Trước khi kết thúc khóa học về Mục Vụ Truyền Giáo tại Học Viện Công Giáo Việt Nam. Tôi cùng với quý cha, thầy, sơ trong lớp đã thực hiện chuyến thăm mục vụ truyền giáo tại Giáo xứ truyền giáo Rạch Vọp, giáo phận Cần Thơ, do cha Gioan Baotixita Trương Thành Công phụ trách. Ngài đã về truyền giáo tại đây được khoảng 8 năm và đã gặt hái được nhiều thành công. Đặc biệt là về lương dân và tôi thấy ngài có một cái nhìn hơi khác so với mọi người, có thể nói ở miền sông nước đó sẽ là thuận lợi và giúp gặt hái được nhiều kết quả thành công trong sứ mạng truyền giáo.
Cha Ga B Trương Thành Công cho biết: “Mỗi năm Giáo xứ đón khoảng 800 – 1.000 người đến thăm Giáo xứ và ngài cho họ đi thuyền đến với những người lương dân để đón họ đi lễ tại nhà xứ. Tôi và mọi người cũng vậy, sáng sớm được cha cho lên thuyền đến với những lương dân, đón họ đến nhà thờ để dự lễ. Trên đường đi đón, thuyền mà tôi ngồi đã chạy ra Sông Hậu đó là một con sông lớn của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Khi thuyền đã đón được mọi người, tôi có gặp gỡ hỏi thăm một số người về cuộc sống thường ngày, cách mưu sinh cũng như về niềm tin của họ. Tôi cảm thấy có những gia đình hoàn cảnh cũng rất khó khăn trong đời sống hằng ngày, họ thiếu thốn về của ăn của uống (vật chất), cũng như gia đình tôi. Tôi được sinh ra và lớn lên trong vùng truyền giáo, vùng ngoại biên nơi thiếu thốn về mọi cái nên khi tôi gặp gỡ họ, tôi đã hiểu về hoàn cảnh cũng như về các vấn đề thường ngày nơi họ. Bởi vì cuộc sống của những người nơi vùng truyền giáo đối với tôi mà nói, không còn là gì xa lạ hay bỡ ngỡ với tôi nữa, có thể nói những gì họ đã và đang trải thì tôi cũng đã từng trải qua.
Hơn nữa, nhờ chuyến đi này mà tôi như được mở rộng thêm tầm nhìn về miền sông nước. Lòng nhiệt thành của tôi dường như cũng được tăng thêm trong sứ vụ truyền giáo. Người ta thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi thấy đi tới nhiều vùng truyền giáo khác nhau thì nó lại càng cho mình thêm hiểu biết khác nhau. Tuy rằng mình sống và lớn lên trong vùng truyền giáo, những khó khăn về vật chất thì có thể hiểu được... nhưng mỗi nơi, vùng đều có một cái gì nào đó khác mà mình chưa thể hiểu được nếu không trực tiếp đến khám phá và học hỏi.
Trong chuyến đi đón, tôi quan sát có ba thuyền và hai chiếc xe khởi hành. Đi đón giáo dân hay lương dân đến dự lễ thì không có gì là lạ với tôi. Cái lạ và mới mẻ với tôi ở đây là đón bằng thuyền trên sông. Và tôi liền nghĩ, nếu nơi tôi sống mà có sông thì cũng chỉ còn cách là đi đưa đón bằng thuyền nữa thôi. Khi đến các điểm đón, tôi thấy nhiều ông bà lớn tuổi và có cả các cháu thiếu nhi đã đứng đợi ở bờ sông, tôi liền hỏi ông bà và các em đã đợi lâu chưa, các em thiếu nhi nói; chúng con đợi hơn một tiếng rồi ạ, nghĩa là họ đi từ rất sớm để đón ở bờ sông. Không chỉ thế, có những người vì nhà xa bờ sông nên họ đã dậy sớm và đi từ lúc 4g sáng để kịp tới điểm đón.
Trên đường đón, thuyền mà tôi đi dừng bảy trạm để đón người và khoảng cách từ nhà xứ đến điểm đón cuối khoảng 15 km. Khi đón xong chúng tôi đã về và chẳng mấy chốc mà các thuyền, các xe đã chở người về đầy sân nhà xứ. một điều tôi thấy, những người Miền Tây rất đơn giản vui vẻ chào đón dù là chưa biết hay chưa quen, nhưng khi được hỏi họ rất nhiệt tình trả lời và trả lời cách đơn sơ, có thể nói không như người thành phố.
Như vậy, tôi nghĩ là một nhà truyền giáo phải là người say mê Chúa Giêsu và làm theo cách của Ngài cũng như mà Ngài muốn. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đi hết làng này đến làng khác để làm cho họ trở thành môn đệ của Người. Tôi thấy cha Ga B Công cũng hăng say đến như vậy trong công việc làm cho họ trở thành môn đệ. Ngài làm theo nguyên lý truyền giáo: ăn - học và nuôi - dạy.
Tôi thấy một cái mới ở đây nữa, đó là; Thánh lễ cho người lương dân nên người lương dân phục vụ, cả những bài đọc và hát đáp ca. Và sau đó tôi thấy có nhiều ý kiến về việc này. Tuy nhiên, có thể đó là một cách truyền giáo riêng của ngài và ngài có lý do riêng trong công việc truyền giáo nên mỗi người cần cần tôn trọng cách truyền giáo đó của ngài. Tôi thấy, ngài luôn dạy cho những người lương dân tin vào Chúa Giêsu là lương y qua câu: “Lạy Chúa Giêsu là Lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”. Bởi tôi thấy hầu như mọi người ai cũng thuộc câu này, và rất hay đọc câu này trong nhà thờ.
Như vậy, muốn trở thành một người truyền giáo mỗi người chúng ta phải là người luôn hăng trên sứ vụ, trên con đường mà Chúa muốn nơi mình. Không làm theo ý mình mà hãy cầu nguyện và suy niệm để lắng nghe tiếng Chúa và làm theo ý ngài để đến với muôn dân. Nhất là các vùng truyền giáo, vùng ngoại biên, phục vụ cũng như rao giảng về Tin Mừng của Chúa cho mọi người trong việc phục vụ như thánh Phêrô trong thư thưa nhất nói: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5, 2-3).
Giuse SÙNG A SÁU, OP.