NGỌN LỬA NHIỆT THÀNH DẤN THÂN

Vào ngày lễ Phục Sinh chúng tôi  có một chuyến tông đồ đến thăm giáo họ Rạch Vọp nơi Cha Gioan Baotixita đang mục vụ, người mà chúng tôi hay gọi với một cái tên thật thân thương “Cha Công Rạch Vọp”. Rạch Vọp là một họ đạo nhỏ bé thuộc miền sông nước, tại giáo phận Cần Thơ. Tuy chỉ là một họ đạo nhỏ, đời sống giáo dân còn rất khó khăn, nhưng tôi thấy nơi đây là một cộng đoàn tràn đầy nhiệt huyết bởi tình thần truyền giáo luôn sôi sục và bao trùm tất cả những con người sống ở đây. Tôi đã được nghe kể về giáo họ Rạch Vọp qua lời của Dì Giáo, nhưng tôi cũng chưa thật sự mường tượng được về họ đạo này. Hôm nay được đặt chân đến đây tôi cũng còn rất bất ngờ.

Trước tiên là khung cảnh ở đây. Lần đầu tiên tôi thấy một họ đạo ở gần sát bên nhánh sông như vậy. Tôi nghĩ chắc khá nguy hiểm khi thủy triều dâng lên. Qua lời kể của Cha xứ thì nơi này đã từng bị sạt lở, nhà thờ bị sụp đổ vì bờ kè không chắc chắn. Nhưng sau này đã được Cha dựng lại bờ kè với nhiều lớp  nên khá vững chắc, những chiếc cầu được Cha thiết kế với những tấm phao ở dưới, để khi thủy triều lên thì những chiếc cầu đó cũng theo mực nước mà dâng lên, như vậy sẽ không bị dòng sông nhận chìm khi thủy triều dâng. Kế bên bờ kè có một tượng Thánh Giuse bế Chúa Giêsu rất lớn, tay Thánh Giuse đang nâng bàn tay của Chúa Giêsu để ban ơn. Bức tưởng lúc nào cũng xoay tròn để tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đều có thể nhìn thấy, để cầu nguyện.

Điều kế tiếp làm tôi bất ngờ đó chính là con người ở nơi đây. Theo những chiếc ghe chúng tôi đi đón những người lương dân đến tham dự Thánh lễ vì hàng tuần Cha xứ đều dành một Thánh lễ vào lúc 7g30 sáng cho những người lương dân đến tham dự và sau lễ họ được học hỏi giáo lý. Điểm đón xa nhất khoảng 15-20km, ghe chúng tôi đón khoảng 20-25 người. Trên đất liền, cha sở cũng chuẩn bị hai chiếc xe đa dụng để đưa đón bà con lương dân và các em thiếu nhi đến nhà thờ. Khi đi đón những người lương dân, tôi có một chút thời gian để nghe họ chia sẻ. Có những ông cụ, bà cụ thức từ ba, bốn giờ sáng để lội bộ ra tới những bến chờ để được đón đi lễ. Họ mong mỏi đến giờ để được đến nhà thờ. Khi hỏi lý do nào mà họ lại có thể hy sinh, cố gắng như vậy ? Thì họ trả lời một cách rất đơn sơ và chất phác. Họ làm điều đó không phải vì họ được Cha cho cái này cái kia, nhưng vì họ cảm thấy bình an, cảm thấy được Chúa yêu, được Chúa chữa lành và họ có một lòng khao khát được đến với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể. Qua những câu chuyện ngắn ngủi, những lời chia sẻ chân thành của những người lương dân trên chuyến đò, tôi nhận thấy một niềm khát khao được đến với Chúa, được học biết Chúa và được Chúa chữa lành nơi những con người nơi đây. Học sẵn lòng bỏ cả ngày trời để đến tham dự Thánh lễ và học giáo lý. Ngọn lửa của Thánh Thần đang hoạt động nơi họ, nhóm lên trong họ ước muốn được kết hiệp với Chúa. Họ được cha sở giới thiệu về Chúa Giêsu là Lương Y quyền năng, Đấng cứu chữa hồn xác và ban bình an cho tâm hồn, cho gia đình.

Điểm cuối cùng tôi bất ngờ và ấn tượng nhất chính là những “thợ gặt lành nghề” nơi cánh đồng truyền giáo Rạch Vọp. Đó chính là nhưng người mục tử và những người giáo dân cùng giáo lý viên nơi đây. Cha xứ và cha phó là những người mục tử thật sự ngấm mùi chiên. Các ngài  luôn hăng say dấn thân để hoàn thành tâm nguyện của Chúa Giêsu: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. (Ga 10,16).Tôi thầm thán phục hình ảnh và tinh thần cầu nguyện tín thác nơi cha sở, một vị mục tử luôn hăng say trong sứ vụ truyền giáo và yêu mến Thánh Thể, luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa trong mọi thời khắc của ngày sống. Bên cạnh các Cha còn có sự cộng tác của những người giáo dân và những anh chị giáo lý viên, họ đảm nhận nhiều công việc khác nhau như đưa đón lương dân đến tham dự Thánh lễ, khám bệnh, phát thuốc, dạy giáo lý... cho những người đến với giáo điểm Rạch Vọp này. Họ làm việc với một sự dấn thân, một niềm hăng say và niềm vui vì được đem Chúa đến với những người mà họ gặp gỡ.

Qua chuyến đi thăm giáo điểm Rạch Vọp này giúp tôi hiểu hơn và khắc sâu hơn nữa lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng “…mọi tín hữu, cá nhân cũng như đoàn thể, không chỉ quan tâm đến những anh chị em đồng đạo, nhưng hãy nỗ lực tìm cách chia sẻ niềm tin, đưa dẫn anh chị em đồng bào đến gặp gỡ Chúa Kitô và đón nhận Tin Mừng của Ngài” (số 1). Thật vậy mọi tín hữu công giáo đều được kêu gọi và có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ Truyền giáo của Giáo Hội, bắt nguồn từ chính sứ vụ của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Tâm điểm của sứ vụ này là Loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu bằng cả con người và cuộc đời mình. Nơi đây cũng khơi lên trong tôi ngọn lửa nhiệt thành dấn thân hơn trong sứ vụ truyền giáo của người môn đệ Đức Kitô và người nữ tu Đaminh Thừa Sai Phú Cường là Loan Báo Lời Thương Xót và Cứu Độ của Thiên Chúa đến với mọi người.

Nữ tu Anna Nguyễn Thị Mai Hạnh