GIÁO XỨ TRUYỀN GIÁO RẠCH VỌP
Khóa học Mục Vụ Truyền Giáo. Học viện có mời cha Gioan Baotixita Trương Thành Công đến nói chuyện về kinh nghiệm truyền giáo. Cha ngỏ ý mời lớp thăm giáo xứ như là chuyến đi thực tế mục vụ.
Vậy là nhà trường, cha giáo chủ nhiệm Phêrô Đỗ Cao Cương và lớp học cùng với cha Gioan Baotixita Trương Thành Công lên lịch. Chuyến thăm được thực hiện ngày 27-28/01/2024.
Trước khi kết thúc khóa học, lớp chúng tôi thực hiện chuyến đi thực tế mục vụ truyền giáo, tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp, Giáo phận Cần Thơ. Do cha Gioan Baotixita Trương Thành Công phụ trách. Ngài về truyền giáo nơi đây được hơn 8 năm và đã gặt hái được nhiều thành công.
Đúng 13h00 xe xuất phát từ Học viện Công giáo có hơn 10 người trên xe. Vì mỗi người một nơi nên xe đón trên đường đi. Điểm đón là ngã ba An Nhơn và nhà thờ Gò Mây. Dự kiến xe đi 5 tiếng đến nơi.
Đến thành phố Cần Thơ xe dừng lại đón một cha, ngài cũng là thành viên của lớp. Chúng tôi dừng chân ở đây, nghỉ ngơi uống nước. Sau khi uống nước xong, chúng tôi tiếp tục lên xe đi tiếp. Khi đến nơi, chúng tôi được cha xứ, những người trong xứ đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Sau đó chúng tôi ăn cơm tối.
Theo như chương trình đã định. Sáng hôm sau đúng 6h00 chúng tôi lên thuyền đi đón những người lương dân đến dự lễ. Có 3 thuyền và 2 xe đón lương dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Có nhiều ông bà và các em thiếu nhi đứng chờ ở những bến đã được quy định trước. Chúng tôi tới đón họ lên thuyền. Ngồi trên thuyền tôi có hỏi thăm các ông bà đi từ nhà đến bến có xa không? Có người đi từ nhà đến bến khoảng 2-3 cây số, có người đi tắt đường ruộng, cũng có người thức dậy từ 3h sáng nấu cơm ăn rồi mới đi. Tôi hỏi tiếp, các bà đi có nghỉ tuần nào không? Họ trả lời, có người tuần nào cũng đi, có người nói nhà có việc gì mới ở nhà, hoặc ốm đau mới nghỉ. Có người kể dù đi bệnh viện mấy tuần nhưng cũng tìm nhà thờ để đi lễ. Có bà còn nói tuần nào cũng đi lễ quen rồi, hôm nào ở nhà người cứ nôn nao làm sao không chịu được. Có một bà tâm sự, đi lễ Chúa chữa cho hết đau chân nên bà rủ con trai đi cùng, bà nói nó đi được 3 năm rồi, từ ngày nó đi lễ đến nay, về nhà nó ít quậy phá hơn.
Khi thuyền chúng tôi về đến nơi, nhìn trên sân nhà xứ đã đầy người. Cha xứ và cộng sự viên cho họ ăn sáng, mỗi người một ổ bánh mì, chúng tôi cũng ăn với họ. Ăn sáng xong, tất cả cùng vào nhà thờ đọc kinh, tập hát chuẩn bị cho thánh lễ. Đúng 8h thánh lễ được bắt đầu. Vì làm lễ cho người lương dân, ngài sợ các cha không quen nên cha làm hết. Cha xứ chủ tế, các cha cùng đồng tế với ngài. Thánh lễ có khoảng hơn 300 người tham dự.
Thánh lễ này rất đặc biệt. Thánh lễ cho người lương dân. Người phục vụ trong thánh lễ cũng là người lương dân. Các bài đọc trong thánh lễ, ca đoàn hát trong thánh lễ cũng là người lương dân.
Tôi đi giúp xứ cũng khá nhiều nơi, những ngày lễ lớn (trừ lễ Giáng Sinh) trong giáo xứ có khoảng 20-30 người lương dân tham dự thánh lễ là thấy đông rồi, hoặc dịp hè dạy giáo lý có khoảng hơn 10 em thiếu nhi lương dân theo học là thấy khá lắm rồi. Nhưng đến đây, tôi thật bất ngờ và rất cảm phục cha Gioan Baotixita, ngài đã đưa lương dân đến với Chúa không tính bằng chục mà tính bằng trăm. Cha dành hết tâm huyết cho công cuộc truyền giáo cho lương dân. Cha đã cho tôi cũng như các thành viên trong lớp chứng kiến tận mắt công cuộc loan báo Tin Mừng cho lương dân tại Giáo xứ Rạch Vọp. Nhờ chuyến đi này, tôi được biết nhiều hơn, lòng nhiệt thành với sứ mạng truyền giáo càng được thôi thúc mãnh liệt hơn.
Sau lễ các lớp về học giáo lý. Có tất cả 11 lớp giáo lý. Đây là điều tôi càng khâm phục vào cách điều hành của ngài.
Điều tôi ngỡ ngàng là: các ông các bà đều vào lớp học giáo lý hết. Chúng tôi được cha dẫn đi thăm từng lớp một. Vào lớp tôi có ghé hỏi thăm một cụ bà. Bà năm nay bao nhiêu tuổi? Bà trả lời, tôi năm nay 71 tuổi, tôi hỏi tiếp, bà đi nhà thờ được mấy năm rồi? Bà nói đi được 7 năm rồi. Bà còn nói với tôi không biết khi nào mới được ăn bánh (khi nào mới được rước lễ) rồi bà nói tiếp, không biết năm nay có được lên lớp không? Nghe mà thật dễ thương làm sao. Lúc đấy một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Nếu mình làm cha thì sẽ cho bà cụ này được rửa tội, rước lễ rồi. Sự khao khát của bà cụ làm cho tôi cứ mãi nghĩ suy. Tôi còn được biết trong những người lương dân đã có nhiều người đi lễ được 4-6 năm rồi, nhưng cũng có những người đi được hai lần.
Ngài có một đội ngũ giáo lý viên đắc lực. Trong đó có cha phó Phêrô Tuấn, 2 sơ dòng Phaolô, anh chị em giáo lý viên từ thành phố Cần Thơ về dạy. Từ thành phố Cần Thơ về cách 30 cây số. Họ đi mỗi tuần mặc dù đường sá xa xôi nhưng lòng họ luôn được thôi thúc bởi những người lương dân. Họ đi đến nay được tám năm rồi.
Cách dạy giáo lý của cha Gioan Baotixita là cho họ đọc theo từng câu một, chọn một câu Lời Chúa của Chúa nhật hôm đấy cho họ học, học kinh cũng đọc từng câu một.
Học giáo lý xong các học viên được nhận quà bằng gạo, qua việc đi lễ và học giáo lý của mình. Học viên đi đầy đủ được nhận 5kg gạo, ai đi ít hơn nhận được 3kg gạo. Gạo là nhu cầu thiết yếu để nuôi sống cuộc sống của họ nên cha rất quan tâm đến điều này. Hơn 300 người nhận quà mà chỉ phát trong vòng 30 phút là xong. Các học viên nhận quà xong họ xuống thuyền đi về, lúc đi thuyền nào thì về thuyền đấy. Chẳng mấy chốc sân nhà thờ đã vắng người.
Mọi việc đã xong, Cha xứ, Cha phó, các Sơ và cộng sự viên vào nhà thờ chầu Thánh Thể 15 phút, để tạ ơn Chúa và xin lỗi Chúa về những điều thiếu sót trong khi phục vụ. Trước khi vào chầu, ngài có tâm sự với chúng tôi, phải có giờ chầu Thánh Thể để liên kết mọi người lại với nhau, có thời gian ngưng chầu Thánh Thể, công việc tổ chức rất rời rạc.
Ngài yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, để Chúa Giêsu Thánh Thể liên kết mọi người lại với nhau và chỉ cho ngài con đường truyền giáo.
Qua chuyến đi thực tế này, tôi hiểu biết thêm cách đến với lương dân, lòng tôi được thôi thúc trong việc truyền giáo. Dám dấn thân, nhiệt tình và hăng say trong sứ mạng truyền giáo đến với lương dân, để nước Chúa được lan rộng khắp nơi trên thế giới.
Têrêsa NGUYỄN THỊ MINH TÂM
Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm