BÀI TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TRUYỀN GIÁO

TẠI GIÁO XỨ RẠCH VỌP, GIÁO PHẬN CẦN THƠ

 

 Đôi dòng lịch sử

Nhà thờ Giáo xứ Rạch Vọp, Giáo phận Cần Thơ được thành lập năm 1943, với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.  

Xứ Rạch Vọp thuộc ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Cha Chánh xứ hiện nay là cha G.B. Trương Thành Công, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ, Việt Nam, ngài nhận xứ từ tháng 7 năm 2016 đến nay, với số giáo dân hiện nay là: 750 người.

Lý do chọn thăm giáo xứ Rạch Vọp

Trước khi kết thúc khóa học Mục Vụ Truyền Giáo, tại Học Viện Công Giáo Việt Nam. Chúng tôi được Học viện cho đi trải nghiệm thực tế truyền giáo hai ngày 26 & 27 thánh 01 năm 2024, tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp, giáo phận Cần Thơ, do cha Gioan Baotixita Trương Thành Công phụ trách.

Những sáng kiến của cha G.B Trương Thành Công

Sau giờ ăn tối, giáo điểm có giờ đọc kinh online. Đây là một sáng kiến mục vụ rất hay. Bởi buổi tối tại miền sông nước, giáo dân khó có thể đến nhà thờ đọc kinh nên cha sở soạn trước và các thầy, các sơ đọc chung khoảng 15 - 20 phút. Cuối cùng là phép lành chúc ngủ ngon.

Đi đón giáo dân và lương dân đến tham dự lễ Chúa Nhật. Đây thật là một việc rất mới mà tôi thấy, đó là dâng lễ cho người lương dân.

Trước thánh lễ, tất cả mọi người tập trung tại nhà thờ để nghe giáo lý từ cha sở. Ngài cắt nghĩa từng ly từng tý một. Thật là hiếm có. Ngài cũng dạy cho họ về lòng biết ơn bởi mỗi người lương dân đi lễ đều được nhận một phần quà nhỏ là 5 kg gạo. Gạo này đều do các ân nhân tài trợ.

Quả thật, một nhà truyền giáo phải là người say mê Chúa Giêsu và làm theo cách của Ngài. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đi hết làng này đến làng khác để làm cho họ trở thành môn đệ của Người. Có lẽ cha sở G.B cũng đã đang học theo cách mà Chúa Giêsu đã làm cho dân chúng, đó là: ăn – học – nuôi dưỡng.

Trong thánh lễ, cha G.B đã chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật 4 thường niên với chủ đề Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người giảng dạy như Đấng có Uy quyền và người ta lên án Chúa Giêsu. Để làm sáng tỏ điều đó, ngài vừa giảng vừa đặt những câu hỏi và áp dụng rất thực tế trong cuộc sống.

Có lẽ giáo điểm Rạch Vọp là một trong ít nơi đã thực hiện Sắc Lệnh quan trọng này. Đó là đến với lương dân (ad gentes): Đức giáo hoàng Phanxicô còn nói mạnh hơn là truyền giáo cho người lương dân (missio ad gentes) phải là hướng đi của Giáo Hội.

Trong công cuộc truyền giáo Thiên Chúa là chủ sai và lương dân là đối tượng để các nhà truyền giáo rao giảng. Chính vì vậy, cha G.B đã có nhiều cộng tác viên truyền lửa cùng ngài và làm nên một phong trào missio ad gentes.

Cha xứ G.B luôn dạy cho người lương dân tin vào Chúa Giêsu là lương y qua câu: “Lạy Chúa Giêsu là Lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”.

Dạy giáo lý cho người lương dân không chỉ đòi hỏi về trình độ giáo lý mà còn cả tâm lý nữa.

Ngài đã thu phục được đội ngũ giảng dạy, trong đó có cha phó Phêrô Nguyễn Văn Tuấn người gốc miền Nam, chịu chức 6 năm, hai sơ dòng Phaolô, đó là sơ Anna Nguyễn Thị Lệ Xuân và sơ Maria Văn Hoàng Anh Thư và anh chị em giáo lý viên từ thành phố Cần Thơ cách đó 30 cây số.

Cha G.B quan niệm rằng dạy giáo lý có thể cho học Kinh. Học từng câu một theo đoạn. Kinh là giáo lý tóm tắt, dễ thuộc. Rất sâu sắc và cần thiết.

Tổng số các lớp tại giáo xứ Rạch Vọp như sau:

1. Bồi Dưỡng

2. Tân Tòng

3. Dự Tòng

4. Khai Tâm

5. Muốn Làm Quen

6. Đến Mà Xem 1

7. Đến Mà Xem 2

8. Thiếu Nhi 1

9. Thiếu Nhi 2

10. Thiếu Niên

11. Tráng Niên

Khi bà con đã được các ghe thuyền đưa lại về nhà. Cha sở, cha phó và các cộng sự viên bắt đầu chầu Chúa Giêsu Thánh Thể (khoảng 15 phút) để tạ ơn Chúa và xin lỗi về những thiếu sót trong khi phục vụ. Dấn thân không tìm ân thưởng. Yêu thương chẳng quản ngại nhọc nhằn.

Một sáng kiến nữa của cha G.B đó là: trong khuôn viên nhà thờ có gian hàng không đồng (0đ) phục vụ người nghèo, trong gian hàng đó ghi những hàng chữ rất hay: “Ai có đến cho. Ai cần đến nhận”. “Thực thi bác ái là loan báo Tin Mừng”. “Chỉ nhận vừa đúng nhu cầu. Đừng tham lam kẻo mãi nghèo. Cho thì có phúc hơn là nhận. Hãy cho theo lòng quảng đại”. Đây là cách giáo dục rất cao về tinh thần bác ái yêu thương.

Cảm nghiệm về giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp.

1/ Chinh phục lòng người bằng con đường phục vụ:

a/ Tinh thần phục vụ:

Tinh thần phục vụ rất quan trọng trong việc tiếp cận với dân, đặc biệt là những người lương dân. Họ rất ngại chúng ta vì một lý do nào đó, chẳng hạn họ sợ chúng ta chiêu dụ họ vào đạo Công Giáo mà bỏ đạo Phật hay bỏ đạo Ông bà... Đây là một thực tế mà con đã gặp khi tiếp xúc với những người lương dân. Để họ có thể hiểu được một chút về đạo Công giáo chúng ta, chúng ta cần có một nghệ thuật khi tiếp cận họ, chẳng hạn như sự cởi mở vui tươi, đơn sơ chân thành, đặc biệt là tình thương yêu cụ thể mà con đã cảm nhận được nơi cha sở cùng những người phục vụ.

Tinh thần nhiệt huyết phục vụ nơi cha sở tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp, ngài đã phục vụ bằng cả con tim, tình thương yêu, sự khiêm tốn, giản dị và vui tươi. Con cảm thấy ngài đã thực hành đúng như lời thánh bổn mạng của ngài Gioan.B “Chúa phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.  

b/ Chia sẻ tình thương cho người nghèo:

Cha Gioan.B đã dành hết thời gian, sức lực và sức khỏe cho người nghèo, cho những người lương dân bằng con đường hy sinh phục vụ. Ngài luôn luôn bận tâm, lo lắng về người nghèo, ngài cho họ như là đối tượng cần để phục vụ, để trao ban tình thương của Chúa qua bàn tay của ngài và những người cộng tác với ngài. Với ngài không có sự ngăn cách của người nghèo. Qua sự gặp gỡ con nhận thấy ngài xác tín rằng Thiên Chúa đang ngự trong người nghèo, sự phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa. Ngài phục vụ người nghèo là bày tỏ tình yêu mến Chúa và đưa Chúa đến với họ. Ngài phục vụ người nghèo không phải là kiểu bố thí ban ơn, nhưng là một sự quan tâm chia sẻ, kính trọng, đầy yêu thương chân thành.

2/ Nuôi dưỡng người ngoại giáo bằng Lời Chúa:

a/ Chia sẻ Lời Chúa:

Cha đã sống Lời Chúa mỗi ngày và khao khát về Chúa. Việc yêu mến Lời Chúa đã đưa ngài đến yêu mến người nghèo. Ngài đã nhận thấy hình ảnh Thiên chúa qua thân phận người nghèo. Tin thật Thiên chúa đang ở trong những người nghèo. Vì yêu mến người nghèo, ngài đã tự nguyện dấn thân cho người nghèo. Ngài đã nuôi dưỡng những người lương dân bằng Lời Chúa qua mỗi Thánh Lễ, ngài chia sẻ thật đơn sơ, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và cũng dễ thực hành. Chính Lời Chúa đã đánh động và đi vào tâm hồn họ. Ngoài cơm bánh vật chất thân xác, ngài còn cho họ của ăn tinh thần linh hồn đó là Lời Chúa. Nhờ sống Lời Chúa mỗi ngày họ được Thiên Chúa biến đổi và trở nên sống ngày tốt hơn.

b/ bằng kinh nguyện:

Ngoài việc họ đọc Lời Chúa mỗi ngày, Ngài còn dạy cho họ đọc kinh, chẳng hạn như những kinh (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…) là những việc đạo đức bình dân. Công thức mà cha sở áp dụng là: được lập đi lập lại nhiều lần những lời Kinh. Đây là một phương pháp rất hay, mà chính bản thân con ngày xưa cũng đã được các cha cố dạy như thế, cách học thuộc lòng nhớ rất lâu, cách này không những cho người trẻ mà cũng còn rất hữu ích cho những người lớn tuổi cũng như những người không biết chữ.

c/ bằng bài hát Thánh ca:

Trong Thánh Lễ những bài thánh ca quen thuộc được hát lên và ngài cũng dùng kiểu cách là hát lập đi lập lại nhiều lần qua những đoạn bài hát, giúp người lương dân thuộc lòng bài hát và đi vào tâm hồn họ, để họ có thể chúc tụng ngượi khen Thiên Chúa. Nhận định:

Đối với bản thân con, con thấy cách làm của cha Gioan.B Trương Thành Công tại giáo xứ Rạch Vọp đáng để cho những ai có tinh thần truyền giáo học hỏi. Cụ thể bản thân con sau này được đặt ở một nơi truyền giáo nào đó, con sẽ cố gắng hết sức có thể để quy tụ anh chị em lương dân như mầu cha G.B đã làm tai Rạch Vop. Hơn nữa việc chia sẻ Lời Chúa rất quan trọng, vì chính Lời Chúa thúc đẩy những người lương dân sống tốt hơn, sống biết bác ái yêu thương nhau hơn… và một khi họ đã được Lời Chúa mời gọi thì Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt họ đến với Ngài.

Vinh sơn TRƯƠNG VĂN TRIỀU

Hội Thừa Sai Việt Nam