VỀ TRUYỀN GIÁO TẠI HỌ ĐẠO RẠCH VỌP
Sống trong linh đạo truyền giáo của Hội Dòng, tôi không thực sự ngạc nhiên về “Mô hình truyền giáo tại Họ đạo Rạch Vọp”, bởi lẽ mời người lương dân đến nhà thờ, nhờ người lương dân dẫn người thân quen của họ đến nhà thờ, giúp họ gặp gỡ Chúa để được biến đổi, chăm sóc họ như những thành viên của đại gia đình mình, và nhờ họ để lan tỏa hương thơm “bác ái Công giáo” và sức sống đức tin Công Giáo cho những người khác là điều không mới mẻ. Điều tôi thán phục chính là tinh thần truyền giáo bền bỉ của một vị mục tử cao niên nhưng “lòng rất trẻ”. Bằng chính kinh nghiệm sống, ngài rút tỉa ra được những nguyên tắc truyền giáo từ kinh nghiệm hoạt động truyền giáo của mình, để trao gửi cho những nhà truyền giáo khác một gợi hứng để tiếp lửa sáng tạo trong sứ vụ tông đồ Ad Gentes.
1. Nỗi bận tâm của người mục tử truyền giáo
Cha Gioan Baotixita Trương Thành Công, chánh xứ Họ đạo Rạch Vọp, Giáo phận Cần Thơ đã đảm nhậm việc chăm sóc mục và truyền giáo ở đây gần 8 năm (từ 7/2016). Với tinh thần của người mục tử, ngài bận tâm với đời sống khó khăn nghèo hèn của con cái mình và đồng bào địa phương. Làm sao để có thể nâng đỡ họ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn về đời sống xã hội cũng như đức tin là đều luôn canh cánh bên lòng. Với kinh nghiệm trong phú của mình trong đời mục tử, ngài tiếp tục làm “gạch nối” giữa Thiên Chúa và những con người cùng khổ, để tình yêu thương của Thiên Chúa có thể đụng chạm đến họ. Đối tượng phục vụ mà ngài quan tâm hơn hết là những người nghèo, những người lương dân chưa biết Chúa.
Ở tại miền đất Rạch Vọp này, dân thì nghèo, kinh tế thì khó khăn, những người khỏe mạnh thường đi làm xa tại các thành phố lớn, phần còn lại chỉ những người già nua tuổi tác, sức khỏe yếu và thiếu nhi. Chính lẽ đó, “Lá lành đùm lá rách”, “chia cơm sẻ áo” là những hành động rất thực để diễn tả một tình yêu thương giữa người với người, qua đó cho mọi người nhận ra, giữa họ có một Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót. Chính nhờ thúc bách của tình yêu thương ấy, họ tập chia sẻ với nhau cái họ có và chỉ nhận cái họ cần. Những châm ngôn sống tôi đã đọc thấy, như một lời nhắc nhỡ thường xuyên trong cách sống cho hết mọi người: “Ai có đến cho, Ai cần đến nhận”, “Thực thi bác ái là loan báo Tin Mừng”,
“Chỉ nhận vừa đúng nhu cầu. Đừng tham lam kẻo mãi nghèo”, “Cho thì có phúc hơn là nhận”, “Hãy cho theo lòng quảng đại”. Đó là cách giáo dục rất cao về tinh thần bác ái.
Mọi người được mời gọi đến nhà thờ trên những chuyến xe, chiếc thuyền chung đầy tiếng cười vui vẻ. Họ cùng đến một ngôi nhà chung cho tất cả, một mái ấm đượm tình Chúa tình người. Ở đó, họ gặp gỡ nhau cách thân ái, tiếp đón nhau cách niềm nỡ, xây dựng nơi nhau một tình thân thương của một đại gia đình không phân biệt giàu nghèo hay lương giáo. Ở đó, họ chia sẻ với nhau những bữa ăn nhẹ, những phần quà nhỏ bé nhưng đầy ấp tình cảm. Ở đó, họ quan tâm đến sức khỏe của nhau, hoàn cảnh cảnh sống và mảnh đời của nhau, được Chúa Giêsu quan tâm nâng đỡ như một lương y toàn năng…“Lạy Chúa Giêsu là Lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con” tất cả toát lên một vẻ đẹp rạng ngời của tình thương Thiên Chúa dành cho cho con người.
Thêm một điều hay nữa của ngôi nhà chung của ngôi nhà chung này là: dù là người Công giáo hay không Công giáo họ vẫn được mời gọi để cám ơn Thượng Đế, cám ơn Ông Trời, Đấng Chí Tôn là Thiên Chúa đầy yêu thương con người, đang liên đới họ với nhau trong ân phúc, tình Chúa và tình người. Cùng tham dự Thánh Thể, họ sẻ chia với nhau Lời hằng sống, sự thánh thiêng và hiệp thông trong ơn Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Họ biết tạ ơn Chúa Giêsu Thánh Thể trước khi trở về nhà mình là một dấu chỉ tuyệt vời để ý thức ân ban dành cho họ và mang Chúa về gia đình của mình.
Ở đây cũng có những lớp giáo lý dành cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về giáo lý, về đức tin Công giáo, tất cả là tự do.
Một tóm kết như thế về sứ vụ mục tử truyền giáo của cha G.B Trương Thành Công để cho thấy cách tổ chức đầy khéo léo của ngài với con tim rộng mở. Qua ngài tôi nhận ra tinh thần của một nhà truyền giáo đầy sáng tạo và kiên nhẫn trong sứ vụ của mình. Đó là một gương sáng, một tinh thần mới mà tôi cần học theo.
2. Vài suy tư
Mục vụ truyền giáo tại Rạch Vọp, tôi nhận thấy “một gương sáng về truyền giáo”, điều này tác động nơi tâm hồn tôi một thao thức mới cho sứ mạng truyền giáo của mình. Nhà truyền giáo không chỉ có cái tâm muốn dấn thân, nhưng đồng thời phải có một động lực đủ mạnh và can đảm để dấn thân cách cụ thể mà không sợ hãi hay ngại khó ngại khổ. Khi ta dám làm thì chắc chắn một điều “Ơn Chúa luôn đủ cho ta”. Tuy vậy, một câu hỏi cũng làm tôi suy nghĩ “đây là cách truyền giáo hay, khá hiệu quả, nhưng tại sao lại quá ít người cộng tác và lan rộng mô hình truyền giáo này?”
Một Thánh lễ cho cả người lương dân và người tín hữu luôn là một điều tốt, để nhờ chứng tá đức tin của người tín hữu qua đời sống phụng vụ sống động của mình, ơn Chúa sẽ tác động cách mạnh mẽ trên những người tham dự. Tuy nhiên, Thánh lễ đó cũng cần lắm những nguyên tắc phụng vụ chuẩn mực để những người lương dân tham dự, họ không thấy sự khác biệt nào đối với tất cả mọi thánh lễ họ sẽ tham dự trong tương lai. Tôi nghĩ rằng, linh hoạt trong phụng vụ cũng tốt, nhưng cần lưu tâm hơn tính thống nhất của luật phụng vụ. Những giải thích về phụng vụ là tốt, nhưng quá đặt nặng vấn đề diễn nghĩa trong khi đang cử hành phụng vụ lại là một vấn đề cần lưu tâm. Vì lẽ, chúng ta có thể làm việc đó một lúc khác phù hợp hơn.
Tạ ơn Chúa đã hướng dẫn chúng tôi trong hai ngày thực tế muc vụ tại Họ đạo truyền giáo Rạch Vọp, những tác động tích cực của ân sủng làm tôi thêm động lực cho sứ vụ truyền giáo của mình, cũng như những dự định mới cho một kế hoạch truyền giáo. Nguyện xin Chúa tiếp tục thi ân giáng phúc để công cuộc truyền giáo tại Rạch Vọp thêm tiến triển, cũng như tinh thần truyền giáo của Gioan Baotixita Trương Thành Công được lan tỏa đến nhiều sứ giả Tin mừng của Chúa trên quê hương đất nước chúng ta.
Tu sĩ Linh Mục Louis ĐÀO XUÂN HÀ, OMI