Thật hữu duyên khi tôi được đến với Rạch Vọp, được trải nghiệm trên những chuyến đò đi đón lương dân. Qua đó, tôi bắt gặp hình ảnh người thừa sai. Tôi tự hỏi mình rằng: những con đò này nếu không đi qua bên kia sông thì liệu có bao nhiêu người lương dân được cơ hội nhận biết Chúa. Chiếc đò là phương tiện đưa người ta đến với Chúa. Điều này khiến tôi liên tưởng đến sứ vụ của người thừa sai. Sứ vụ ấy là trở nên những con đò đưa mọi người đến với Chúa. Càng nhiều chuyến đò chắc chắn sẽ có nhiều người chạm đến ơn cứu độ của Chúa.
Để có thể trở nên những con đò hữu ích cho Giáo Hội, theo tôi, người thừa sai cần phải: can đảm vượt qua giới hạn của mình và khoác trên mình chiếc phao cứu sinh là Đức Kitô.
Để có thể truyền giáo cho lương dân, trước hết, chúng ta phải can đảm vượt qua giới hạn của bản thân, nghĩa là dám ra khỏi mình để đến với tha nhân. Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta còn ngần ngại thể hiện đức tin của mình nơi công cộng, nhất là khi biết đối phương không cùng niềm tin với chúng ta. Khi đến với lương dân, chúng ta lo ngại họ không lắng nghe, thậm chí có thể công kích và chống đối khi biết chúng ta đến truyền cho họniềm tin vào Thiên Chúa. Đối diện với tình hình trên, chúng ta cần được ơn can đảm để không chùn bước khi gặp khó khăn. Khó khăn đó có thể đến từ sự cứng lòng của lương dân, hoặc cũng có thể đến từ giới hạn của bản thânchúng ta về mặt kiến thức hay kinh nghiệm truyền giáo. Khi chúng ta gieo vãi hạt giống đức tin, chắc hẵn sẽ có những hạt rơi vào đất tốt và nẩy mầm. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân nhắc xem họ theo chúng ta vì điều gì, có phải vì những món thực phẩm chúng ta trao cho họ khi gia đình họ đang túng thiếu, chúng ta xây nhà cho họ khi họ không chốn dung thân hay không? Bởi vậy, mỗi khi trao tặng cho họ một món quà vật chất để họ nuôi sống bản thân, chúng ta phải hướng họ đến với nguồn lương thực trường tồn là Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Đồng thời mời gọi họ gia nhập vào Hội Thánh qua Bí tích Rửa Tội để được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Trên hành trình truyền giáo, để có thể vượt qua những khó khăn, sóng gió, chúng ta cần phải mặc lấy chiếc phao cứu sinh là Đức Kitô. Khi con đò rời bến bên này để qua bờ bên kia, có ngày đò chạy trên mặt nước êm ả, nhưng cũng sẽ không thiếu những ngày con đò gặp con nước lớn, hay mưa giócó thể làm lật đò. Chúng ta chỉ có thể sống sót khi khoác trên mình chiếc phao cứu sinh. Trong khi thi hành sứ mạng truyền giáo, chúng ta rất cần đến sự trợ giúp của Chúa, chính Chúa sẽ cải hóa tâm hồn lương dân bằng cách riêng của Ngài. Và Ngài cũng sẽ trợ lực cho chúng ta khi chúng ta yếu duối và gục ngã. Nếu chúng ta cứ dựa vào bản thân mình thì có ngày chúng ta sẽ thất vọng khi không gặt hái được kết quả như mình mong muốn, hoặc sẽ tự hào về bản thân khi kêu gọi được nhiều người đến với Chúa. Nhớ lại lời của thánh Phaolô “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7), chúng ta cứ làm hết khả năng, phần còn lại Chúa sẽ lo liệu cho họ. Bổn phận của chúng ta hãy cố gắng bám vào Chúa qua đời sống cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa để cơ thể và tâm hồn chúng ta chất chứa đầy chất Tin Mừng.
Qua chuyến đi trải nghiệm tại vùng đất truyền giáo, tôi nhận thấy hiện trạng thực tế về:sự chân chất của lương dân địa phương, cách thức truyền giáo và giáo dục đức tin cho lương dân của Cha Sở cũng như những cộng tác viên. Qua đó, tôi ý thức hơn về sứ mạng của bản thân. Tôi đã học được rất nhiều bài học cao quý trong chuyến đi này.Đó là: yêu mến việc truyền giáo vì chỉ có yêu mến mới có động lực để thi hành sứ mạng cách hiệu quả; luôn đổi mới cách thức tiếp cận sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh của từng người, sự xả thân quên mình vì lợi ích phần hồn của tha nhân. Tôi mong những cảm nghiệm sâu sắc ấy sẽ trở thành nguồn động lực mới mẻ cho việc thực thi sứ mạng của bản thân. Xin được tri ân những vị truyền giáo âm thầm nhưng đầy nhiệt huyết và tinh thần phục vụ. Tôi thực sự khâm phục và trân nhận những thành quả mà quý ngài đã mạng lại cho Giáo hội của Chúa.
Sr. BÍCH TRÂM
Hội Dòng Đaminh Thừa Sai Phú Cường