việc phòng tránh dịch Covid-19 rất dễ lây lan, cần đặc biệt lưu tâm tới không gian “san sát” trong nhà thờ, thường tập trung nhiều người, với các sinh hoạt đọc–hát–nói–tiếp xúc….

Bằng phương tiện truyền thông sẵn có – nhất là các bích chương và phim ảnh minh họa, hoặc qua các huấn dụ, các mục tử cần thông tin, hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo, nhằm gây ý thức và giáo dục giáo dân : biết cách phòng tránh sự lây lan của virus, nắm vững các phương án đối phó trong tình trạng khẩn cấp, có thái độ phù hợp trong mùa dịch bệnh. Cũng cần giới thiệu những trang web đáng tin để giáo dân tham khảo, qua đó giúp tránh tin giả hoặc thói quen bám theo các trang mạng xấu…

Tránh tụ tập trước và sau lễ. Các sinh hoạt tập trung nhiều người phải hết sức ngắn gọn, chỉ duy trì những gì cần thiết, bớt các kinh, bộ lễ và đáp ca chỉ đọc, giảng lễ gọn gàng với ý chính, rút ngắn hoặc bỏ lời nguyện cộng đồng… Như thông báo của nhiều tòa giám mục, tạm ngưng các sinh hoạt cộng đồng, các lớp giáo lý, các buổi học Kinh Thánh, các nhóm họp đoàn thể…

Khuyến cáo những ai có triệu chứng ho và sốt, nên ở nhà và tìm dự lễ trên các phương tiện truyền thông. Các mục tử cần phổ biến sách kinh và hướng dẫn giáo dân biết cách ‘Giữ ngày Chúa Nhật’ khi không thể đi lễ hoặc không có Thánh lễ tại giáo xứ. Trên mạng đã khá phổ biến ‘Thánh lễ dành cho người không thể đến nhà thờ’.

Ca đoàn: tuỳ tình hình, có thể tạm ngưng tập hát. Giải pháp tạm thời là thu âm và ‘playback’ các bài thánh ca để cộng đoàn hát chung trong phụng vụ. Cộng đồng thưa và hát kinh chỉ cần vừa đủ nghe.

Sách Thánh, rổ xin tiền, thẻ giữ xe, lễ phục của linh mục và giúp lễ… cần tẩy giặt hoặc phơi nắng nhiều lần để diệt khuẩn, nhất tiền kết, tiền dâng cúng, trước khi được đếm. Để an toàn, những người phụ trách liên hệ tới các vật dụng đó cần mang khẩu trang và găng tay.

Về Rước lễ: theo hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo dân rước lễ bằng tay cũng cần cẩn thận khi vén khẩu trang lên khỏi miệng. Cả Chủ tế và các Thừa tác viên trao Thánh Thể (mang khẩu trang nếu cần) cần rửa tay sát khuẩn khô ngay trước khi trao Bánh thánh. Chủ tế cần lưu ý tránh văng nước bọt vào chén bánh khi đọc kinh nguyện, nhất là lúc Truyền phép.

Tạm ngưng các nghi thức có tiếp xúc dễ gây lây lan như : bắt tay hoặc hôn chúc bình an, rước Máu thánh, hôn kính Thánh giá, sờ chạm lên các ảnh tượng, đối đáp trước rước lễ… 

Hạn chế tối đa việc sử dụng, hoặc tắt hẳn, quạt trần (cả quạt tay) và máy điều hòa, để tránh phát tán virus do đối lưu không khí; cự ly cách nhau sẽ không còn tác dụng khi mở quạt… (nhưng trước và sau lễ, không còn giáo dân, thì mở quạt đủ lâu để tạo lại bầu khí thông thoáng). Giải pháp này chắc chắn sẽ tạo nóng nực oi bức trong nhà thờ, nhưng có thể khắc phục bằng cách :

* Mỗi bàn chỉ ngồi 2 hoặc 3 người, cách xa nhau trên 1,5m theo tiêu chuẩn y tế phòng dịch. Ban Lễ tân cần tiếp đón và sắp xếp giáo dân vào chỗ cho phù hợp.

* Có thể mời những người mạnh khỏe đứng dự lễ bên ngoài nhà thờ, để giảm số người bên trong, tạo thêm khoảng cách, giảm nhiệt, bớt nguy cơ lây nhiễm.

* Nếu tình hình tệ hơn, có thể cử hành thánh lễ (nhiều lễ hơn, nếu cần) ngoài sân hoặc ngoài trời, vào thời khắc thích hợp, vừa thông thoáng vừa có ánh nắng giúp diệt khuẩn, tạo được an toàn dịch bệnh… Đây là giải pháp phòng dịch đơn giản mà hiệu quả.

  1. Nhà thờ và các cơ sở giáo xứ

Cần tẩy trùng thường xuyên cả nhà thờ, bàn thờ, toà giải tội, bàn ghế, phòng thánh, khu vực ca đoàn, các nhạc cụ, cả nhà xứ, phòng lớp giáo lý, nhà sinh hoạt, các kho bãi, xe cộ, ghe tàu, khu vực vệ sinh, các lối đi, sàn nhà, các tay nắm cửa… bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B. Mặt bằng nhỏ thì lau chùi hằng tuần, không gian lớn thì phun thuốc vài tuần một lần. 

Hoá chất khử trùng Cloramin B (nguyên chất #250.000đ/kg, hàm lượng khử trùng bề mặt cần 50g/10lít nước, có hoạt tính khoảng 10 ngày), hòa tan trong nước sẽ sinh ra clor, được phun xịt sẽ phát tán thành những hạt li ti bay tỏa trong không gian lớn, cũng chen vào các khe nhỏ, sẽ bám lên các bề mặt trong một thời gian, có khả năng sát khuẩn cao, diệt được virus Corona.

Nên sử dụng máy nổ có ống phun, giá từ 5-10 triệu đồng tuỳ loại, hiệu quả hơn bình xịt bơm tay. Nếu không đủ điều kiện mua sắm, có thể hợp đồng thuê máy từ các cơ sở y tế địa phương, hoặc mỗi giáo hạt góp sức mua một máy phun chung cho 15-20 nhà thờ.

  1. Trường hợp phải cách ly

Cần tiên liệu trường hợp giáo xứ bị cách ly, nhà thờ phải “tạm ngưng hoạt động”, như đã xảy ra tại Hàn Quốc, do lây nhiễm giữa cộng đồng hoặc do hoàn cảnh bắt buộc cả một địa phương chịu lệnh phong tỏa.

Nhà thờ là nơi gặp gỡ Chúa, đặc biệt trong cơn hoạn nạn dịch tễ. Thế nên, cần tạo điều kiện để giáo dân có thể đến nhà thờ cầu nguyện riêng, như chỗ dựa tinh thần không thể thiếu, dẫu không có sinh hoạt phụng vụ

Trong tình cảnh này, các mục tử cần nhắc nhở giáo dân giữ các giờ kinh nguyện tại gia, qua tiếng chuông nhà thờ hoặc qua loa phóng thanh như nhiều giáo xứ hiện có. Cũng cần cho giáo dân đường điện thoại nóng của nhà xứ, các trưởng khu, các cơ quan để tiện liên lạc, khi cần.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm, các chủ chăn có thể thực hiện video clip Thánh lễ cùng với bài giảng Lời Chúa, cả các thông báo của giáo xứ, đưa lên trang web hoặc facebook của giáo xứ, theo cấp độ đường truyền và thời lượng cho phép.

Nhà thờ có thể giúp phổ biến những thông tin cần thiết cho bà con cả lương-giáo tại địa phương, giữ vai trò vận động, tiếp nhận, hoặc phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đoàn thể từ thiện, giúp phân phối các vật phẩm y tế, lương thực và thuốc men cứu trợ trong thời gian dịch bệnh

Khi bị buộc cách ly theo kiểm định y tế, người giáo dân cần tự giác chấp hành nghiêm túc. Có triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm Covid, phải thông báo cho giới hữu trách y tế càng sớm càng tốt. Nếu mỗi người đều ý thức phòng bệnh, thực hiện cách ly và chữa trị đúng qui định, thì đại dịch Covid 19 sẽ sớm được khống chế.

Trường hợp các linh mục hay tu sĩ đang phục vụ bị nhiễm virus, giáo xứ cũng cần quan tâm giúp các vị cách ly, đưa đi bệnh viện chữa trị nếu cần, báo tin cho tòa giám mục biết tình trạng sức khỏe các vị và tình hình giáo xứ để được hướng dẫn.

Sau khi, chấm dứt tình trạng “đóng cửa” nhà thờ, hội đồng mục vụ giáo xứ cần huy động, phân công giáo dân thực hiện việc sát trùng và làm vệ sinh cẩn thận các khu vực trước khi tiếp đón bà con trở lại sinh hoạt bình thường.

  1. Đối mặt với Covid-19

– Chấp nhận rủi ro : Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông trong năm 2017 tại Việt Nam đã cướp đi 22.468 sinh mạng, bình quân 62 người chết mỗi ngày. Điều đó cho thấy, trong cuộc sống, chúng ta phải đối mặt với bao rủi ro, mà virus Corona chưa phải là hàng đầu và cũng không phải là “tất cả”. Thật đau thương và đầy lo lắng, nhưng phải chấp nhận Covid-19 như một sự cố bất ngờ nhân loại không thể tránh.

– Thái độ đúng đắnTrước biến cố Covid-19, người ta dần biết đón nhận và cần có thái độ bình tĩnh không sợ hãi đến hoảng loạn – khôn ngoan để thấu hiểu và ứng phó mọi bất trắc xảy tới – sáng suốt trước những thông tin thật giả dễ gây lầm tưởng và hoang mang – tự giác cao để tuân theo những hướng dẫn của giới hữu trách và các nhà chuyên môn – cân nhắc trước mọi quyết định chứ không chạy theo “hiệu ứng đám đông” (thấy người ta làm sao… mình làm vậy) – quyết tâm giúp đỡ nhau để cùng vượt qua dịch bệnh – và trên hết là vững niềm cậy trông tín thác vận mệnh vào Chúa.

– Tạo thêm kháng thể : Theo tiên đoán, thế giới còn đợi ít nhất 12 tháng nữa mới có vaccin phòng Covid-19. Đó là vaccin của các nhà khoa học, của phòng thí nghiệm, của công ty bào chế và phải mất tiền để mua… Xin đừng quên, mỗi chúng ta cũng có thể tự tạo được vaccin cho chính mình, đó là : thể dục thường xuyên (trẻ: chạy, già: đi), ăn uống nghỉ ngơi điều độ, gia đình sống quây quần và quan tâm chăm sóc nhau, giới hạn giao tiếp để tránh lây lan cho mình và cộng đồng… Đây mới thật sự là những kháng thể tích cực, giúp vượt thắng dịch bệnh với nụ cười trên môi.

– Sống tình liên đới: Địa phương, hàng xóm, khu phố và giáo xứ có thể ví như một chuyến bay hay một du thuyền… Một người nhiễm dịch thì tất cả bị cách ly, mỗi người mạnh khỏe không có mầm bệnh, tất cả được an lành. Vì thế, trước cơn đại dịch, hãy sống liên đới, đồng cảm, khích lệ, tương trợ nhau, phải hết lòng với người bị nhiễm hoặc mắc bệnh. Những kỳ thị, phân biệt đối xử, ích kỷ, đổ lỗi, lăng mạ nhau… sẽ hứng chịu những hậu quả tiêu cực khôn lường! Có vậy thời gian dịch bệnh sẽ ngắn lại, tình người qua gian khó càng sâu đậm, đưa nhau đi qua cơn dịch an toàn. 

KẾT LUẬN

Để kìm hãm sự lây lan của virus, biện pháp tiên quyết là phong tỏa mầm bệnh, từ cách ly cá nhân đến đóng cửa biên giới giữa các nước. Do đó, Covid-19 đã đưa tới những cảnh chia cắt thật đau lòng. Tuy nhiên, nhờ đó các nước lại chung tâm huyết trong trận chiến chống dịch bệnh, bao người thiện nguyện chấp nhận khốn khó vì sự sống của anh em, con người biết quan tâm và yêu thương nhau hơn… Đặc biệt các gia đình, do hạn chế đi lại, sẽ được những phút giây sống bên nhau và chăm sóc nhau nhiều hơn. Nơi giáo xứ, nhà thờ “ngưng hoạt động” cũng làm giáo dân gần nhau hơn, khao khát dự Thánh lễ hơn, và sốt sắng chung lời nguyện “cầu cho cơn dịch bệnh sớm chấm dứt”. Như thế, thật ý nghĩa khi Covid chia cắt con người trên bình diện thể lý, lại nối kết nhau chặt chẽ hơn về phương diện tinh thần và niềm tin.

Covid-19 là sự dữ tai ác do mức độ lây lan chóng mặt và ngày càng gây tác hại nghiêm trọng khắp các đất nước, không miễn trừ ai ; đồng thời, còn phơi bày bao lầm lỗi cá nhân cũng như tội ác quốc tế. Trong lo lắng sợ hãi, ai cũng tự hỏi bao giờ dịch bệnh mới được khống chế và khi nào mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường để người người được sống an vui ? Hôm nay Covid-19 thực sự là cuộc “khổ nạn” đau đớn của nhân loại, nhưng cũng làm rất nhiều người thay đổi nghĩ suy và hồi tâm, để có ứng xử đúng mực hơn trong mọi lãnh vực. Nỗi kinh hoàng vì Covid-19 còn giúp con người cảm nhận tội lỗi, muốn hoán cải và sám hối ; đồng thời, khơi dậy niềm hy vọng được thoát khỏi cơn dịch bệnh quái ác, mong sớm thấy một cuộc hồi sinh tốt đẹp hơn, an ổn hơn, nhân ái hơn, hạnh phúc hơn. Đây cũng chính là cách sống đích thực Mùa Chay, chuẩn bị đón Mầu nhiệm Phục sinh, không chỉ nơi các Kitô-hữu, mà cả nhân loại đang sống trong thời khắc Covid-19 này.