Giáo điểm Rạch Vọp, Giáo phận Cần Thơ
Dẫu rằng con tiếp xúc một thời gian rất ngắn ở giáo điểm truyền giáo xứ Rạch Vọp, Giáo phận Cần Thơ. Con có những cảm nghiệm về vùng giáo điểm truyền giáo này như sau:
1/ Chinh phục lòng người bằng con đường phục vụ:
a/ Tinh thần phục vụ:
Tinh thần phục vụ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận với dân làng, đặc biệt là những người ngoại giáo. Họ e ngại chúng ta, vì sợ chúng ta dụ dỗ họ vào đạo Công Giáo mà bỏ đạo Phật hay bỏ thờ phượng Ông bà Tổ tiên. Bên cạnh đó, họ cũng chưa hiểu được chúng ta và còn nhiều lý do khác nữa. Đây là một thực tế mà con đã kinh nghiệm khi tiếp xúc với người ngoài Kitô giáo hay những người vô thần. Tuy nhiên, để họ hiểu chúng ta, hiểu về đạo chúng ta. Chúng ta cần có một nghệ thuật khi tiếp cận, phải mềm dẽo, ngọt ngào, chân tình, đơn sơ và giản dị, đặc biệt là bằng ngôn ngữ của tình thương mà con đã nhìn thấy nơi cha sở, những người phục vụ.
Con đã nhận ra tinh thần phục vụ nơi cha sở giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp là: ngài đã phục vụ dân bản địa bằng cả con tim, bằng cả tình thương biết cho đi, bằng cả nhiệt huyết, bằng cả sự khiêm tốn, giản dị và ngọt ngào. Con cảm tưởng dường như cha sở không là một cha sở, nghĩa là ngài nhỏ đi, hạ mình xuống để cho Thiên Chúa được lớn lên và dân ngoại chỉ biết Chúa qua hình ảnh tinh thần phục vụ của cha sở Rạch Vọp.Để làm chứng nhân cho Thiên Chúa trong việc làm của tình yêu. Hãy nhớ rằng chínhĐức Ki-tô hoạt động qua chúng ta – Chúng ta chỉ là dụng cụ để phục vụ. Không phải bao nhiêu công việc chúng ta làm. Nhưng bao nhiêu tình yêu chúng ta đặt vào công việc mới đáng kể.
b/ Chia sẻ tình thương cho người nghèo:
Cha sở Rạch Vọp đã dành hết thời gian, sức lực và sức khỏe cho người nghèo, cho những người ngoại giáo bằng con đường dấn thân không biết mệt mỏi. Ngài thao thức, trăn trở về người nghèo, xem họ như là đối tượng cần để phục vụ, để trao ban tình thương của Chúa qua bàn tay của cha. Không có sự ngăn cách, không có biên giới cho người nghèo. Cha sở đã phục vụ bằng cả trái tim, bằng cả tình thương. Cha đã xác tính rằng Thiên Chúa đang ngự trong người nghèo, sự phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa. Cha phục vụ người nghèo là bày tỏ tình yêu mến Chúa. Cha đến với người nghèo để đem tình yêu thương của Chúa cho họ. Phương châm của cha phục vụ người nghèo không phải là bố thí với tư cách ban ơn, nhưng là một bổn phận thực hiện trong khiêm nhường. Cha phục vụ người nghèo không phải là một công tác xã hội nhưng là một công việc của trái tim, một quả tim biết sẻ chia và đụng chạm đến cuộc đời đau khổ của họ.Vì lẽ đó, cha dấn thân phục vụ bằng cả tình yêu, ngõ hầu sao cho người nghèo cảm thấy được kính trọng, được yêu thương, được đối xử không những như một con người mà còn như một người anh em thân thiết.
c/ Chia sẻ tinh thần lẫn vật chất:
Thông điệp Rerum Ecclesiaenói rằng: Đức Thánh Cha cũng đưa ra vài lời khuyên thực tiễn: công cuộc truyền giáo cần phải được quản trị khoa học; chứng tá của các vị thừa sai rất có ảnh hưởng bởi vì việc bác ái dễ thu phục lòng người (RE số 31).
Từ tình thương và sự phục vụ ân cần của cha sở Rạch Vọp qua những phần quà nhỏ bé, đơn sơ nhưng cũng đủ thấy làm cho những người nghèo và dân ngoại ấm lòng. Không những biếu cho những người hiện diện mà còn trao ban những món quà cho những gia đình sống xung quanh mà họ chưa một lần biết đến nhà thờ. Sự trao ban không tính toán đã làm cho họ có một cái nhìn tốt về đạo Công Giáo. Sự cho đi của cha giúp họ giới thiệu được nhiều người biết về Thiên Chuá, biết về tình thương của Chúa, ngài không phân biệt một ai, không phân biệt tôn giáo nào. Đó là một cách truyền giáo mới mẽ, có sự sáng kiến, cách tiếp cận có hiệu quả mà cha sở đã áp dụng cho Rạch Vọp giáo xứ của mình. Bên cạnh, cha còn có đội Y Bác sỹ khám và phát cấp thuốc miễn phí định kỳ cho những người bệnh, những người già cả ở trong vùng, không phân biệt tôn giáo.
2/ Nuôi dưỡng người ngoại giáo bằng Lời Chúa:
a/ Chia sẻ Lời Chúa:
Cha đã sống Lời Chúa mỗi ngày và khao khát về Chúa. Việc yêu mến Lời Chúa đã đưa cha sở đến yêu mến người nghèo. Yêu mến người nghèo không phải là cảm tính nhất thời xúc động trước những thống khổ của con người. Nhưng yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa. Cha đã nhìn thấy hình ảnh Thiên chúa qua thân phận người nghèo. Tin thật Thiên chúa đang ở trong những người nghèo. Vì yêu mến người nghèo, cha đã tự nguyện dấn thân cho người nghèo. Cha nuôi dưỡng những người ngoại giáo bằng Lời của Chúa qua mỗi Thánh Lễ, sự chia sẻ Lời Chúa quả là đơn sơ, giản dị, dễ hiểu nhưng đầy hiệu quả. Chính Lời Chúa đã đánh động, đã đi sâu vào tâm hồn của họ và khiến họ quên đi đường sá xa xôi, quên đi sự mệt mỏi. Ngoài lương thực cơm bánh để nuôi thân xác, cha còn cho những người ngoại và cộng đoàn một thứ thức ăn vô cùng cao quý, đó là những câu Lời Chúa để sống mỗi ngày. Những điều nầy ít giáo xứ nào thực hành được. Từ đó, họ được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, được Lời Chúa biến đổi cuộc đời của họ mỗi ngày được tốt hơn.
b/ Bằng kinh nguyện:
Ngoài việc họ đọc Lời Chúa mỗi ngày, được chia sẻ Lời Chúa từ cha sở mà còn được học Kinh. Tuy những việc đọc Kinh (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…) là những việc đạo đức bình dân. Công thức mà cha sở áp dụng là: được lập đi lập lại nhiều lần những lời Kinh. Đây là một phương pháp rất hay, rất bổ ích cho những người lớn tuổi cũng như những người không biết chữ.
c/ bằng bài hát Thánh ca:
Trong Thánh Lễ những bài thánh ca quen thuộc được hát lên và cũng dùng công thức được lập đi lập lại nhiều lần qua những đoạn bài hát, giúp người ngoại giáo thuộc lòng và đi vào tâm thức khó quên. Khi được hỏi về Lời Chúa, Kinh nguyện và bài hát thánh ca có giúp ích gì cho họ không? Họ trả lời: tất cả những gì cha dạy ở nhà thờ rất cần thiết cho chúng con, nhất là trong cuộc sống vui buồn, cuộc sống lam lũ khổ cực và đau ốm, chúng con đều lấy những lời cha sở dạy ở nhà thờ để sống. Chúng con đã đến nhà thờ được 6-7 năm nay. Tuy chưa được gia nhập đạo, nhưng chúng con vẫn tiếp tục đến nhà thờ đi lễ và học Lời Chúa.
Nhận định: Phương pháp truyền giáo ở xứ Rạch Vọp có nhiều sáng kiến mới, có khả thi để nhân rộng mô hình truyền giáo của cha sở. Tuy nhiên, tùy theo từng địa phương để áp dụng cho sở địa của mình. Con nhận thấy phương thế chia sẻ Lời Chúa của xứ Rạch Vọp cần phải nhân rộng cho nhiều xứ truyền giáo. Bởi lẽ chính Lời Chúa đã thúc đẩy những người ngọai sống đạo tốt hơn và một khi họ đã hiểu Lời Chúa thì Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt họ theo đạo được bén rể sâu hơn. Dẫu rằng thời gian học đạo có kéo dài, thì đức tin họ càng ngày càng chắc chắn và được bén rễ.
Phaolô NGUYỄN THANH ĐA
Hội Thừa Sai Việt Nam