HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM TRUYỀN GIÁO

Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những chuyến đi xa, những chuyến đi đó có thể là những cuộc tham quan, hay dịp khám phá và học hỏi nơi những địa danh mới. Mỗi dịp trải nghiệm đó đều để lại ít nhiều những dấu ấn nơi mỗi người. Và hôm nay ngày 31.3.2024 lớp chúng tôi đã đến với vùng đất truyền giáo Rạch Vọp – Giáo Phận Cần Thơ trong ngày Mừng Chúa Phục Sinh. Chúng tôi đi chiếc xe 16 chỗ và chở những phần quà cho bà con. Đi trong đêm, cho nên sự mệt mỏi là điều dễ thấy nơi mỗi người. Riêng tôi, tôi cũng khá uể oải khi tới nơi. Nhưng nhờ một niềm thôi thúc: “Đến mà xem” (Ga 1,39), đã giúp tôi sẵn sàng để ‘tò mò’ những điều đang chờ đợi tôi nơi mảnh đất truyền giáo này.

Khi đặt chân đến miền đất này, tôi không khỏi ngỡ ngàng, thán phục và có những ấn tượng sâu sắc về cách thức truyền giáo mà cha sở họ đạo Rạch Vọp cùng những cộng tác viên đã thực hiện, để đem Tin Mừng cứu độ đến với muôn dân. Vừa bước vào khuôn viên họ đạo, chúng tôi bắt gặp tấm poster treo trước cửa sổ phòng khách, như lời giới thiệu về những hoạt động của giáo xứ, và đây cũng là mô hình mà cha Gioan Baotixita giúp lương dân đến nhà thờ. Cha sử dụng những “phương tiện bác ái truyền giáo” như xe đa dụng và những chiếc ghe, để rước bà con lương dân tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật.

Chị em chúng tôi bắt đầu hành trình trên những chiếc ghe đi đón anh chị em lương dân đến nhà thờ vì họ không có phương tiện. Vào khoảng 5giờ30 sáng Chúa Nhật Phục Sinh, khi sương đêm vẫn còn bao trùm khắp con sông, chị em chúng tôi chia nhau ra với hai chiếc ghe đón lương dân đến nhà thờ, điểm đón xa nhất khoảng 15-20km, ghe chúng tôi đón khoảng 40-50 người. Phần lớn trong số họ phải dậy từ rất sớm, sau đó đi bộ đến các điểm thuận tiện cho việc đón rước. Chị em chúng tôi đã cùng với 2 người lái trên ghe đi đón bà con. Tôi thấy nhiều người chờ ở mỗi bến, khi thấy ghe chúng tôi chạy qua họ vẫy tay chào vui vẻ và bà con ở đây rất niềm nở. Trên quãng sông trở về nhà thờ, tôi có dịp trò chuyện với những cô chú trên ghe. Tôi cảm nhận được sự hào hứng, hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người,cũng như trong cách họ trò chuyện. Nhìn họ, tôi có những ưu tư: “Niềm tin của họ vào Chúa lớn đến thế nào?”Họ nói rằng: Họ đến nhà thờ không chỉ mục đích được ăn hay được tặng quà, mà họ đến với Chúa với lòng yêu mến và thao thức gần Chúa, mong được ơn chữa lành trong tâm hồn cũng như thể xác và nhận được nhiều ơn rất đặc biệt, và từ đó, tôi suy tư về mình: “Tôi đã có niềm tin bằng hạt cải chăng? Tôi đã tin Chúa là Chúa chăng?”

Sau khi rước họ về đến nhà thờ, chúng tôi cùng với bà con tham dự Thánh Lễ, một Thánh Lễ vô cùng đặc biệt, mà từ trước đến giờ tôi chưa được tham dự. Điều làm tôi ấn tượng nhất ở đây, phần lớn người tham dự là lương dân, từ ca đoàn cho đến người đọc Thánh Thư đều do các em lương dân chưa được rửa tội phụ trách.Điều ấn tượng kế đến, chính là phần trình chiếu Power point trong Thánh Lễ, bởi lẽ được soạn rất tỉ mỉ và cẩn thận, chú thích các nghi thức rất chi tiết.Những việc này được họ thực hiện cách nghiêm trang và chu đáo.

Sau thánh lễ, giáo xứ phục vụ bữa ăn sáng cho bà con. Mọi người có một khoảng thời gian để giải lao. Sau đó, họ lần lượt đi vào từng lớp giáo lý đã được chỉ định, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ người mới học biết Tin Mừng đến những người mới lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Chúng tôi được cha sở dẫn đến quan sát từng lớp giáo lý, tất cả 11 lớp vào mỗi sáng Chúa Nhật. Đa phần những người lớn tuổi không biết chữ, họ phải học Lời Chúa theo kiểu nghe hiểu, một số người đã theo học giáo lý dự tòng từ 6 đến 8 năm rồi.

Một nét rất đẹp tôi thấy trong chuyến đi thực tế là bà con đến nhà thờ trong tinh thần vui tươi, hăng hái lạ thường, dù điều kiện đến nhà thờ có khi là cả một chặng đường vất vả. Tôi tin chắc đó là kết quả của một đức tin đơn sơ mộc mạc, xuất phát từ niềm vui nội tâm của những con người đang trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy Chúa đang chúc lành cho công cuộc truyền giáo này. Và sự “dấn thân” của Cha Sở, Quý Sơ, Giáo Lý Viên các người cộng tác nơi đây, đã phải hy sinh rất nhiều thời gian và công sức để đem Chúa đến cho người khác, nhưng không hề có sự than thở hay kêu ca, bù vào đó luôn là thái độ vui tươi cởi mở và nhiệt tình với bổn phận. Một nhân đức cao đẹp đòi hỏi phải có nơi người tu sĩ, một sự dấn thân, mà những người đang bước theo Chúa như chúng tôi cần học hỏi và luyện tập cho mình.

Chuyến đi thực tế dù chỉ vỏn vẹn có ít tiếng đồng hồ, nhưng để lại trong tôi hình ảnh của một nhà truyền giáo rất đẹp. Một nhà truyền giáo với đức tin kiên trung, kèm theo hai đức tính là “nhiệt tâm và kiên nhẫn”. Một nhà truyền giáo như thế sẽ là một nhà truyền giáo đẹp lòng Chúa và mang lại nhiều hoa màu trong ngày mùa của Chúa. Qua đó, tôi cũng ý thức hơn về việc cộng tác cho công cuộc truyền giáo, cánh đồng của Chúa còn bao la bát ngát mà lại quá ít thợ gặt. Làm một nhà truyền giáo chiêm niệm bằng đời sống hy sinh cầu nguyện hay một nhà truyền giáo hoạt động của Chúa? Chỉ xin cho ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời tôi. Và tôi cũng xin Chúa chúc lành và thánh hóa cho những người đã, đang, và sẽ cộng tác vào công cuộc tốt đẹp này.

Xin tạ ơn Thiên Chúa về tất cả.Chuyến đi thật tuyệt vời, chúng tôi học được nhiều điều, trải nghiệm nhiều cảm xúc và biết rằng mình còn quá nhỏ bé. Quả thật, chuyến đi thật ý nghĩa cho lớp chúng tôi.

                                                                      Maria TRẦN THỊ THÚY KIỀU