KINH NGHIỆM THỰC TẾ

 “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con trú ẩn, là đồn lũy trở che, con tin tưởng nơi Ngài”  (Tv 91,2) 

Đó là điều vang vọng trong tâm trí tôi luôn mãi sau chuyến kinh nghiệm thực tế truyền  giáo tại giáo điểm Rạch Vọp vào ngày 27/1 – 28/1/2024 thuộc Giáo Phận Cần Thơ, do  cha Gioan Baotixita Trương Thành Công làm cha sở. Tôi cảm nghiệm rằng khi con người  có Chúa và kinh nghiệm về Chúa, mọi sự Chúa sẽ ra tay, bênh đỡ và giữ gìn. Đúng như  vậy, giáo điểm Rạch Vọp là một nơi sâu và xa thành phố không náo động và nhộn nhịp, nhưng chan chứa một cảm giác bình yên của một vùng quê yên ả. Vừa bước xuống xe một  bầu không khí trong lành, mát mẻ ập vào mặt tôi, khiến tôi không thể bước tiếp mà phải  dừng lại hít một hơi thật sâu để cảm nhận luồng không khí ấy len lỏi vào từng ngóc ngách  của con người tôi. Tôi thả hồn mình lâng lâng theo sự yên ả ấy mà dường như chẳng muốn  lìa xa nó. Tôi tự hỏi: Với bầu không khí trong lành và sự bình yên này, có lẽ con người  nơi đây cũng sẽ ấm áp, hòa nhã và thân thiện lắm nhỉ? Những gì tôi đang miên man suy  nghĩ bỗng xuất hiện cách rõ ràng hơn. Một người mảnh khảnh, cao cao với một nụ cười  giòn giã vang lên, giọng nói ấm áp, cử chỉ hòa nhã, chân tình ra chào và đón tiếp chúng  tôi. À thì ra đó chính là cha sở hay còn được bà con vùng sông nước này gọi với một cái  tên gần gũi là “Ông Cố”. Chính cha cũng là người đang thổi luồng sinh khí của Thiên  Chúa đến với bà con nơi đây, không những thế còn đến với bà con lương dân. 

Dòng suy nghĩ và những tư tưởng của tôi cứ mãi trôi theo dòng nước của con kênh Rạch  Vọp. Thật là khó diễn tả cảm xúc trong tôi, tôi chỉ có thể thốt lên rằng: “Muôn ngàn đời  Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Lòng ngưỡng mộ sâu sắc của tôi dành cho Cha sở,  Cha phó, Quý Sơ dòng Phaolô, và những cộng tác viên ở nơi đây. Tôi thấy lấp ló trong  những con người đó bóng dáng của một Giêsu quảng đại, bao dung, và đầy nhiệt tâm. Họ đúng là một con người có Chúa và kinh nghiệm về Chúa trong cuộc đời của họ. Họ sống  và rao giảng một Thiên Chúa rất chân thực: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm  thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một  Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và  dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái  hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.”  (1Cr 1, 22-24). Vì Chúa họ đã sống như điều thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philiphê: “Tất  cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hiệp với  Người.” (Pl 3, 7-9). 

Họ trở nên một tấm gương phản chiếu cho bà con lương dân về hình ảnh của một Thiên  Chúa yêu thương, họ đã truyền lại kinh nghiệm về Chúa cho bà con. Thế là từng ngày  từng ngày bà con lương dân dần dần nhận biết Đức Kitô, và mọi người dần dần kết hiệp  với Đức Kitô và hiểu biết về Người. Thật vậy, sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa không  thể thiếu trong đường hướng truyền giáo ở nơi đây của Cha sở: “Cha của anh em, Đấng  ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14).  Tôi cảm nghiệm sâu sắc điều ấy qua việc giáo dục đức tin cho bà con lương dân ở họ đạo  này, với một sự nhận biết Thiên Chúa cách tiệm tiến. Cha đã áp dụng nhiều phương pháp  để cho bà con biết Chúa, hiểu Chúa và cảm nghiệm về Chúa trong cuộc đời của họ. Tôi  tin chắc rằng Chúa đang ở với họ, ở giữa họ, Chúa nhìn, an ủi và chúc lành họ cũng như  Ngài thêm sức cho họ nhiều thật nhiều. Qua những giờ cầu nguyện chung online thật ý  nghĩa đã nối kết mọi người gặp gỡ Thiên Chúa. Họ cùng nhau tôn vinh, chúc tụng, tạ ơn  Người. Không những thế mọi người cùng nhau nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình  cách chân thực. Vì “ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy”  (Mt 18,20). 

Tình yêu với mọi người đặc biệt những người nghèo đói, tật nguyền, yếu đuối chung  quanh Đức Kitô, và Người đón nhận tất cả với một trái tim dịu hiền để cảm thông, chia sẻ trong những khó khăn và đau khổ của họ để thông ban cho họ tình yêu của Chúa Cha qua  tình yêu “chạnh lòng thương” của Người (x. Mt 9,36; 14,14). Những điều này cũng được  thể hiện rõ nét ở giáo điểm Rạch Vọp với các tủ thuốc, những bữa ăn nhẹ, đạm bạc nhưng  đầy nét duyên dáng của vùng miệt vườn sông nước. Cũng qua những cử chỉ thân thiện, nụ cười rạng rỡ, vui vẻ cộng với một trái tim ấm áp, rộng mở Cha sở, Cha phó, Quý Sơ và  các cộng tác viên đã đụng chạm đến trái tim của bà con nơi đây. 

Khát khao làm cho Đức Kitô được nhận biết cũng được các cha nơi đây vun trồng. Một  kinh nghiệm nữa đang chờ đón chúng tôi vào sáng sớm ngày mai làm chúng tôi ai nấy  đều rất hào hứng và chờ đợi. Thế là một ngày mới đã tới, chúng tôi thức dậy từ sớm mọi  người ai nấy đều đọc giờ kinh sáng để kín múc nguồn ân sủng cũng như nguồn sức mạnh  nơi Thiên Chúa. Sau đó chúng tôi xuất phát lên ghe đi rước bà con. Tôi đi trên chiếc ghe  không có mái trong bầu trời tối om om với những hàng dừa nước xung quanh. Chiếc ghe  cứ lướt lướt trên con kênh Rạch Vọp với cái lạnh và những hạt nước tí ti bắn lên từ mũi  ghe khiến tôi có cảm giác khoan khoái. Chiếc ghe cứ chạy mãi chạy mãi cứ như chạy sao  để đuổi ánh bình minh lên để cho thấy kỳ công của Chúa đẹp ra sao tại nơi này. Chạy mãi  chạy mãi tôi dần dần thấy từ chân trời những tia nắng bắt đầu xuất hiện, con kênh trở nên  đẹp hơn, lung linh hơn. Tôi mon men lại chỗ bác lái ghe hỏi vài câu thăm hỏi, Bác tên là  Hào với thân hình mảnh khảnh, nét mặt lúc nào cũng rạng rỡ. Bác nói chuyện nghe chân  tình và thân thiện lắm. Bác lái ghe đi rước bà con từ khi giáo điểm thành lập. Tôi hỏi bác: “Bác lái ghe đưa rước bà con đi lễ bác thấy thế nào?”. Bác đáp: “Vui chứ”. Sao bác lại  vui? Tôi lại hỏi. Bác nở một nụ cười thật tươi: “thì bà con được tới với Chúa”. Câu trả lời  chân chất thật, mang đậm chất của dân miền Tây. Bác còn cho tôi biết thêm: “bà con đi ra  chỗ tập kết để lên ghe xa lắm á cô, họ đi cả mấy cây số mới tới đó”. Trên gương mặt của  bác tôi thấy hiện lên một tình yêu mến dành cho bà còn ở nơi đây mà hàng tuần bác đều  đưa rước. Tôi thinh lặng một xíu vì tôi nghĩ đến lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô  Assisi: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Bác đã sống được  điều ấy, bác vẫn cứ cặm cụi và miệt mài làm máng chuyển thông để bà con đến với Chúa.  Tôi thấy hạnh phúc thật vì vẫn còn những con người nhiệt tâm vì nhà Chúa (x. Ga 2,17).  Tôi hiểu ra rằng Đức Kitô đích thực là sự sống của thế giới và là Đấng cứu độ nhân loại.  “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh  nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”  (Cv 4,12). Từ xác tín này tôi thấy những con người nơi đây muốn làm tất cả những gì có  thể làm được, và sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau cũng như thiệt thòi để chia sẻ niềm vui  về sự gặp gỡ nguồn mạch của cuộc sống, mong cho bà con sớm nhận biết Đức Kitô là  Đấng Cứu Độ. Tôi thấy mọi người trong họ đạo mời gọi bà con đón nhận Thiên Chúa và  đón nhận Người và sống tình hiệp thông thâm sâu với Người trong thực tế của cuộc sống. Chiếc ghe của chúng tôi cũng dần đến điểm tập kết, và tôi thấy đâu đó lấp ló bóng dáng  của bà con đang đợi ghe. Chiếc ghe tấp vào bờ, từng người từng người bước lên ghe với  nụ cười nở trên môi chào hỏi nhau vui vẻ, tíu tít. Nhìn họ tôi hình dung ngay lập tức dụ ngôn Chúa hóa bánh ra nuôi đám đông dân chúng, vì Người nhìn họ đang đói và không  có người chăm sóc (x. Ga 6, 1-15). Nước mắt tôi muốn tuôn ra khỏi khóe mắt của tôi  nhưng tôi vội chụp lại và nuốt ngược vào trong tim tôi. Chính lúc ấy, tôi nghe như tiếng  Chúa nói với tôi: “Con hãy cho họ ăn đi”. Nhưng tôi lấy gì cho họ ăn đây? Lòng tôi lại  thổn thức vì ước mơ truyền giáo tôi cũng đã ấp ủ lâu trong lòng nhưng tôi vẫn còn chưa  đủ tự tin để thể hiện. Tôi chợt nói với Chúa: “Chúa ơi! Để con thử làm nha”. Tôi thấy  được Chúa đã đụng chạm đến bà con nơi đây, và tôi gọi đó là cái đụng chạm “thần linh”.  Tôi không thể nào tưởng tượng được đây toàn là bà con lương dân, không có nét nào để nói lên điều đó. Họ đụng chạm và hiểu lời Chúa rất tốt, rất chuẩn. Họ được lời Chúa tác  động vì thế qua cung cách họ thể hiện toát lên vẻ hiếu hòa. Tôi hỏi bà con đi lễ thấy sao?  Xa vậy sao mà chịu khó đi vậy? Họ vui vẻ trả lời: “không đi thấy thiếu thiếu sao á”.  

Tôi thầm tạ ơn Chúa vì Người đã đụng chạm đến vị cha sở nơi đây lòng khao khát làm  cho bà con lương dân biết Chúa. Và tôi cũng ước mong Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều  vị mục tử có tấm lòng khao khát dấn thân, quảng đại, hi sinh cho cánh đồng truyền giáo  nhiều hơn nữa. Để qua đó, nhiều người sẽ nhận biết Chúa và có kinh nghiệm về Chúa  nhiều hơn. Hơn thế nữa, sự cộng tác của các dòng tu nam nữ và những cộng tác viên nhiệt  thành sẽ tạo nên sự thay đổi trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn, mênh mông. Tôi ước  mong mọi người đều trong phương thế sẵn sàng ra đi, mang theo lời Chúa đến với mọi  người. Xin Chúa cũng đặt trong tâm thức của mọi người: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,38). Để họ có thể đi  làm trên cánh đồng bao la của Chúa với lòng tận tụy và trái tim rộng mở. Về phần tôi, tôi  cũng khao khát mình có thể trở nên một khí cụ nhỏ bé trong bàn tay của Thiên Chúa để Chúa sử dụng tôi cho mục đích tốt đẹp của Người. Tôi cũng tự nhủ với bản thân hãy luôn  đốt lên ngọn lửa truyền giáo nhiệt huyết của tôi vì tôi tin tưởng rằng làm thợ thì đáng được  trả công (x. Lc 10,7). 

Nữ tu Teresa PHAN THỊ NGỌC THẢO

Dòng Nữ Truyền Giáo Phanxicô Assisi