RẠCH VỌP, CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MƯNG

 

RẠCH VỌP…. CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG!

Sau chuyến đi, Rạch Vọp để lại gì cho tôi và bạn!

 

Khóa Mục Vụ Truyền Giáo 2024 của Học Viện Công Giáo

 

Đi ra….

Vậy là ngày mà các học viện khoá Mục vụ Truyền giáo mong đợi đã đến. Ngoài một vài học viên vì công việc bận đột suốt, tất cả đều cùng hướng về Rạch Vọp để học hỏi phương thức truyền giáo vừa mới, vừa cũ, nhưng đầy ảo diệu đang mang lại một sức sống mới cho nơi đây…

Sau bữa cơm trưa tại Giáo xứ Vĩnh Trinh, Giáo phận Long Xuyên, xe bắt đầu lăn bánh, chở theo các “thừa sai” tiếp tục lên đường tiến về Rạch Vọp. Có lẽ, một phần vì sau quãng đường khá dài, một phần vì sự háo hức về Rạch Vọp, các học viên đều ngồi thinh lặng. Trừ vài người vì để mang lại tiếng cười, vẫn đang say mê với những câu chuyện dí dỏm, hài hước…Lúc đầu tôi cũng ồ lên cười theo, nhưng xe càng tiến gần Rạch Vọp, mắt tôi càng thêm nặng trĩu…và rồi khi lần nữa tỉnh dậy để nghe truyện cười, lớp trưởng đã thông báo: “Chúng ta đã đến Rạch Vọp”.

 

Họ Đạo Rạch Vọp nhìn từ trên cầu

Tôi rụi mắt và nhìn về phía xa xa bên bờ sông xuất hiện dòng chữ “Họ Đạo Rạch Vọp”. Vội rút nhanh điện thoại, cố gắng lưu lại hình ảnh đó, chỉ từ trên cầu mới có thể nhìn thấy…Trời đã về chiều, không còn nhìn rõ nhà thờ Rạch Vọp, nhưng trong lòng tôi hình ảnh Rạch Vọp lại hiện lên rõ ràng hơn bào giờ hết…Tôi thầm chào: “Tây Bắc xin chào Rạch Vọp nhé’.

Vừa xuống xe, dù còn mơ màng vì giấc ngủ, tôi đã cùng vài người vội bước nhanh vào cung đường tiến về nhà xứ. Chân bước đi, miệng cười nói, đầu hướng thẳng, nhưng mắt lại đảo quanh hai bên đường như muốn tìm cái gì đó mới lạ. Ừ thì mới lạ thật…trong tâm trí tôi lại có những suy nghĩ tiêu cực đến thế: ‘Người ở đây hình như không chăm chỉ, không giữ gìn vệ sinh lắm nhỉ’…cỏ mọc tùm lun, rác nổi bồng bềnh…nghĩ tới đây, tôi phì cười một mình bởi câu chuyện mà đã nghe từ lâu: Có một bà kia đi rửa khoai bên bờ kênh, rửa xong bà đếm đi đếm lại mãi mà vẫn dư một củ…

 

Người mục tử như lòng Chúa mong ước

Niềm “sung sướng” của tôi bỗng dưng đứt quãng bởi sự xuất hiện của cái xe “Tăng” đang chạy tới. “Bác tài” thò đầu ra chào chúng tôi. Chúng tôi cũng nhao nhao chào lại: con chào ông, chào bác tài, chào chú…..

 

Cha Sở Họ Đạo Rạch Vọp

 

Vừa ngồi bệt xuống bậc tăng cấp trước cửa dãy nhà giáo lý, xe “tăng” chúng tôi vừa gặp trước ngõ đã chạy vào sân nhà thờ. Vẫn “Bác tài” ấy một lần nữa mở cửa kính xuống chào đoàn và mời sang nhà xứ. Lớp trưởng và vài Sơ quen biết chào to: “Chúng con chào Cha sở”

Tôi chột dạ, nhìn theo bóng dáng xe “tăng” đang chạy từ từ vào sân nhà xứ và nghĩ thầm:‘Vừa đấy mình chào “Bác tài” to thế, chắc ngài không nghe được đâu nhỉ’.

Mà có nghe được thì cũng sao đâu! Bởi lẽ ngài ăn mặc quá giản dị, bình dân. Không cổ côn, không sơ vin, mặt mũi sạm đen. Hình ảnh đó nói lên tất cả tấm lòng của một nhà truyền giáo và là một mục tử nhân lành, xả thân vì đoàn chiên. Luôn nghĩ cách tìm chiên lạc, đưa chúng tới đồng cỏ xanh tươi để được bồi dưỡng, được ăn no nê, được nghỉ ngơi… Tự dưng tôi thấy ngại ngùng vì tôi quá nhỏ bé và thiếu tinh thần mục tử như ngài…

Đoàn ngồi vô bàn, vừa uống từng ngụm nước, cha sở đã đứng lên thông qua chương trình tiếp theo. Nói chương trình cho oai chớ, thực ra chỉ là thông báo nơi ngủ nghỉ, giờ ăn uống và đọc Kinh Online thôi…

 

Kinh Tối online, một sáng kiến vừa truyền giáo, vừa tái truyền giáo

Kinh online ư? Chỉ thấy Thánh lễ online thời Covid thôi mà!

 

Sau giờ Kinh Tối Online

Sau bữa cơm vội vàng, cha sở gửi cho đoàn đường link kinh online của Giáo xứ. Tôi cũng rất háo hức với hình thức “rượu cũ đổ vào bầu da mới”, vì thế ngoài Sơ phụ trách, tôi là người thứ hai bước vào nhà thờ để chuẩn bị sẵn sàng cho giờ kinh online.

Giờ định đã tới, Cha phó đeo dây Stola, làm dấu và giờ kinh Online bắt đầu. Tuy đây là lần đầu đọc kinh online, và cũng khá mệt mỏi sau một ngày dài đi đường. Nhưng tất cả đều cùng hoà chung tâm hồn để tạ ơn và ca tụng Chúa, cũng như cầu nguyện cho các Cha, các Sơ đang sống chứng tá Tin Mừng nơi đây. Từng câu kinh vang lên như đang kéo mọi người gần nhau và gần Chúa hơn.

Vừa nhìn màn hình điện thoại để đọc kinh theo, nhưng tôi cũng không quên ngó số lượng người tham gia trực tuyến. Tuy con số chưa được như ước muốn của Cha sở và mọi người, nhưng kinh online chắc hẳn sẽ là một cách thế mới và rất tốt để truyền giáo và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho các bạn trẻ sống xa gia đình, nơi các khu công nghiệp, nơi vùng sâu xa chưa có nhà thờ tập trung đọc kinh, cho các gia đình vì hoàn cảnh công việc không thể đọc kinh chung với nhau…

 

Đưa đón, thuyền và xe “tăng”, một sáng kiến truyền giáo và tái truyền giáo khác

Sau giờ Kinh tối, cha sở cầm míc thông báo chương trình sáng hôm sau: ĐƯA ĐÓN DỰ VÀ TÂN TÒNG. Đây mới là điểm đặc biệt mà các thành viên trong đoàn, cũng như rất nhiều người muốn khám phá và học hỏi khi đến với Rạch Vọp.

Cha Sở: “Thưa đoàn! Chúng con có hai phương thế đưa đón. Thứ nhất là đón bằng đường bộ: dùng xe “tăng”. Có hai xe, 4 giờ sẽ xuất phát”.

Tôi viết xe “tăng” thôi, thực ra đó là xe tang. Tôi gọi như thế, bởi vì khi học trên lớp, cha chủ nhiệm đã nói qua khi nhắc tới sáng kiến truyền giáo. Nhưng tôi nghe bên được bên không nên lầm tưởng là xe tăng thật…Giờ mới hiểu, hóa ra là xe chở người về thế giới “bên kia”…

Cha sở tiếp: “Trong đoàn, ai đi xe “tăng” xin giơ tay ạ”. Nhìn quanh chỉ có một cánh tay duy nhất giơ lên. Đó là một trong ba giáo dân tham gia khóa học này, ông thường được tôi và vài người chọc là “Phaolô trở lại”. Có lẽ sau chuyến đi thuyền “Thập tử nhất sinh” tại Giáo xứ Thịnh An, Giáo phận Xuân Lộc, ông đã cảm thấy sự sống mong manh thế nào. Vì thế, lần này ông đã chọn cách an toàn nhất là đi xe.

 

"Xe tăng” truyền giáo

Suy nghĩ nhanh, tôi cũng giơ tay lên xin đi xe “tăng”. Không phải tôi sợ đi thuyền, sợ nước, mà vì tôi muốn thử cảm giác đi xe “tăng” xem thế nào. Hơn nữa, thực sự trong nhóm học chung với tôi đã có hai người đi thuyền rồi, tôi muốn đi xe “tăng” để biết rồi về chia sẻ với nhau.

Thứ hai là đi thuyền. “Thuyền sẽ xuất phát muộn hơn…” Cha sở chưa dứt lời, tất cả những cánh tay còn lại đều giơ lên. Có lẽ, vì phần lớn các thành viên trong nhóm đều là người vùng núi cao, vùng ít sông nước, đi xe thì nhiều mà ngồi thuyền bè thì ít. Vì thế, muốn thử cái gì độc đáo, mới lạ hơn - đi xe quá thường rồi.

 

Thuyền bè truyền giáo

Hơn 6h sáng, tất cả những người được đưa đón bằng xe “tăng” đã tập trung đầy đủ, nhưng thuyền vẫn chưa thấy về. Tôi vội uống thêm cốc nước ấm và chờ đợi để “chuyển nghề”. Sáng đã làm lơ xe rồi, giờ làm nhiếp ảnh gia…

Có tiếng hô: “Thuyền đã về” và cũng nghe được tiếng nói chuyện như đang thét nhau lẫn áp tiếng máy nổ của thuyền.

 

Đoàn đón các Dự tòng, Tân tòng trở về

Tôi vội chạy ra và giơ máy lên ghi những hình ảnh thật đẹp và ý nghĩa. Từng thành viên trong đoàn bước xuống cùng với những người Dự tòng và Tân tòng. Nụ cười, lời chào cùng với tay xách vách mang thong thả tiến lên khuôn viên nhà xứ như bài hát “Nào cùng nắm tay nhau đi về nhà Cha…”

 

Thánh lễ của người “chưa rửa tội”

 

Thánh lễ dành cho lương dân hằng tuần

Sau hơn hai tiếng cùng với Thuyền, xe đi đón các Dự tòng và Tân tòng. Các “thừa sai” tranh thủ ăn chút lót dạ để chuẩn bị bước vào Thánh lễ. Các vị trí trong nhà thờ đều được phân chia rất rõ ràng. Thẻ vàng, thẻ xanh…tùy theo cấp độ mà ngồi.

Trước Thánh lễ, Cha sở giới thiệu với cộng đoàn về đoàn và cũng cho đoàn biết, một nửa những người tham dự thánh lễ là Dự tòng. Đặc biệt hơn nữa, người đọc sách, ca viên, giúp lễ…đều chưa rửa tội. Tôi ngạc nhiên, bởi lẽ theo những gì được học trong Đại Chủng Viện, chỉ người Rửa tội mới được đọc Sách Thánh…

Thánh lễ thật trang nghiêm và sốt sắng đến lạ thường. Nếu thình lình xuất hiện giữa Thánh lễ, đâu ai biết được những người đang hát, những em đang đọc sách đó chưa hề được rửa tội…cách của Chúa, con người sao hiểu. Ngay cả trong sự dữ, Chúa còn rút ra sự thiện mà…

 

Giáo lý cho người lớn

 

Lớp giáo lý ĐẾN MÀ XEM

Lễ xong, trong khi đoàn đang ngồi uống nước, các Dự tòng và Tân tòng đã tập trung về lớp học của mình. Trong khi các thành viên khác đang tiếp tục ngồi nghe cha sở chia sẻ, tôi đã âm thầm đi đến từng lớp để chào thăm các thầy cô Giáo Lý Viên và mọi người. Lớp 10 người, lớp 20, lớp lên cả 30. Có người đã học như vậy 7 năm, có người đã 13 năm. Nhưng cũng có người mới đến được 2 tuần...Nhìn những khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, tôi biết, họ không hề thấy nản. Bởi vì, họ đã gặp được Chúa.

 

Lớp giáo lý TÂN TÒNG

Thời gian đã hết, vì đoàn phải trở về để tối kịp tới Sài Gòn. Vì thế Cha sở đã đưa đoàn đi chào thăm từng lớp. Tuy không có nhiều thời gian để hỏi thăm, để thấu hiếu từng người. Nhưng nhìn thôi, ai cũng biết Rạch Vọp đang và sẽ có một mùa bội thu...

....những cánh tay giơ lên để vẫy chào, trong lòng cũng thấy nao nao. Tuy chỉ một ngày một đêm thôi, nhưng Rạch Vọp đã để lại cho mỗi thành viên thật nhiều cảm xúc. Vui có nhưng buồn cũng có. Cười có nhưng cũng đã làm cho một số người cảm thấy rơn dớn nước mắt....

 

Vậy nhé Rạch Vọp ơi...

Xin cám ơn Rạch Vọp đã đón tiếp chúng tôi với tất cả tình yêu, vì cùng một đức tin, một chí hướng. Cầu chúc Rạch Vọp sẽ luôn là điểm tựa, là nền tảng để đưa đón nhiều người đến với Chúa. Xin chúc những ai đang ngày đêm hy sinh làm cho Rạch Vọp tươi sáng như hôm nay, nhiều sức khỏe và ơn Chúa để tiếp tục làm rạng danh Chúa hơn. Xin cũng nhớ đến chúng tôi, những người đang vì sứ mạng Loan Báo Tin Mừng mà có cơ may đến với Rạch Vọp. Để dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ đủ can đảm lên đường mang Tin Mừng đến muôn nơi, cho muôn người.....

Chào nhé Rạch Vọp.... Xin hẹn gặp lại!

-TRAI RỪNG-