Các bạn thân mến!
Trong chương trình đào tạo Mục Vụ Truyền Giáo của Học Viện Công Giáo năm 2024, ngày 16 và 17/11/2024, chúng tôi có cơ hội đến giáo xứ Rạch Vọp, giáo phận Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, một giáo xứ vùng sông nước, để học hỏi về kinh nghiệm truyền giáo của Cha Gioan Baotixita Trương Thành Công.
Chúng tôi vô cùng khâm phục về gương truyền giáo của Ngài. Từ khi biết tin chúng tôi chuẩn bị tới viếng thăm, Cha Xứ đã nhiều lần liên hệ để chuẩn bị chỗ nghỉ cho đoàn chúng tôi, không chỉ thế, Ngài lại còn đích thân lái “Xe Tang Công Giáo[1]”, để chở những thùng đồ dùng của chúng tôi.
.JPG)
Khi vào tới nhà xứ, chúng tôi được Cha Xứ và Quý Chức và bà con tiếp đón nồng hậu với bữa cơm thân tình, cùng giờ đọc kinh online với bà con giáo dân, để cầu nguyện cho toàn thể giáo xứ. Sau đó, Cha Xứ giới thiệu sơ lược về tình hình giáo xứ, đặc biệt là về thánh lễ dành cho lương dân sáng hôm sau.
4g30 Chúa Nhật, ngày 17/11/2024, chúng tôi dậy sớm để chuẩn bị trải nghiệm việc lên đường đi đón lương dân. 5g00 hai “Xe Tang Công Giáo” theo đường bộ xuất phát đi đón lương dân, 5g30 ba ghe theo đường sông đi đón lương dân. Số lương dân chúng tôi đón cách xa nhà thờ từ 3 km, tới 5 km, có khi tới cả 15 km. Khi tiếp xúc, nhiều lương dân tâm sự, họ dậy sớm có khi từ 4g00, đi bộ khoảng vài cây số để tới “điểm tập kết”, là các bến có ghe tới đón. Dù thức sớm, đứng đón lâu giờ nhưng chúng tôi thấy khuôn mặt của lương dân ai cũng vui vẻ, háo hức.
.JPG)
Đi trên ghe, tôi có cơ hội tiếp cận với bé Nam Anh, một thiếu nhi khoảng 10 tuổi, dễ thương, thông minh, và đạo đức.
Khi tôi hỏi:
-
Duyên cớ nào mà Nam Anh đi lễ nè?
-
Dạ! Hôm đó Ông Cố[2] đi thăm Bà Nội con, rồi Ông Cố bảo, rằng Ông Cố thấy con đi lễ được đó, Chúa Nhật này lên nhà thờ nhé! Thế là con đi lễ luôn từ đó tới này đã hơn ba năm rồi – Nam Anh trả lời.
-
Thế con có thích đi lễ không? – Tôi hỏi tiếp.
-
Dạ con thích đi lễ lắm, vì đi lễ rất vui, được học hỏi nhiều về Chúa, được gặp Ông Cố và các bạn – Nam Anh trả lời.
Chỉ một lời mời gọi đơn sơ của Cha Xứ, mà bé Nam Anh đã đi lễ hơn ba năm, và tương lai sẽ còn tiếp tục đi lễ nữa, thật quá đơn sơ, mộc mạc.
Khi tới giáo xứ, họ được Cha Xứ, quý chức và cộng đoàn đón tiếp niềm nở. Những người tân tòng, là những người đã theo học giáo lý và được rửa tội, sẽ đón tiếp những lương dân.
.JPG)
Họ được phát bảng tên để đeo, để thuận tiện cho việc làm quen, và quản lý, trên thẻ ghi các thông tin như: Tên, năm sinh, địa chỉ, lớp giáo lý, tổ, số ghe/số xe,…
.JPG)
Hiện tại ở giáo điểm có ba nhóm lớp:
Nhóm 1 dành cho thiếu nhi:
-
Lớp Đăng Ký: Các em mới đến, thời gian kéo dài từ khoảng vài tháng đến một năm.
-
Lớp Thiếu Nhi 1: Các em đã qua Lớp Đăng Ký, tuổi từ 6 tới 10 tuổi, cấp 1.
-
Lớp Thiếu Nhi 2: Các em đã qua Lớp Thiếu Nhi 1, tuổi từ 11 tới 12 tuổi, đầu cấp 2.
-
Lớp Thiếu Niên: Các em đã qua Lớp Thiếu Nhi 2, tuổi từ 13 tới 14 tuổi, cuối cấp 2.
-
Lớp Tráng Niên: Các em đã qua Lớp Thiếu Niên, tuổi từ 15 tới 17 tuổi, cấp 3.
Nhóm 2 dành cho các lớp trước Rửa Tội:
-
Lớp Đăng Ký: Các lương dân mới tới, thời gian dài hay ngắn là do Cha Xứ quyết định, nhưng thường không dưới một năm.
-
Lớp Muốn Làm Quen: Các lương dân sau khi đã trải qua Lớp Đăng Ký, thời gian không dưới một năm.
-
Lớp Đến Mà Xem 1: Các lương dân sau khi đã trải qua Lớp Muốn Làm Quen, thời gian không dưới một năm.
-
Lớp Đến Mà Xem 2: Các lương dân sau khi đã trải qua Lớp Đến Mà Xem 1, thời gian không dưới một năm.
Nhóm 3 dành cho các chuẩn bị và sau Rửa Tội:
-
Lớp Khai Tâm 1: Các lương dân sau khi đã trải qua Lớp Đến Mà Xem 2, thật sự muốn được Rửa Tội, thời gian không dưới một năm.
-
Lớp Khai Tâm 2: Các lương dân sau khi đã trải qua Lớp Khai Tâm 1, thật sự muốn được Rửa Tội, thời gian không dưới một năm.
-
Lớp Dự Tòng: Các lương dân sau khi đã trải qua Lớp Khai Tâm 2, thật sự muốn được Rửa Tội, thời gian không dưới một năm.
-
Lớp Bồi Dưỡng: Các tân tòng sau khi được Rửa Tội, tiếp tục được hướng dẫn, đồng hành để đức tin ngày một vững chắc hơn. Có một số học viên tiếp tục học trong lớp này, dù đã được Rửa Tội 8, 9 năm.
Dù 8g00 mới bắt đầu thánh lễ, nhưng ngay khi 7g30, tất cả lương dân đã vào trong nhà thờ, họ được Cha Xứ chia từng vị trí, tùy theo lớp họ đang theo học. Điểm đặc biệt là dường như Cha Xứ biết và gọi tên từng lương dân, thật giống như hình ảnh vị mục tử nhân lành biết và gọi tên từng con chiên một. Trong thánh lễ, Ngài giảng giải Lời Chúa rất gần gũi và cụ thể, giúp họ có thể hiểu Lời Chúa muốn nói gì, họ phải làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa.
.JPG)
.JPG)
Sau lễ, họ được mời ăn sáng và được chia về từng lớp học giáo lý, tùy theo trình độ của họ. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì nhiều em thiếu nhi nhiều năm học giáo lý, biết đánh đàn, tập hát, ca viên trong ca đoàn, thừa tác viên đọc sách và giúp lễ,… tất cả hầu như chưa được Rửa Tội. Khi hỏi mới biết rằng, Cha Xứ chỉ rửa tội khi thấy lương dân đã hoàn toàn đủ điều kiện, nhiều người học giáo lý 7 hay 8 năm vẫn chưa được rửa tội. Riêng với thiếu nhi, Ngài chỉ rửa tội sau khi các em trưởng thành, thậm chí sau khi đã kết hôn và có dấu hiệu giữ đạo Công Giáo lâu dài. Điều ngạc nhiên kế tiếp nữa là nhiều người tân tòng, dù đã rửa tội cả 10 năm, nhưng vẫn vui vẻ học giáo lý sau thánh lễ.
.JPG)
.JPG)
11g00 là lúc kết thúc các lớp giáo lý, lương dân được các phương tiện vận chuyển chở về nơi đã đón họ trong niềm vui và bình an.
.JPG)
Các giáo lý viên được mời gọi chầu Thánh Thể 15 phút để kín múc sức mạnh từ Thánh Thể Chúa. Sau đó chúng tôi cùng giáo lý viên dùng chung bữa cơm trưa đơn sơ và chia tay ra về.
.JPG)
Tạ ơn Chúa, cảm ơn Cha xứ, bà con giáo dân và lương dân tại Rạch Vọp đã cho chúng tội một trải nghiệm đặc biệt về truyền giáo tại vùng sông nước Sóc Trăng, giáo phận Cần Thơ. Xin Chúa chúc lành và ban ơn trên Cha Xứ, các giáo lý viên, bà con giáo xứ Rạch Vọp.
Lm. Phêrô Vương Hoàng Huynh
[1] Phương tiện đa năng của giáo xứ để vận chuyển: Người đi lễ, mùng mền chiếu gối, quần áo, gạo, quan tài,..
[2] Ở đây, lương dân và các Kitô hữu gọi Cha Xứ là Ông Cố.