HOÀI BẢO TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA GIÊSU

 

HOÀI BẢO TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA GIÊSU
"Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc" (Mt 22,9)

 

Trong Sứ điệp Truyền giáo 2024, qua dụ ngôn Bữa Tiệc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn khơi dậy lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng nơi các thành phần Dân Chúa trong toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên, câu chuyện Ông Chủ dọn tiệc và bảo gia nhân đi mời thực khách, trước là các thân hữu, sau là mọi hạng người sang hèn khắp các ngã đường, còn cho thấy cả một hoài bảo truyền giáo của Chúa Giêsu.

Nếu câu chủ đề của Sứ điệp “Hãy đi và hãy mời mọi người vào bàn tiệc”, ĐTC đã tóm tắt và nêu lên ý chính của dụ ngôn; thì cũng qua câu đó, Chúa Giêsu tóm gọn những nét chính trong chương trình loan báo Tin Mừng của Ngài, gồm:

- “Hãy đi”: Lệnh truyền LBTM,

- “Hãy mời gọi”: Hoạt động LBTM,

- “Mọi người”: Đối tượng LBTM nhắm đến,

- “Dự tiệc được dọn sẵn”: Định hướng LBTM.

Chúng ta sẽ bàn 4 khía cạnh này theo trình tự:

- Định hướng truyền giáo

- Đối tượng truyền giáo

- Hoạt động truyền giáo

- Lệnh truyền lên đường.

 

I. "Bữa tiệc": ĐỊNH HƯỚNG TRUYỀN GIÁO

Hình ảnh cánh đồng lúa vàng đang chờ thợ gặt của Chúa Giêsu nói lên tính cấp bách và nhu cầu nhân sự của việc truyền giáo. Còn hình ảnh Bữa tiệc đang chờ thực khách, được ĐTC Phanxicô suy niệm và làm đề tài cho Sứ Điệp Truyền Giáo năm nay, trình bày một kế hoạch loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Theo đó, công cuộc truyền giáo chính là việc các môn đệ được Thiên Chúa sai đi mời gọi và qui tụ muôn người vào dự tiệc Nước Trời. Loan báo Tin Mừng chính là công bố và làm cho tình yêu của Chúa được lan tỏa đến mọi dân nước. Hội Thánh chính là "bàn tiệc” thể hiện tình yêu cứu độ đó. Nên mỗi Kitô-hữu phải vừa là chứng nhân vừa là môn đồ đi mời gọi mọi người vào tiệc yêu thương Chúa dọn. Như vậy, có một mối liên hệ mật thiết giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc thực thi bác ái. Đây chính là định hướng quan trọng cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Từ lâu, công cuộc truyền giáo đi liền với việc thực thi bác ái. Các thừa sai thường khởi đầu truyền giáo bằng công tác bác ái từ thiện. Tuy nhiên, nếu bác ái chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ tha nhân về vật chất trong cơn hoạn nạn, hoặc tương trợ anh em khi gặp khó khăn, thì chưa phải là việc truyền giáo. Nhiều nơi đã coi việc bác ái xã hội này là công tác truyền giáo, và báo cáo số liệu công tác bác ái như là thành quả của truyền giáo. Đây là điều ĐTC Bênêđictô XVI đã cảnh giác trong Thông điệp ‘Deus Caritas Est’, không được dùng việc bác ái như một phương thức “chiêu dụ tín đồ”.

Các Kitô-hữu có thể thực thi bác ái với mục đích giới thiệu Chúa Kitô và Tin Mừng cho anh em. Việc bác ái của người môn đệ truyền giáo phải bày tỏ tình thương, chia sẻ đức tin Kitô-giáo cho người nhận. Đó gọi là Bác ái Truyền giáo.

Có một lằn ranh khó phân biệt giữa bác ái xã hội và bác ái truyền giáo; hai cách thực hành sẽ đưa đến hệ quả khác nhau: hoặc tín đồ vô-đạo-vì-gạo, hoặc tín hữu rửa-tội-vì-tin. Do đó, bác ái truyền giáo đòi buộc phải thăng tiến tha nhân đạt tới niềm vui được Thiên Chúa yêu thương hơn là chỉ được ân nhân trợ giúp. Trong dụ ngôn, có thực khách chỉ gặp được và chỉ trông tìm một bữa ăn no nê, trong khi có những thực khách khác nhận ra lòng nhân ái của các gia nhân, và qua đó, gặp được một Ông Chủ tiệc đầy hảo tâm.

Vì vậy, Bác ái Truyền giáo chính là định hướng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Và việc thực thi bác ái của Giáo hội cần theo định hướng truyền giáo. Tuy nhiên, lắm khi không đạt được ý nguyện truyền giáo thì không vô ích, vì việc thực thi này cũng là bác ái xã hội.

 

II. "Mọi người": ĐỐI TƯỢNG TRUYỀN GIÁO

Trong Dụ ngôn, Ông Chủ đã bảo gia nhân đi mời mọi người ngoài ngõ, thay cho những thân hữu từ chối dự tiệc. Qua đó, ta có thể tìm được câu trả lời, truyền giáo ưu tiên nhằm đến đối tượng nào.

1. Lương dân hay người nguội lạnh ?

Lương dân chiếm đến 90-97% dân số. Đó là cánh đồng truyền giáo đầy tiềm năng to lớn. Nhiều nơi không chú trọng tới lương dân, lại ưu tiên tìm đến “chiên lạc nhà Israel”. Thực tế, truyền giáo cho lương dân phải đối mặt nhiều khó khăn; hơn nữa, dễ gặp bế tắc trong phương thức đến với lương dân, nên ai cũng ngán ngại, rồi tìm cách né tránh.

Trong khi đó, số tín hữu nguội lạnh, khô khan, sống đạo lôi thôi... như những khách đã chối từ lời mời tha thiết của Chủ Tiệc, chỉ rất ít; thiết nghĩ không cần nhiều “đầu tư”. Hơn nữa, vài nơi gọi là “giáo điểm”, thực chất chỉ là tụ điểm những người công giáo sống rải rác, xa nhà thờ. Chăm sóc họ chỉ là việc mục vụ hoặc tái truyền giáo. Ngược lại, người chưa biết đạo, chưa nghe nói về Chúa thì đông vô kể. Công cuộc truyền giáo không nhắm tới lương dân thì đừng mong tăng tỷ lệ người Công giáo !

2. Người nghèo hay người giàu ?

Nếu “mời bất luận là ai ở ngoài đường vào tiệc” thì thực khách hẳn đa số là người nghèo. Người nghèo rất đông, chiếm hơn 80% dân số và ở khắp nơi, ở ngay bên Giáo hội. Họ không chỉ thiếu tiền bạc, mà còn nghèo kiến thức, nghèo sức khỏe, nghèo cả cơ hội thăng tiến, nên luôn trông chờ và dễ nghe theo ai giúp đỡ họ. Vì thế, người nghèo là cơ may của Giáo hội, là đối tượng quan trọng trong công cuộc truyền giáo.

Dù phải chăm sóc lâu dài, hướng dẫn đủ điều và đôi khi là một gánh nặng, người nghèo phải được Giáo hội ưu tiên quan tâm; Hơn nữa, Giáo hội vẫn tự nhận là "GH của người nghèo". Nếu không tiếp cận với người nghèo, thì xem như hành trình của nhà truyền giáo là đi trong hoang địa. Do đó, các ứng sinh linh mục, tu sĩ, hay tác viên Tin Mừng không chỉ tập sống từ bỏ, mà còn phải thực sự gắn bó với người nghèo, sống như họ và phải yêu thương họ… như một điều kiện để trở thành môn đệ truyền giáo.

Còn người giàu? Cũng cần được nghe Tin mừng và hưởng nhận ơn cứu độ, nên họ cũng là đối tượng của công cuộc truyền giáo. Truyền giáo cho người giàu khó hơn, vì họ thường không thiếu thốn, không thích Giáo Hội, đôi lúc cũng không cần đến Thiên Chúa.

Tuy nhiên, theo tâm lý thực tế, người giàu muốn thể hiện sự thành công trong sự nghiệp và danh giá bản thân qua các hoạt động từ thiện. Họ cần danh thơm và thích việc phúc đức. Nếu được mời gọi, họ dễ dàng và có điều kiện để tiếp tay với GH trong công cuộc bác ái và truyền giáo. Họ chính là “gia nhân nấu mâm dọn tiệc” trong nhà Ông Chủ. Nên truyền giáo cho người giàu là vận động họ cộng tác vào việc giúp đỡ người nghèo, hướng dẫn họ tìm những giá trị tinh thần hơn là chỉ tích lũy vật chất. Giáo hội đừng quên mời gọi người giàu cộng tác và chia phần phúc đức.

 

III. "Hãy mời": HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi thành môn đệ truyền giáo qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Việc loan báo Tin Mừng là một đặc ân và niềm vui, hơn là một bổn phận.

Tuy nhiên, người Công giáo, nhất là giới trẻ, quan tâm tới việc mục vụ giáo xứ và bác ái hơn là việc loan báo Tin Mừng. Các công tác nhà thờ hoặc sinh hoạt hội đoàn chỉ mang tính “nội bộ Công giáo”, ít khi nghĩ tới việc "mở cửa nhà thờ" đón mời anh em lương dân tham gia: ca đoàn, thiếu nhi, văn nghệ, các công tác từ thiện, ủy lạo, cứu trợ… Thêm vào đó, người trẻ có thể góp phần vào các công tác của địa phương, của cơ quan, của tổ chức xã hội với danh nghĩa “Công giáo” hay “dưới bóng cờ Nhà thờ”. Một mũi nhọn mới của truyền giáo là xoá bớt khoảng cách giữa nhà thờ và xã hội, giữa giáo dân và lương dân.

Ngoài ra, các bạn trẻ có thể cộng tác với các giáo điểm “ngoại vi”, với những hoạt động như:

  • Công tác truyền giáo hằng tuần: đón-đưa lương dân đến nhà thờ, đồng hành với họ trong phụng vụ lễ Chúa Nhật, thánh ca, dọn phòng giáo lý, chuẩn bị ẩm thực, dạy lớp dự tòng, kiểm diện và thăm viếng người vắng mặt, giúp đăng ký chữa bệnh và đo áp huyết, phát thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc...

  • Hỗ trợ các “dịch vụ” bác ái trong tuần: sơ cấp cứu, đưa đi khám hoặc nằm viện, thăm nuôi bệnh, thay băng, chích thuốc hằng ngày, giúp tập vật lý trị liệu, chăm sóc người già neo đơn (dọn dẹp nhà cửa, hớt tóc, gội đầu, cắt móng tay-chân, nấu món ăn..).

  • Tích cực làm môi giới: giới thiệu nơi cần giúp đỡ với các mạnh thường quân - các nhóm tông đồ - các hội bác ái - các đội văn nghệ, tổ chức sự kiện - các nhóm y bác sĩ (khám chữa bệnh, thử máu, nhổ răng, đo mắt mổ mắt và cắt kính đeo, đo và đặt máy thính lực, chỉnh hình tứ chi, tay chân giả, xe lăn xe lắc)...

  • Vận động nhân sự : mời thêm cộng tác viên, chia sẻ cảm nghiệm và khích lệ bạn bè cùng dấn thân, mời các chuyên viên tới thuyết trình về sức khoẻ - về các vấn đề xã hội và gia đình - về kỹ năng sống.

  • Với thiếu nhi: mở lớp học bổ túc, luyện các môn phổ thông, lớp dạy nghề, sinh hoạt hè, khoá kỹ năng sống, tổ chức sự kiện vui chơi các dịp lễ…

  • Vận động hỗ trợ tài chánh, vận động hàng cứu trợ, quyên góp quần áo cũ - tập vỡ và sách giáo khoa cũ - đồ gia dụng - “ve chai” phế liệu...

  • Marketing bằng truyền thông, làm Tiktok, quay clip dựng phim, vận động tham quan truyền giáo các giáo điểm…

 

IV. "Hãy ra đi": HÀNH TRANG LÊN ĐƯỜNG

Trong Sứ điệp Truyền giáo, ĐTC gởi đến toàn Dân Chúa lời khởi động truyền giáo, chính là lệnh truyền của Chủ Tiệc "Hãy ra đi". Khi sai các tông đồ lên đường làm nhân chứng, Chúa Giêsu không ban gì khác ngoài Thánh Thần. Vì thế, Chúa Thánh Thần là nhân tố chính, vẫn trợ lực và hướng dẫn công cuộc loan báo Tin Mừng của GH từ ngày Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc ân cho các tông đồ và các môn đệ trong sứ vụ truyền giáo. Ba đặc ân nổi bật, Ngài ban cho cả người rao giảng lẫn người đón nhận Tin Mừng là:

1. Lòng Nhiệt thành

Như ngọn lửa Thánh Thần đậu trên đầu các tông đồ, lòng Nhiệt thành Tin Mừng là ân ban đầu tiên của Chúa Thánh Thần. Nhiệt thành là ngọn lửa nội tâm khơi dậy hành động, thúc bách vượt qua khó khăn, để đạt tới mục tiêu. Ơn được ban qua chính hoạt động tông đồ, giúp người môn đệ truyền giáo càng dấn thân thì càng hăng say. Buổi đầu còn rụt rè và do dự; dần dần thành quen thuộc và tích cực; lúc nào đó sẽ hết mình gắn bó và "sống chết" với sứ vụ. Thanh củi được đặt vào bếp hồng, sẽ dần cháy, mỗi lúc một nóng và sáng hơn, đến hao mòn.

Lòng nhiệt thành không chỉ ban riêng cho người tông đồ, nhưng còn ban cho người quanh cận có liên hệ. Sự hăng say của người này sẽ lây lan và tỏa sáng đến người khác. Một mục tử trọn tình với Tin Mừng sẽ lôi cuốn các cộng tác viên mau dõi bước dấn thân. Bên cạnh người tông đồ nhiệt tình trên cánh đồng, các bạn hữu dễ đồng tình chung tay gặt hái. Và niềm hăng say nơi các môn đồ truyền giáo sẽ thúc bách nhiều lương dân sốt mến đi tìm Chúa.

2. Ơn Khôn ngoan:

Ơn Khôn ngoan, Chúa ban theo nỗ lực cá nhân của mỗi người, là cố gắng suy nghĩ, làm việc, tìm giải pháp trước vấn nạn. Khôn ngoan sẽ giúp phán đoán và hành động sáng suốt, dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm từng trải, nhờ đó sẽ đạt được kết quả tốt đẹp hơn.

Ơn khôn ngoan thường thể hiện qua 3 hình thái:

  • Ứng biến: khả năng linh hoạt, nhanh chóng thích nghi và hành động phù hợp, ứng phó mau lẹ, chính xác và hiệu quả trước một vấn đề đột xuất.
  • Cải tiến: biết nâng cao chất lượng hoặc tối ưu hóa một sản phẩm, một phương thức, hoặc hiện trạng, để đạt được hiệu quả tốt hơn; biết đổi mới một sự việc đã cũ thành mới mẻ hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn.
  • Sáng kiến: khả năng đưa ra ý tưởng mới để giải quyết vấn đề hoặc cải thiện tình hình, phát kiến ra một điều mới lạ. Ví dụ: vận dụng lương dân làm tông đồ. mời lương dân khác tới nhà thờ.

3. Ơn Biến đổi:

Các Tông đồ của Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần biến đổi cách rõ rệt, từ những người tầm thường và nhát đảm, thành những chứng nhân can đảm phi thường. Sự kiện bao người lãnh nhận phép Rửa ngày Lễ Ngũ Tuần năm xưa cho thấy, không chỉ các Tông đồ, mà cả lương dân cũng được biến đổi. Người loan báo lẫn người đón nhận Tin Mừng đều tràn đầy ơn Thánh Thần.

Ơn Biến đổi tuy âm thầm, nhưng hữu hiệu, làm nên những thay đổi sâu sắc nơi tâm hồn và cả cuộc đời, giúp mỗi lúc nên hoàn thiện giống Chúa Kitô hơn. Sau thời gian sinh hoạt với giáo điểm, nhiều lương dân cũng như chính các giáo lý viên đã được biến đổi: nhát đảm → can đảm, chậm chạp → năng động, buồn phiền → vui tươi, bi quan tiêu cực → hăng hái tích cực, yếu đau → mạnh khoẻ, vụ lợi → quảng đại... Chính sự biến đổi này cải hóa tội nhân thành thánh nhân, đặc biệt nơi những ai tích cực cộng tác với ơn Chúa.

 

Kết luận:

Khánh Nhật Truyền giáo là cơ hội may mắn để chúng ta suy nghĩ lại đường hướng truyền giáo, một vấn đề sống-còn của Giáo Hội, để có những hành động thức thời và đúng lúc.

Và chủ đề của Sứ điệp năm nay “Hãy đi và mời gọi mọi người vào dự tiệc” nhắc nhớ cũng như hướng dẫn chúng ta bốn nét quan trọng của công cuộc truyền giảng Phúc Âm:

- Định hướng loan báo Tin Mừng, đó là Bác ái truyền giáo

- Đối tượng trong công cuộc truyền giáo: phải ưu tiên Lương dân và Người nghèo

- Những hoạt động tông đồ: cần mở rộng biên giới dấn thân và đối tượng hợp tác

- Hành trang lên đường làm nhân chứng: với ơn Chúa Thánh Thần,
        đặc biệt là ơn Nhiệt thành - Khôn ngoan - và Biến đổi.

Qua dụ ngôn Bữa Tiệc, hoài bảo loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu thật lớn lao và sâu thẳm, lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô cũng thật tha thiết và thúc bách. Nào chúng ta cùng lên đường mời mọi người vào bàn tiệc yêu thương của Chúa !

 

Lm. GB. Trương Thành Công
<congcantho@gmail.com>