THĂM GIÁO XỨ TRUYỀN GIÁO RẠCH VỌP

 

Phần I: Dẫn nhập

Đôi dòng lược sử 

Rạch Vọp là gì? Rạch là con kênh nhỏ. Vọp là một loài vật nhuyễn thể và thường sống thành bầy ở các khu đất rừng ngập mặn. Vì thế, Rạch Vọp là rạch nhỏ có nhiều con Vọp sống thành bầy. 

Người thành lập: cha Keller vì cha đã cứu sống 6 người bị Tây bắt. Khi được tha, họ đã trở lại đạo Công giáo và lập nên giáo họ Rạch Vọp năm 1932. 

Ngày 27.04.2004, Đức giám mục Emmanuel giám mục Cần Thơ chủ sự đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Rạch Vọp. 

Ngày 03.05.2005, Đức giám mục Emmanuel đến chủ sự thánh lễ tạ ơn và cung hiến nhà thờ Rạch Vọp. 

Lý do chọn thăm giáo xứ Rạch Vọp 

Trước khi kết thúc khóa học, chúng tôi thực hiện chuyến thăm mục vụ truyền giáo tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp, giáo phận Cần Thơ, do cha Gioan Baotixita Trương Thành Công phụ trách. Ngài đã về truyền giáo nơi đây được 8 năm rồi và đã gặt hái được nhiều thành công. Cách đây ít ngày, Học viện cũng mời cha đến nói chuyện về kinh nghiệm truyền giáo. Cha mời lớp thăm giáo xứ như là thực tế mục vụ. Vậy là nhà trường, lớp học và cha Gioan Baotixita lên lịch và chuyến thăm được thực hiện vào hai ngày 26-27.01.2024 (thứ Bảy và Chúa Nhật).  

Phần II: Ký sự 

Đúng13g00, thứ Bảy xe chúng tôi xuất phát từ Học viện Công Giáo. Có hơn 10 người trên xe vì mỗi người một nơi và xe đón trên đường. Điểm đón tiếp theo là ngã ba An Nhơn và nhà thờ Gò Mây. Đoạn đường khoảng 250 cây số. Dự kiến đi 5 tiếng. Chiếc xe 30 chỗ khá sạch, mới và có tượng Đức Mẹ. Chắc chắn đây là xe của người Công Giáo rồi. Mặc dù, anh tài xế không phải người Công Giáo nhưng điềm đạm và lịch thiệp.  

Khi đón hết mọi người tại những địa điểm như đã hẹn, chúng tôi vừa đọc Kinh Trưa và vừa hát cùng nhau. Hát bài Đạo. Hát bài đời. Hát về quê hương đất nước. Hát về mùa Xuân. Hát về tình yêu quê hương đất nước. Thật là vui! Chúng tôi cũng không quên đọc kinh Chiều và cầu nguyện cho chuyến thăm mục vụ truyền giáo này được đúng ý của nhà trường đề ra.  

Thật hạnh phúc khi đọc kinh Trưa xong tôi nhận được tin vui, đó là nhà in cho biết sách Nhật Ký Giáng Sinh của tôi đã in hoàn chỉnh. Tôi gọi ngay cho người nhận dùm và gửi vào miền Nam một thùng để làm quà cho giáo sư và học viên của Lớp Mục vụ Truyền giáo. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì đã thương con từ khi có ý tưởng, rồi viết ra, tới biên tập, rồi sửa chữa, tới làm bìa, rồi xin giấy phép, cuối cùng là xuất bản. Nhân đây, con lại xin thêm cho con viết, biên tập, ân nhân giúp đỡ, rồi xuất bản cuốn Nhật Ký Camêlô, ghi chép lại một tháng đi học khóa Mục vụ Truyền giáo này mà chuyến thăm Mục vụ này cũng nằm trong chương trình ghi chép.  

Đúng như câu Thánh Vịnh nói: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127). Lạy Chúa, con luôn tin rằng con đang là dụng cụ của Chúa. Ngài mới là tác giả thật của các cuốn sách con viết ra. Cũng như các thánh sử viết ra các cuốn Tin Mừng nhưng Chúa mới thực sự ẩn sâu và là tác giả những cuốn đó.  

Khi tới thành phố Cần Thơ, chúng tôi dừng lại đón cha Gioan Baotixita Vũ Quốc Đạt, một trong những thành viên trong lớp. Ngài có việc nên không đồng hành với lớp từ đầu. Chúng tôi nghỉ ngơi uống nước và không quên check – in cùng nhau tại thành phố Tây Đô này. Người ta từng nói: "Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.  

Khi đến nơi, cha và giáo xứ đón tiếp nồng hậu theo phong cách miền Tây. Cha Ga B Trương Thành Công nói: “Mỗi năm chúng con có khoảng 800 – 1.000 người đến thăm nhưng đây là đoàn đặc biệt nhất từ xưa đến nay. Các học viên tại Học viện Công Giáo, nơi đào đạo các nhà trí thức, nhà truyền giáo”. Vì thế, cha Ga.B mong muốn, sau những ngày thăm mục vụ, mỗi người viết một bài về giáo điểm truyền giáo này. Các cha, các thầy, các sơ có thể viết theo nhiều thể loại để làm sao cho công cuộc loan báo Tin Mừng đầy tràn sức sống. Xin mỗi người hãy thả hồn vào việc loan báo Tin Mừng để quê hương đất nước chúng ta bùng nổ về truyền giáo. Đúng như Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Lòng bừng cháy chân bước nhanh”.  

Sau giờ ăn tối, giáo điểm có giờ đọc kinh online. Đây là một sáng kiến mục vụ rất hay. Bởi buổi tối tại miền sông nước, giáo dân khó có thể đến nhà thờ đọc kinh nên cha sở soạn trước và các thầy, các sơ đọc chung khoảng 15 - 20 phút. Cuối cùng là phép lành chúc ngủ ngon. 

Cuối cùng, mỗi người tự do trao đổi và tìm hiểu hay ngủ đêm. Phần tôi, vì chẳng mấy khi đã được đến đây, tôi gặp gỡ hết người này đến người khác để tìm hiểu. Tôi cũng gặp gỡ các cộng tác viên của ngài, trong đó có các sơ Saint Paul. Vào đêm khuya, tôi ngồi bên dòng sông Hậu suy nghĩ về nhân tình thế thái, suy nghĩ về tình Chúa tình người. Càng suy nghĩ tôi lại càng thấm câu nói của Chúa Giêsu: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến" (Lc 4,42). 

Nhờ chuyến đi này mà tôi như được mở rộng thêm tầm nhìn. Lòng nhiệt thành như được tăng thêm. Người đời thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chính vì sự biết ơn này, tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ bình an. 

Sáng hôm sau theo lịch, 06g00 chúng tôi lên thuyền đi đón những người lương dân đến dự lễ. Tôi quan sát có ba thuyền và hai chiếc xe khởi hành. Đi đón giáo dân hay lương dân đến dự lễ thì không có gì lạ nhưng đón bằng thuyền trên sông đối tôi là điều mới mẻ. Nhiều ông bà lớn tuổi và các cháu thiếu nhi đã đứng đợi ở bờ sông cả tiếng đồng hồ. Có người thì đi nhà thờ được 5 năm nhưng cũng có những người mới được vài tuần nay.  

Chẳng mấy chốc mà các thuyền, các xe đã chở người về đầy sân nhà xứ. Tôi đếm được 7 trạm dừng và khoảng cách gần 15 cây số. Cha xứ và các cộng tác viên cho ăn sáng. Cả chúng tôi nữa, ăn sáng cùng mọi người. Người miền Tây rất đơn giản nên ăn uống cũng giản đơn như vậy. Mỗi người một khúc bánh mỳ. Ai muốn uống nước thì lấy từ các bình để xung quanh sân. 

Cha Ga B cho biết giáo điểm có nhiều cái nhất: nhà thờ nhiều cửa nhất, nhà xứ nhiều nhà vệ sinh nhất. 

Ăn xong, tất cả đều tập trung tại nhà thờ để nghe giáo lý từ cha sở. Ngài cắt nghĩa từng ly từng tý một. Thật là hiếm có. Ngài cũng dạy cho họ về lòng biết ơn bởi mỗi người lương dân đi lễ đều được chấm công. Cuối tháng, ai đi lễ đầy đủ thì nhận 5kg gạo. Ai đi không đầy đủ sẽ chỉ nhận được 3kg gạo mà thôi. Gạo này đều do các ân nhân tài trợ. Chính vì vậy, tôi thấy mỗi người đi nhà thờ mang theo một đùm nhỏ hoa quả (trái cây) rồi để lên bàn nhỏ trên cung thánh. 

Quả thật, một nhà truyền giáo phải là người say mê Chúa Giêsu và làm theo cách của Ngài. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đi hết làng này đến làng khác để làm cho họ trở thành môn đệ của Người. Phải như thế cha Ga B mới hăng say đến như vậy. Ngài làm theo nguyên lý truyền giáo: ăn - học và nuôi - dạy.  

Nhân dịp này, tôi cũng suy nghĩ nhiều đến công việc truyền (misio). Sau Công đồng Vatican II, có rất nhiều ý kiến trái chiều về truyền giáo. Có người cho rằng việc truyền giáo là phục vụ người nghèo. Có người lại cho rằng việc truyền giáo là đối thoại liên tôn hay hội nhập văn hóa. Cũng có người nói rằng làm bất cứ việc gì cũng là truyền giáo, ngay cả nuôi dạy trẻ. 

Đã đến giờ dâng Thánh lễ lúc 8g00 do cha xứ GB Trương Thành Công chủ tế. Chúng tôi được đồng tế với ngài. Tham dự Thánh lễ còn có khoảng 400 người, trong đó có lớp Mục vụ truyền giáo.  

Vì Thánh lễ cho người lương dân nên cha chủ nhà giảng luôn và người lương dân phục vụ, cả những bài đọc và hát đáp ca. Cũng có nhiều ý kiến về việc này nhưng ngài có lý do riêng của ngài. Chúng ta cần tôn trọng. 

Trong bài giảng, cha GB chia sẻ hai điều là Chúa Giêsu là Đấng thánh, giảng dạy như Đấng có Uy quyền và người ta lên án Chúa Giêsu. Để làm sáng tổ điều đó, ngài cầm micro đi xuống giao lưu với cộng đoàn, vừa giảng vừa đặt những câu hỏi khá sinh động về bài Tin Mừng. Chúa Giêsu trục xuất thần ô uế. Ngày nay, mỗi khi chúng ta nói bậy, nói dối là miệng cũng bị ô uế.  

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,23-24).  

Sau Thánh lễ, cha xứ rao lịch lễ và mời giao lưu. Cha Giuse Nguyễn Văn Thành đại diện lớp chia sẻ một số tâm tình khi được tham dự ngày Chúa Nhật 4 thường niên.  

Tâm tình thứ nhất là tạ ơn Chúa, cám ơn Học viện Công giáo đã tổ chức và quy tụ khóa Mục vụ Truyền giáo để các linh mục, tu sỹ nam nữ từ khắp các giáo phận, dòng tu - đang trực tiếp đi truyền giáo về để trau dồi thêm kiến thức và đường hướng của Giáo Hội.  

Tâm tình thứ hai là cám ơn cha sở, cha phó, quý sơ và những người cộng tác đã quảng đại đón tiếp và cho đoàn có cơ hội tận mắt chứng kiến công cuộcloan báo Tin Mừng cho người lương dân (Ad Gentes) tại giáo xứ Rạch Vọp. Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II gần được 60 năm rồi (1965-2024) mà ít người biết đến. Có lẽ giáo điểm Rạch Vọp là một trong ít nơi đã thực hiện Sắc Lệnh quan trọng này. Đó là đến với lương dân (ad gentes): Đức giáo hoàng Phanxicoo còn nói mạnh hơn là truyền giáo cho người lương dân (missio ad gentes) phải là hướng đi của Giáo Hội.  

Tâm tình thứ ba là trong công cuộc truyền giáo Thiên Chúa là chủ sai và lương dân là đối tượng để các nhà truyền giáo rao giảng. Chính vì vậy, cha GB đã có nhiều cộng tác viên truyền lửa cùng ngài và làm nên một phong trào missio ad gentes. 

Vì thế, ngoài việc tạ ơn Chúa, cám ơn cha xứ, tôi còn phải cám ơn quý ông bà, anh chị em bởi ông bà, anh chị em là đối tượng chúng tôi phục vụ, ngang qua cha Ga.B và giáo xứ Rạch Vọp đây. 

Cha xứ luôn dạy cho người lương dân tin vào Chúa Giêsu là lương y qua câu: “Lạy Chúa Giêsu là Lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”.  

Thầy Tạo, một thành viên trong lớp có lời cám ơn cha xứ, cha phó, các sơ và những người cộng tác, đã tạo điều kiện cho lớp học được hai ngày thực tế đầy thú vị. Hi vọng rằng mô hình này được nhân rộng nhiều nơi. 

Sau đó, cha xứ dẫn đoàn chúng tôi đến thăm mảnh đất mà Toà Giám Mục muốn giáo xứ xây nhà thờ nhưng vì khu nhà thờ hiện tại đã được sửa, mở rộng thêm đất và cảnh đẹp bên bờ sông Hậu nên không có ý định đổi nữa. Cha xứ muốn nhượng lại cho dòng Salidiêng - Con Đức Bà Phù Hộ để lập nhà nội trú cho các em học sinh. Mảnh đất này tại đường quốc lộ 91B tại cây số 31, có mặt tiền dài 100 m và chiều sâu dài 40 m. Mảnh đất vừa tiện lợi giao thông vừa rộng rãi và lại vừa vuông vắn nữa. 

Tiếp theo, ngài dẫn vào thăm 11 lớp giáo lý. Đây là điều tôi rất khâm phục về điều hành nhân sự và phương pháp giảng dạy. Dạy giáo lý cho người lương dân không chỉ đòi hỏi về trình độ giáo lý mà còn cả tâm lý nữa.  

Ngài đã thu phục được đội ngũ giảng dạy, trong đó có cha phó Phêrô Nguyễn Văn Tuấn người gốc miền Nam, chịu chức 6 năm, hai sơ dòng Phaolô, đó là sơ Anna Nguyễn Thị Lệ Xuân và sơ Maria Văn Hoàng Anh Thư và anh chị em giáo lý viên từ thành phố Cần Thơ cách 30 cây số. 

Cha Ga.B quan niệm rằng dạy giáo lý có thể cho học Kinh. Học từng câu một theo đoạn. Kinh là giáo lý tóm tắt. Rất sâu sắc và cần thiết. 

Tổng số các lớp tại giáo xứ Rạch Vọp như sau:

1. Bồi Dưỡng 

    2. Tân Tòng  

    3. Dự Tòng 

    4. Khai Tâm 

    5. Muốn Làm Quen  

    6. Đến Mà Xem 1 

    7. Đến Mà Xem 2 

    8. Thiếu Nhi 1 

    9. Thiếu Nhi 2 

  10. Thiếu Niên 

   11. Tráng Niên  

Sau khi học giáo lý xong, các học viên được nhận quà bằng gạo qua việc đi học của mình. Gạo là nhu cầu thiết yếu để nuôi cuộc sống nên cha Ga.B rất quan tâm đến vấn đề này. Với cả 400 người nhận quà nhưng chỉ phát trong vòng 30 phút là xong.  

Khi mọi việc đã hoàn tất, cha sở, cha phó và các cộng sự viên chầu Chúa Giêsu Thánh Thể 15 phút để tạ ơn Chúa và xin lỗi về những thiếu sót trong khi phục vụ. Dấn thân không tìm ân thưởng. Yêu thương chẳng quản ngại nhọc nhằn. 

Người miền Tây thích nhiều màu nên mọi trang trí đều cần rực rỡ. Trong khuôn viên còn có gian hàng không đồng phục vụ người nghèo có ghi những hàng chữ “Ai có đến cho. Ai cần đến nhận”. “Thực thi bác ái là loan báo Tin Mừng”. “Chỉ nhận vừa đúng nhu cầu. Đừng tham lam kẻo mãi nghèo. Cho thì có phúc hơn là nhận. Hãy cho theo lòng quảng đại”. Đó là cách giáo dục rất cao về tinh thần bác ái. 

Mọi việc đã hoàn tất, cha xứ và giáo xứ đãi chúng tôi một bữa thịnh soạn. Mỗi người đều chọn cho mình một chỗ gần với người lạ để vừa ăn vừa nói chuyện và trao đổi. Bầu khí huynh đệ và yêu thương. Trước khi ra về, cha xứ còn muốn chúng tôi ghi chép và viết về giáo xứ Rạch Vọp với nhiều hình thức khác nhau.  

Tôi nhớ thánh Gioan Tông Đồ xác quyết: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1,1). 

Chúng tôi chia tay cha xứ, cha phó và các cộng tác viên mà nhớ mãi về một linh mục nhiệt thành trong công cuộc đến với lương dân (missio ad gentes) và nhớ tới một giáo xứ truyền giáo năng động. Xin Chúa hoàn tất những gì tốt đẹp nơi nhà truyền giáo được sai tới. 

Chúng tôi ghé thăm Bến Ninh Kiều vì có nhiều người chưa đến. Bến Ninh Kiều là biểu tượng văn hóa của tỉnh Cần Thơ. Tuy nhiên, chúng tôi đến vào buổi trưa nên cảm nhận về vẻ đẹp và văn hóa không nhiều. 

Rời thành phố Cần Thơ, chúng tôi về Sài Gòn vì có nhiều người bận vào buổi tối. Càng về chiều, đường càng đông nên việc đi lại càng phức tạp. Tới Sài Gòn, trời đã tối. Mỗi người đi một ngã. Chúng tôi chia tay nhau và hẹn gặp lại ngày hôm sau tại Học viện. Tạ ơn Chúa đã thương cho hai ngày thực tế muc vụ tại giáo xứ truyền giáo Rạch Vọp được bình an. Xin Chúa tiếp tục thi ân giáng phúc để công cuộc loan báo Tin Mừng được bùng nổ trên quê hương đất nước chúng ta. 

Phần III: Phỏng vấn người trong cuộc

Chúng tôi gồm các linh mục, nam nữ tu sỹ đang học lớp Mục vụ truyền giáo tại Học viện Công giáo trực thuộc HĐGMVN. Trước khi kết thúc khóa học, nhà trường muốn chúng tôi đi thực tế tại một điểm truyền giáo nào đó. Chúng tôi đã chọn giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp, giáo phận Cần Thơ, thuộc cha GB Trương Thành Công phụ trách. Có thể nói đây là một trong những giáo xứ đang thực hiện rất tốt Sắc lệnh Ad Gentes. 

Hiện nay, chúng tôi đã có mặt tại giáo điểm Rạch Vọp, để quý vị hiểu rõ hơn về phương thức truyền giáo của cha Trương Thành Công và các cộng sự viên của ngài, chúng tôi chọn bốn người để phỏng vấn nhanh. 

1. Bạn Huỳnh Thị Huỳnh Như 

- PV: Chào con, nhân dịp đoàn đến thăm giáo xứ Rạch Vọp, cha thấy nhiều người không cùng tôn giáo đến sinh hoạt tại nhà thờ. Vậy con cho cha hỏi, con có phải là người lương dân không? Tại sao con đến nhà thờ? Đến được bao nhiêu năm rồi ? 

- Huỳnh Như: Dạ con chào ông cố! Đa phần lễ Chúa nhật buổi sáng bà con là người lương dân vì ông cố sở ở đây là cha GB. Trương Thành Công truyền giáo bằng cách cho người lương đi truyền giáo, cho người lương đi dắt bà con đến với Chúa nên có nhiều bà con tôn giáo khác lúc đầu đi chỉ vì tò mò, nhưng khi đi lâu thì thấy được nhiều hồng ân của Chúa và con là người lương dân, con được bà ngoại con đưa đến nhà thờ khi còn nhỏ, bà ngoại con cũng là người lương dân. Đến nay con đi nhà thờ được hơn 6 năm rồi ạ.  

- PV: Con tên đầy đủ là gì? Nhà con xa đây không ? Con học lớp mấy ?  

- Huỳnh Như: Thưa cha tên đầy đủ của con là Huỳnh Thị Huỳnh Như. Nhà con cách nhà thờ gần 6 cây số, con hiện đang học lớp 11 ở trường THPT Thiều Văn Chỏi 

- PV: Con học giáo lý đến cấp nào rồi ? Khi nào thì con được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy?

- Huỳnh Như: Lễ sáng Chúa nhật dành cho lương dân thì cha sở họ đạo con chia theo lớp và đang ở lớp Tráng Niên nội dung bài học giáo lý của tụi con sẽ học theo bài Phúc Âm của Chúa nhật ấy. Cha Công họ đạo con chưa rửa tội cho những bạn nhỏ tuổi như con bởi vì khi rửa tội cha sợ khi các bạn tới tuổi kết hôn sẽ có những bạn bị rối hôn phối và còn nhiều điều khác nữa, nên con nghĩ khi con trưởng thành và lúc mà con có thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình thì con mới được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Con xin cám ơn cha đã qua tâm đến chúng con! 

- PV: Cám ơn con nhiều! 

- Huỳnh Như: Con cám cha nhiều đã phỏng vấn con. 

2. Bạn Lâm Tứ 

- PV: Lâm Tứ mến, năm nay con bao nhiêu tuổi rồi? Học lớp mấy? Con đã có tên thánh chưa ? 

- Lâm Tứ: Con chào ông Cố! Con là Lâm Tứ. Năm nay con 15 tuổi ạ. Con học lớp 10. Con chưa có tên thánh bởi con chưa được rửa tội.

- PV: Con chưa được rửa tội mà con đến nhà thờ từ khi nào? Ba mẹ muốn con đến không? Mỗi tuần con đến nhà thờ nhiều lần không ? 

- Lâm Tứ: Con đến nhà thờ từ năm con được năm tuổi. Ba mẹ con muốn con đi nhà thờ. Mỗi tuần con đến nhà thờ từ 3 đến 4 lần, cũng có thể nhiều hơn khi gần đến những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Tết hay Phục Sinh.  

- PV: Con có cảm nghiệm gì về Chúa chưa? Con thấy người Công giáo nơi đây thế nào? 

- Lâm Tứ: Con có cảm nghiệm về Chúa rất nhiều và rất rõ ràng. Con thấy đa số người Công giáo ở đây rất dễ thương; đa số người gia đình Công giáo rất yêu thương nhau và hạnh phúc. Con cũng thấy có những người Công giáo dù nghèo nhưng họ vẫn sốt sắng.  

- PV: Con đã sẵn sàng theo Chúa chưa?

- Lâm Tứ: Dạ con đã sẵn sàng theo Chúa nhưng không phải theo đời sống tu trì mà là theo đời thường của con ạ. 

- PV: Cám ơn con nhiều lắm. Hi vọng một ngày gần nhất đây cha sở sẽ đồng ý rửa tội cho con.

- Lâm Tứ: Dạ con cám ơn Ông Cố . 

3. Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang 

- PV: Cô giáo mến, trong số những thầy cô giáo lý viên đứng lớp hôm nay, tôi thấy cô có gì đặc biệt. Xin cô Trang cho mọi người biết cô tên là gì? Cô đã dạy giáo lý được bao nhiêu năm rồi? Nghề nghiệp của cô là gì mà cô có thời gian dạy giáo lý?  

- Cô Thuỳ Trang: Con xin phép gởi cha một số nét và những cảm nhận của con trong hành trình truyền giáo. Con là Maria Nguyễn Thị Thuỳ Trang, giáo dân họ đạo Chánh Toà Cần Thơ. Con đón nhận bí tích Thêm Sức năm 1994 và dạy giáo lý thiếu nhi tại nhà thờ Chính Tòa được 22 năm. Từ  tháng 7 năm 2016, con xin phép cha Sở đến Rạch Vọp dạy giáo lý cho lương dân, con gắn bó với người lương dân đến giờ. Bên Ngoại con là Phật giáo, nên từ nhỏ con không có đức tin. Chỉ khi lớn lên con mới cảm nghiệm được tình Chúa và đi theo Chúa. Con thấy Chúa tuyệt vời nên con chọn bậc sống độc thân để phục vụ Chúa qua việc giảng dạy giáo lý. Ngoài đời, con dạy tiếng Anh (English for kids) tại Trung tâm năng khiếu Nhà Thiếu Nhi (dù chuyên ngành cấp 3) và con cũng dạy cho tu sinh tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Cần Thơ hơn 10 năm qua.

- PV: Động lực nào khiến cô đến đây dạy giáo lý mỗi Chúa Nhật trong suốt thời gian dài như vậy?

- Cô Thuỳ Trang: Động lực để con dạy giáo lý gần 30 năm qua, đó là ân ban Chúa Thánh Thần. Ơn Chúa biến đổi con từ kẻ nguội lạnh, kẻ vô tín, tầm thường.. lại được mở miệng cao rao Lời Chúa, được góp mặt trên cánh đồng truyền giáo. Con trở nên đồng hành đồng dạng với bà con nghèo. Ước ao chăm sóc, ủi an, và dấn thân với họ trên bước đường theo Chúa. Riêng con, Chúa đã ban cho con quá nhiều ơn so với những đóng góp nhỏ nhoi của con. Con muốn tạ ơn Chúa bằng chính đời phục vụ của con. Nói như thánh Phaolô: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi lên đường dấn thân phục vụ” (x. 1Cr5,14). Đó là kim chỉ nam của cuộc đời con. 

- PV: Cô có hy vọng gì vào tương lai của học trò của mình về đời sống đức tin?  

- Cô Thuỳ Trang: Riêng lớp Tráng Niên, ngoài việc hướng dẫn, chia sẻ những trải nghiệm đức tin, con cũng lắng nghe tâm tư, đồng hành và giúp các em giảm tải những khó khăn, áp lực. Em nào còn học thì con hỗ trợ kiến thức, em nào nghỉ học, con tìm chỗ cho học việc hoặc giới thiệu đi làm. Đa phần các em chỉ ở với ông bà, nghèo túng. Cha mẹ các em ly dị, có gia đình khác hoặc đi làm ăn xa. Các em thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương gia đình. Tuy nhiên, con rất tin tưởng vào tương lai của các em và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 

- PV: Cám ơn cô giáo nhiều! Chúc cô và gia đình mạnh khoẻ để hăng say cộng tác với công cuộc loan báo Tin Mừng? 

- Cô Thuỳ Trang: Cám ơn cha. Một ít chia sẻ với Cha như vậy. Mong Cha cầu nguyện cho con có thêm Lửa và Lời để con giúp bà con nhiều hơn nhé Cha. Gửi Cha một số hình ảnh con đi thăm bà con tuần rồi. 

- PV: Thật tuyệt vời! 

4. Sơ Anna Nguyễn Thị Lệ Xuân - trưởng cộng đoàn 

- PV: Thưa sơ, chúng con đến với giáo xứ Rạch Vọp, thấy có sự hiện diện của quý sơ, xin sơ vui lòng cho chúng con biết sơ thuộc dòng nào? Tên đầy đủ của sơ là gì ? Sơ phục vụ giáo xứ này lâu chưa? 

- Sơ Lệ Xuân: Dạ Cha! Cộng đoàn Rạch Vọp của chúng con hiện diện tại giáo xứ từ ngày 21.8.2013. Cộng đoàn có 2 sơ, đó là sơ Anna Nguyễn Thị Lệ Xuân và sơ Maria Văn Hoàng anh Thư. Chúng con thuộc Dòng Phaolô (Saint Paul) Mỹ Tho. Sơ Xuân đã phục vụ 7 năm. Sơ Anh Thư mới phục vụ được 2 năm. 

- PV: Nghe cha sở giới thiệu mỗi Chúa Nhật có hàng trăm người lương dân đến sinh hoạt và dự Thánh lễ thì công việc chính của các sơ là gì trong những ngày như vậy ? Và làm thế để điều hành cho có hiệu quả? 

- Sơ Lệ Xuân: Mỗi Chúa Nhật có khoảng 350 người Lương tham dự Thánh lễ. Con chỉ có việc dạy giáo lý và cùng tham dự Thánh lễ với họ. Còn việc điều hành là của cha xứ ạ. 

- PV: Cám ơn sơ đã bớt chút thời gian chia sẻ với chúng con. 

- Sơ Lệ Xuân: Cám ơn cha! 

- PV: Chúc sơ mạnh khoẻ và nhiều ơn Chúa! - Sơ Lệ Xuân: Dạ. 

Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Rao giảng Tin Mừng là phần cơ bản của các môn đệ Đức Kitô và là một sự dấn thân liên tục giúp sinh động hoá đời sống của Hội Thánh. Mở rộng truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng sự trưởng thành của một cộng đoàn Hội Thánh” (Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 95). 

Học Viện Công Giáo Việt Nam 

Tháng 01.2024 

Lm. Giuse NGUYỄN VĂN THÀNH