NƠI BÙNG CHÁY NGỌN LỬA TRUYỀN GIÁO
Trước khi kết thúc khóa học Mục Vụ Truyền Giáo, lớp chúng tôi được đi trải nghiệm mục vụ thực tế ở Giáo Xứ Rạch Vọp. Chuyến đi ấy để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm cho sứ mạng truyền giáo và nhất là đốt lên trong tâm hồn tôi ngọn lửa nhiệt tình truyền giáo mà bấy lâu đã tắt lịm vì những bộn bề, lo toan trong cuộc sống. Giờ đây tôi xin được viết lại đôi điều mà tôi đã thấy, đã nghe và đã cảm nghiệm được qua chuyến đi này.
Đúng 13g00, thứ bảy ngày 26 tháng Giêng năm 2024, xe chúng tôi lăn bánh bắt đầu chuyến đi trải nghiệm mục vụ truyền giáo tại Giáo xứ Rạch Vọp, một giáo xứ nhỏ, vùng vên sông thuộc Giáo Phận Cần Thơ. Sau hơn 4 tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy mái nhà lợp tôn đỏ của Giáo xứ Rạch Vọp. Cha Xứ, 2 sơ Phaolo và một vài giáo dân tiếp đón đoàn rất thân thiện và niềm nở. Sau màn chào hỏi, chúng tôi dùng cơm tối với các món ăn đậm chất miền quê sông nước rất ngon và lạ miệng. Cơm vừa xong thì Cha Xứ mời chúng tôi tham gia giờ kinh online với giáo dân. Vẫn là những lời kinh tôi thường đọc nhưng nay thấy sốt sắng lạ thường vì những người cùng đọc với chúng tôi có cả những người lương dân đang trên hành trình tìm biết Chúa.
Sau giờ kinh online, Cha Xứ phổ biến chương trình của ngày hôm sau. Cuối buổi họp ngắn gọn chúng tôi chào chúc nhau ngủ ngon.
4g30p sáng tôi thức dậy, vệ sinh cá nhân xong, tôi ra sân hít thở không khí. Giờ này, các chú tài xế xe và ghe đã đến và đang khởi động các phương tiện mà lát nữa chúng tôi sẽ dùng để đón lương dân đến Nhà Thờ.
5g00, mọi người đã có mặt ở nhà vòm trước sân nhà xứ uống trà, cà phê và trao đổi, chuyện trò với nhau. Nhìn vẻ mặt ai cũng háo hức cho chuyến đi đón lương dân đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ dành riêng cho họ. Đúng 5g30p, chúng tôi lên ghe. Trời lúc này còn tối, tiếng máy ghe lại lớn nên chúng tôi không thể trò chuyện với nhau, vì thế tự mỗi người cảm nhận thời khắc tuyệt vời này theo cách của riêng mình.
Ghe chạy được hơn 10km thì ghé vào một bến đò, môt số bà con lương dân đã đợi ở đó từ rất sớm, chúng tôi giúp họ xuống ghe rồi rời bến. Trên đường quay về, ghe của chúng tôi ghé đón bà con ở hai bến nữa thì xong. Trời lúc này đã sáng hẳn, bầu khí lúc này cũng phấn khởi vui tươi hơn vì tiếng trò chuyện râm ran vang vọng cả một khúc sông.
Khi đã ổn định chỗ ngồi, mọi người bắt đầu ăn sáng với những gì họ đã chuẩn bị: bánh mì, xôi, bắp, cơm nắm….Tôi lân la đi hỏi chuyện một vài người. Một cụ già 72 tuổi chia sẻ: cụ và cháu gái 8 tuổi đã phải dậy từ lúc 3g30p , nấu cơm, ăn xong rồi đi bộ gần một tiếng mới ra được chỗ bến đò, nghe đến đây mắt tôi bỗng cay xè, cổ họng khô cứng không thốt ra được lời nào, chỉ còn biết ngước mắt lên trời mà cất lời tạ ơn vì điều kỳ diệu Chúa đã làm. Đang tính đi vào bên trong để tiếp tục trò chuyện với những người khác, bỗng có một Bác khoảng hơn 60 tuổi từ cuối ghe len lỏi đi lên mũi tàu, hỏi ra mới biết, Bác muốn xin ghé vào chợ để mua cho cháu trai Bác cái quần tây vì lúc sáng quần của em đã bị hư khóa. Tôi lên bờ cùng Bác và nhã ý muốn trả tiền giúp Bác nhưng Bác nhất định từ chối và nói: Con xin lỗi Sơ, không phải là con chê đâu, nhưng con vẫn còn lo được, còn rất nhiều người nghèo khó hơn con, Sơ để tiền đó mà giúp họ nhé. Hỏi thăm về gia cảnh thì được biết: Bác sống cùng cháu trai trong một căn nhà mái tôn lụp xụp, hằng ngày đi làm thuê, làm mướn để nuôi cháu vì người cháu năm nay mới 12 tuổi lại bị thiểu năng. Điều đặc biệt là trước khi biết Chúa, Bác bị ung thư, bệnh viện đã trả về. Rồi cơ duyên cho Bác gặp một người tân tòng, người ấy khuyên Bác cầu nguyện với Chúa, sau một thời gian cầu nguyện theo lời khuyên ấy, Bác đi khám và được biết căn bệnh đã biến mất. Từ đó, dù mưa, dù nắng Bác đều đến Nhà Thờ vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần, mặc dầu phải đi bộ hơn một tiếng mới ra tới bến đợi đò. Bác chia sẻ thêm: mỗi lần đến Nhà Thờ, Bác thấy lòng bình an, hạnh phúc. Bác chỉ cầu mong cho có sức khỏe để có thể đi Lễ và làm việc nuôi cháu. Tôi thầm cảm phục người phụ nữ có trái tim quảng đại này và cầu chúc cho Bác luôn giữ vững được niềm tin ấy.
Sau hơn một tiếng lênh đênh trên sông nước ngắm bình minh, ghe của chúng tôi đã cập bến cuối cùng ở Rạch Vọp. Ăn vội ổ bánh mì, chúng tôi chuẩn bị tham dự Thánh Lễ sáng Chúa Nhật lúc 7g30p.
Cha Gioan Baotixita đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật vậy, Thánh Lễ hôm đó: ca đoàn, giúp lễ, bài đọc, lời nguyện đều do lương dân đảm trách nhưng tất cả đều rất trang nghiêm, chỉnh chu và sốt sắng. Rồi đến cách tổ chức các lớp Giáo lý cũng đầy sáng tạo. Cha chia thành nhiều lớp và mỗi lớp đeo bảng màu khác nhau để tiện cho việc giảng dạy và kiểm soát. Ở đây có tất cả 11 lớp như lớp: Bồi dưỡng, Tân tòng, Dự tòng, khai tâm, Muốn làm quen, Đến mà xem 1, Đến mà xem 2, Thiếu nhi 1, Thiếu nhi 2, Thiếu niên, Tráng niên.
Sau Thánh Lễ mọi người giải lao một chút rồi về các lớp Giáo lý của mình để học. Cha dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu từng lớp. Được tận mắt chứng kiến những học viên già yếu nhưng vẫn kiên trì đến nhà thờ dự Lễ và học giáo lý trong nhiều năm trời, tôi thốt lên: “Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, thấy việc tay Ngài làm con phải reo lên: lạy Chúa, Công trình Ngài xiết bao vĩ đại, tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!” (Tv 92, 5-6). Chúa đã chọn những người Chúa muốn để thực hiện công trình của Ngài. Đó là Cha Sở G.B Trương Thành Công và các cộng sự của Ngài. Viết đến đây, tôi cũng không thể không thể hiện lòng thán phục đối với đội ngũ giảng dạy mà Cha G.B đã quy tụ được. Đó là anh chị em Giáo Lý viên, hoặc các Thầy, Cô giáo đến từ Thành phố Cần Thơ, cách Rạch Vọp 30 cây số. Họ là những người hết lòng say mến Chúa Kitô và từ tình yêu mến ấy họ đã sẵn sàng hy sinh thời gian, sức khỏe và cả vật chất để đem Chúa đến cho người lương dân.
Khi họ học giáo lý xong, mỗi người được phát từ 3kg đến 5kg gạo. Ở đây, cứ Chúa Nhật đầu tháng, Cha căn cứ vào phiếu điểm danh đi Lễ để phát gạo cho họ. Hoạt động này cũng đã bị không ít người, ngay cả anh em trong hàng Linh mục cho rằng: “Đạo tại gạo”. Thú thật nếu không được tận mắt chứng kiến và được lắng nghe chia sẻ của những người lương dân đi tham dự Thánh Lễ, có lễ tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng chúng ta thử nghĩ xem, nếu chỉ vì 3kg hoặc 5kg gạo một tháng mà Chúa Nhật nào cũng phải dậy sớm, đi bộ nhiều cây số, rồi đến Nhà Thờ ngồi tham dự Thánh Lễ, học Giáo lý từ 7g30p đến gần 11g, sau đó lại trở về nhà với lịch trình như lúc sáng, thì thử hỏi ai lại dại dột chọn lựa như thế? Chưa kể đến những người phải bỏ tiền ra đi xe ôm như bà cụ tôi được tiếp xúc. Cụ năm nay 76 tuổi, bị cụt một tay. Nhìn thấy cụ một tay ôm bịch gạo 5kg di chuyển khó khăn vì chân bị đau, tôi đến đỡ và dẫn cụ ra xe, hỏi thăm mới biết cụ đi xe ôm đến, cả lượt đi lượt về hết 40 ngàn. Tôi hỏi cụ tiền đó ở đâu cụ có, cụ nói: ai cho được đồng nào cụ đều dành dụm để trả tiền xe ôm. Như thế, động lực để họ đến nhà thờ không phải để được ăn hay được quà nhưng vì lòng yêu mến.
Khi mọi việc đã xong, lớp chúng tôi cùng với Cha xứ, Cha Phó, Quý Sơ và các cộng sự viên vào chầu Thánh Thể 15 phút, để tạ ơn Chúa đồng thời kín múc nguồn sức mạnh cho mọi hoạt động của mình, nhất là để xác tín rằng: mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa mà thôi. Như lời Thánh Vịnh “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127, 1). Qua giờ chầu này, tôi nhận thấy cha G.B là một nhà Truyền giáo tuyệt vời. Thật thế, sau khi làm bao nhiêu là việc, Cha không ngủ quên trong thành công nhưng rút lui vào nghỉ ngơi trong Chúa. Vì như lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II: “Nhà Truyền giáo nếu không phải là một người chiêm niệm thì không thể loan truyền Chúa Kito một cách khả tín được. Họ là chứng nhân cho cảm nghiệm về Thiên Chúa” (RMi 90). Nơi Cha, tôi còn thấy toát lên niềm vui của một con người đã gặp được Đức Kitô, một niềm vui giúp Cha dấn thân sống theo tinh thần Tin mừng trong mọi cảnh huống cụ thể của cuộc sống, bởi vì: “Không thể làm chứng cho Đức Kitô nếu không phản ánh hình ảnh của Người” (Rmi 87). Chính tình yêu mà Cha có những sáng tạo độc đáo trong việc truyền giáo cho lương dân, bởi: “Tình yêu sáng tạo đến vô tận” (Thánh Vinh Sơn). Thật vậy, Cha dùng chính người lương dân dẫn lương dân đến Nhà Thờ qua việc bác ái như: phát quà, phát thuốc. Ban đầu Cha nhờ người lương dân đem quà về cho người lương dân nghèo hơn mình, qua một, hai lần như thế, những lần sau Cha yêu cầu dẫn họ đến Nhà thờ nhận quà. Rồi ngày qua ngày Cha xây đắp niềm tin cho họ bằng những bài giảng trong Thánh Lễ, bằng thái độ sống và hành động yêu thương cụ thể.
Những điều tôi đã thấy, đã nghe ở Rạch Vọp rất nhiều nhưng không thể kể và diễn tả hết được. Tuy nhiên, sau chuyến đi này tôi nhận thấy rằng: số người chưa biết Đức Kitô là một biển người đông đảo. Do đó, truyền giáo là một đòi hỏi khẩn thiết, “Giáo hội cần canh tân lại việc dấn thân truyền giáo của mình” (RMi 2).
Rời Rạch Vọp sau bữa cơm trưa đậm nghĩa tình, nhiều niềm vui, cùng với nhiều thao thức trước cánh đồng lúa chín đang thiếu thợ gặt. Lạy Chúa, xin hãy sai thợ gặt ra gặt lúa về.
Chuyến đi thật tuyệt vời và ý nghĩa, cảm ơn Cha Xứ, Cha Phó Giáo Xứ Rạch Vọp, cảm ơn Quý Sơ dòng Phaolo đang phục vụ nơi đây, cảm ơn các cộng sự viên và cảm ơn những người lương dân đơn sơ, chất phát đã góp phần nhóm lên ngọn lửa Truyền giáo trong tôi. Cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ trong lớp mục vụ truyền giáo- là những người Anh, người Chị, người bạn đồng hành đầy nhiệt huyết đã giúp tôi khám phá những nét đẹp, những yếu tố mà một nhà Truyền giáo cần phải có. Lời cảm ơn đặc biệt, tôi xin gửi đến Ban Giám Đốc Học Viện Công Giáo, cách riêng Cha Phêrô Đỗ Cao Cương, chủ nhiệm của lớp đã tổ chức lớp học này để tôi có cơ hội tìm hiểu về bản chất của Giáo Hội hay nói đúng hơn là bản chất của chính mình. Đó là Truyền Giáo.
Maria TRẦN THỊ HƯƠNG
Mến Thánh Giá Xuân Lộc