Cảm Nhận Chuyến Đi Tông Đồ Rạch Vọp

Cuộc sống truyền giáo là một cuộc sống đòi hỏi người truyền giáo phải học biết cách nhận ra ý Chúa, đón nhận và thực hành. Kết thúc thánh lễ đêm Vọng Phục Sinh, chị em chúng tôi thực sự háo hức, cùng nhau chuẩn bị cho cuộc hành trình tông đồđem Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đến cho lương dân Giáo Họ Rạch Vọp, Giáo phận Cần Thơ, hầu làm cho họ cũng trở nên môn đệ của Đức Kitô. Hành trình ấy đã “để thương để nhớ” cho tôi nhiều điều.

Quả vậy, tôi nghĩ rằng mọi thứ không dĩ nhiên mà diễn ra, chính Thiên Chúa đã thương ban hồng ân để tôi có những trải nghiệm đẹp đó. Ngay cái khoảnh khắc đặt chân xuống cổng giáo họ Rạch Vọp, tôi đã cảm nhận được tình người ấm áp qua sự chào đón nhiệt tình của mọi người, nhất là Cha xứ và quý anh chị phục vụ nơi đây. Họ vất vả chuẩn bị nơi ăn cũng như chốn ở cho chị em chúng tôi. Tôi yêu sự ngây thơ, đơn sơ và nhớ từng khuôn mặt, từng giọng nói dễ thương của các bạn nhỏ; nhất là nơi những cụ ông, cụ bà đã ngoài tám mươi nhưng vẫn nhiệt huyết đến tham dự thánh lễ. Tôi nhận ra những giây phút ở bên họ thật quý giá, vì tôi không chắc mình sẽ còn cơ hội để gặp họ. Bởi vậy, tôi sống trọn vẹn những khoảnh khắc đáng trân quý ấy, vì chúng giúp tôi gần lại với mọi người và gần Chúa hơn nhờ tham dự thánh lễ, đọc kinh cùng với họ. Đặc biệt, Cha xứ dành cho chúng tôi những phút hồi tâm, giúp chúng tôi xét mình và nhìn lại những việc chúng tôi vừa làm để thấy Chúa đã thực sự hiện diện với chúng tôi.

Người nghèo mà tôi gặp, không chỉ nghèo về vật chất, nhưng còn thiếu thốn về tinh thần. Chúng tôi được xuống ghe để đi đón những người lương dân ở xa, họ đã chờ đợi ghe tới rước từ rất sớm, tôi rất cảm phục họ. Khi ghe tới nơi, họ mau mắn đi xuống, trong trật tự. Tôi ngồi gần một bà cụ, nắm bàn tay nhăn nheo vất vả của một cụ già 80. Cụ nói: Các Sơ đẹp quá, các Sơ tới đây thăm chúng tôi hả? Cụ chia sẻ: Tôi ở một mình, tôi đi bộ ra đây từ 4h sáng để đợi cho kịp; nhà nghèo lắm, chỉ trông mong đến ngày Chúa nhật để đến nhà thờ cho vui, vui không chỉ được nhận quà, nhận gạo, mà được nghe cha truyền đạo hay lắm, tôi chưa được rửa tội, tôi đi lễ cũng đã 7 năm rồi,… “Mai mốt các Sơ quay lại thăm bà con chúng tôi nữa nha”. Tôi nở nụ cười mà lòng ngậm ngùi. Cũng có những cụ tin vào Chúa khi đã bước vào tuổi xế chiều, làm cho tôi thêm xác tín vào niềm tin của mình hơn. Tôi cũng gặp gỡ rất nhiều người có nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Với tôi, một ngày ở nơi đây thật ý nghĩa. Chính sự nối kết của đức tin với tình yêu, giữa thiên nhiên với con người nơi mảnh đất giáo họ Rạch Vọp làm cho tôi thêm yêu thêm nhớ. Thời gian đúng là không chờ đợi một ai, khi đã quen với nhịp sống,hòa nhập với mọi thứ, thì tôi lại phải nói lời tạm biệt mảnh đất này.  Chỉ tiếc là bản thân chưa đủ nhiệt huyết để cống hiến và phục vụ cho trọn. Tôi trở về trong sự xúc động, nghẹn ngào. Đây là chuyến đi tôi cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc khi chứng kiến tình cảm của người khác dành cho mình.

Tạ ơn Chúa, tri ân mọi người nơi đây, đặc biệt là cha xứ GB. Trương Thành Công, đã cho chúng tôi cơ hội được gặp gỡ mọi người nơi giáo điểm. Tôi học hỏi được kinh nghiệm giúp giáo dân sống tinh thần truyền giáo một cách thực tế, cụ thể, ai cũng làm được, tập làm quen với việc đến với anh chị em lương dân, thăm viếng và mời gọi họ đi lại với nhà thờ, chia sẻ với họ niềm tin và việc phụng tự. Đặc biệt là giải thích Lời Chúa, của cha Phó trình bày ý nghĩa của ngày Chúa Giêsu, Đấng đầu tiên trong nhân loại đã chết và đã sống lại, sẽ ban sự sống lại và sống vĩnh cửu cho những ai tin theo Người. Bài giảng đặc biệt nhắm tới anh chị em lương dân, nên thật ngắn, thật bình dị và tóm thật gọn những điều chính yếu để dễ nhớ qua những câu nói câu hỏi dí dỏm, hóm hỉnh, hài hước. Những kỷ niệm đẹp ấy sẽ tăng thêm động lực cho những ngày sống đầy ý nghĩa sắp tới của tôi. Đó là vì nhớ vì thương vì muốn gắn bó với mảnh đất giáo họ Rạch Vọp và con người nơi đây thêm nữa.

Cảm nghiệm từ thực tế cuộc sống "được đến với những người nghèo, người lương dân, trong sứ vụ truyền giáo, giúp họ nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ" là giá trị mà cha xứ và cha phó cùng với các anh chị em tình nguyện đến cộng tác với hai cha luôn ấp ủ trong cuộc đời dâng hiến và phục vụ của mình. Theo như Cha xứ, ý nghĩa lớn nhất của đời tu chính là sự "cho đi", chỉ khi cho đi trong trong yêu thương, trong dấn thân, hy sinh, tôi mới cảm nhận được niềm vui, bình an và cảm thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa.

Nt.  Maria HOÀNG MỘNG DUYÊN.Op.