“TRUYỀN GIÁO” hai từ khá quen thuộc với người Công giáo. Nhưng khái niệm “LƯƠNG DÂN TRUYỀN GIÁO” làm cho tôi muốn tìm hiểu.
Xe đưa đoàn Giáo Chức Công Giáo TGP Sài Gòn (47 người) khởi hành từ 5g30 (ngày 20/7/2024). Đúng 15g20 chúng tôi đến Rạch Vọp, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, thuộc Giáo Phận Cần Thơ. Cha Chánh xứ GB Trương Thành Công, dáng người cao, rất nhanh nhẹn dùng xe “đa dụng” (xe tang) đón và đưa chúng tôi tới nhà thờ. Lúc đầu chúng tôi có vẻ ngại khi lên xe…
Vòng đi vòng lại ba chuyến mới chuyển hết số người và hàng hóa, kịp dự thánh lễ 16g dành cho giáo dân do chính Cha cử hành.
Phần đọc kinh chung nhờ có thể hiện có trên màn hình và đặc biệt có tiếng gõ để mỗi người cúi đầu nên có sự đồng bộ và sốt sắng của người tham dự. Bài giảng của cha Chánh xứ tuy hơi dài (30 phút) nhưng rất thiết thực, gần gũi và lôi cuốn sự chăm chú của mọi người. Ngài hướng dẫn (DẠY) những điều cần thiết áp dụng vào đời sống gia đình và đối xử với những người xung quanh.
…
Sáng hôm sau (CN 21/7) mọi người chuẩn bị từ 4g để được đi đón lương dân. Cha dùng hai phương tiện: đường bộ xe đa dụng (nhiều chuyến), đường sông ba chiếc vỏ lãi (đò máy). Vì chúng tôi là dân thành phố nên Cha chuẩn bị cho mỗi người một chiếc áo phao, chúng tôi đều đi đón lương dân dự lễ bằng đường sông. Cha GB phân từng nhóm người xuống ghe (10-11 người). Đoạn đường đi và về 30 km, qua 6 điểm đón. Trên tay các phụ nữ ai cũng có chiếc giỏ nào nước, cơm để ăn trưa. Ai cũng vui mừng, hớn hở được đến nhà thờ, đến với Chúa. Không phải ai cũng đã được rửa tội, có người đến nhà thờ 5 - 7 năm chưa được rửa tội nhưng vẫn đi đều đặn. Một bác 78 tuổi khoe: “Nhà tôi có ba người, tôi rửa tội năm 2016, hai năm sau vợ tôi, 3 năm sau đến lượt con gái”. Một bác khác tâm sự, nhà xa nhưng có đò của cha đón sao mình không đến với Chúa. Đến nhà thờ đi lễ, cầu nguyện thấy vui và bình an trong tâm hồn.
Thánh lễ lương dân y như thánh lễ giáo dân, có đọc kinh, tập hát. Tất cả nghi thức phụng vụ do lương dân phụ trách. Ca đoàn phần đông là lớp tráng niên gần 20 em nhưng chỉ có một em là tân tòng, còn lại đều là lương dân. Cha phó kết hợp phần hỏi đáp trong bài giảng để hướng dẫn lương dân biết Chúa hơn, nâng cao niềm tin…
Đầu và cuối thánh lễ, tất cả lương dân đều chào Chúa: “Lạy Chúa Giêsu con thờ lạy Chúa” rất nghiêm trang và rập ràng.
Sau thánh lễ, Cha phát cho mỗi người phần quà ăn sáng (chúng tôi cũng có phần), và mọi người xếp hàng vào các lớp học giáo lý. Trải nghiệm gần hai ngày, tạ ơn Chúa đã ban cho nơi đây một vị chủ chăn hiền đức, nhanh nhẹn (ngài 70 tuổi), quan tâm và có thể thực hiện mọi việc. Chính vì thế mà Cha phó, các thầy, các soeur và các cộng tác viên rất tích cực.
Cách truyền giáo của Cha GB cho lương dân: Trước tiên phải là bạn, quan tâm họ cần gì, giúp đỡ, mời đến mà xem, dạy cách sống công bằng và bác ái. Ai đi lễ đủ 4 Chúa Nhật sẽ được tặng 5kg gạo nhưng phải biết chia 2kg cho người khác khó khăn hơn. Một chị chia sẻ: Cha dạy “Lá rách đùm bọc lá nát”. Cha giúp cho họ hiểu Chúa là lương y - Đấng chữa lành, nên lúc nào cũng cần đến với Chúa.
Chủ trương của Cha: MỖI LƯƠNG DÂN LÀ MỘT TÔNG ĐỒ LƯƠNG DÂN. Ra về, ai cũng mang tâm trạng phải là cánh tay nối dài mang mọi người đến với Chúa. Trong gia đình, phải biết sống tốt hơn. Phải làm lan tỏa tình bạn, tình yêu thương đến với mọi người, nhất là những ai chưa biết Chúa.
KIỀU TRANG NHÃ