Đến Rạch Vọp vào một buổi chiều trong xanh, hiện ra trước mắt tôi ngôi nhà thờ mái tôn cong, màu đỏ bắt mắt. Đây chính là nơi sinh hoạt phượng tự của giáo xứ Rạch Vọp cũng như của giáo điểm Rạch Vọp với gần 400 lương dân.
Nhà thờ với không gian nhỏ thôi nhưng được thiết kế nhiều khu vực đa năng để phục vụ bà con lương cũng như giáo. Nơi đây, sinh hoạt của giáo xứ diễn ra đều đặn nhưng nổi bật hơn là sinh hoạt của gần 400 lương dân tạo thành giáo điểm Rạch Vọp. Nghe đến đó thôi, tôi đã tự hỏi làm sao có thể quy tụ và đem Chúa đến với số đông lương dân đó?
Sáng Chúa Nhật, trên hai chiếc ghe và hai xe chuyên dụng để chở bà con về giáo điểm, chúng tôi được trải nghiệm đi đón người dân tại các địa điểm trong bán kính 15 cây số. Đây như một cách thiết thực để đưa những “con chiên lạc” về ràn. Xa xa, nơi những bến đỗ, thấp thoáng những người lương dân đang chờ đợi cùng với “lễ vật” của mình để dâng cho Chúa. “Lễ vật” đó là mớ rau, là trái cây hái trong vườn, là bịch ốc luộc còn nóng hổi…đó là tất cả những gì họ có, như tấm lòng thành để đi dâng lễ. Qua tìm hiểu, tôi biết được có người phải dậy từ hai giờ sáng để đi bộ tới bến đỗ cho kịp giờ, người thì phải chạy xe máy quãng đường khá xa rồi gửi bên đường. Nhìn đoàn người nao nức phấn khởi lên ghe, tôi có cảm tưởng như họ đang tìm kiếm, đang khao khát một cái gì. Những khuôn mặt dẫu lam lũ cảnh đời song vẫn ánh lên niềm vui khôn tả. Người trẻ thì ít thôi, đa phần là những người trung niên, người lớn tuổi và cháu nhỏ.
Sinh hoạt của giáo điểm được chuẩn bị chu đáo với đỉnh cao là Thánh Lễ. Thánh Lễ diễn ra thật sốt sắng với những chia sẻ Lời Chúa thật gần gũi, rất phù hợp với anh chị em lương dân. Sau đó là các lớp học giáo lý với 11 cấp khác nhau, chủ yếu giúp bà con tiếp cận đức tin qua Lời Chúa, kinh nguyện. Nhìn những lớp giáo lý thấp thoáng trong tiết trời nắng nóng, tôi thấy được sự vui tươi, hăng hái nhưng nghiêm trang, dễ thương của các em nhỏ, sự âm thầm lặng lẽ chú ý của những người lớn, và cả sự nhiệt tình phục vụ của quý sơ, quý thầy cô giáo đến từ Cần Thơ… Cha, quý sơ và thầy cô đã trao cho họ một hiểu biết đức tin đơn sơ nhưng vững chắc, giúp họ sống đạo cách tốt đẹp và dù không được rửa tội ngay, họ vẫn theo và kiên trì sinh hoạt tại giáo điểm năm năm, tám năm…với mong ước của “Ông Cố” – cha sở rằng chỉ cần họ tin và được biến đổi…Từng chút một, cha cùng với những những người cộng tác đã làm cho đời sống đức tin của những lương dân này thật mạnh mẽ - một nhịp thở đức tin đều đặn, vươn mình và lớn lên từng ngày, để giờ đây có thể vui mừng đón những hoa trái đầu mùa: chính các thành viên của giáo điểm đã đạt đến sự trưởng thành để có thể phục vụ cộng đoàn. Thật bất ngờ khi biết em ca trưởng, ca viên, một số giáo lý viên đều là lương dân.
Ở Rạch Vọp, tôi thấy những người lương giáo thuộc vùng quê nghèo nhưng có ý thức rất cao. Trên những những chiếc ghe chuyên chở, không thấy người ta tranh giành để ngồi chỗ tốt, cũng chẳng thấy ai xả rác hay có những hành vi thô lỗ thường thấy ở những nơi công cộng…Được như thế là bởi vì, qua các buổi sinh hoạt, “Ông Cố” còn giúp họ thêm về nhân bản, về nếp sống văn minh, để đời sống của họ không chỉ là tốt đạo, mà còn đẹp đời. Thật dễ thương với cửa hàng quần áo 0 đồng, với tiệm làm móng phục vụ người lớn tuổi, với quầy thuốc phục vụ người bệnh, với chút gạo bà con nhận được hằng tháng…những chia sẻ nhỏ nhoi ấm lòng đó chắc hẳn cũng góp thêm chút gì tươi mới nơi vùng quê nghèo này.
Cũng là truyền giáo, cũng là loan báo Tin Mừng đó thôi! Thế nhưng ở Rạch Vọp, cảm nghiệm nhịp thở của Chúa Thánh Thần, rõ ràng một cách nào đó, hạt cải Tin Mừng đang lớn lên theo cách rất riêng…Với cách thức truyền giáo đặc biệt, không ngừng sáng tạo để phù hợp với sự phát triển của thời đại, để chậm mà chắc, Giáo Hội được nhờ nơi những Kitô hữu “chất lượng” hơn. Còn tôi, một sự đánh động sâu xa, tôi nhìn lại đời sống đức tin của mình. Nhờ những con người nhỏ bé ấy, nhịp thở Tin Mừng trong tôi như mạnh hơn, dồn dập, và không thể nghi ngờ trước sự mới mẻ không ngừng của Chúa Thánh Thần –Đấng vẫn hằng hoạt động trong thế giới.
Sr. Xuân Hương
Dòng MTG Xuân Lộc