“Rước lương dân đi lễ” một điều nghe có vẻ thật viễn vông, là một điều không thể, nhưng đây lại là một sự thật hoàn toàn tại Giáo Xứ Rạch Vọp và cũng là giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp, Giáo Phận Cần Thơ.
Khóa học Mục Vụ truyền giáo vào tháng 01/2024, tại Học Viện Công Giáo Việt Nam, lớp chúng tôi có dịp được cha Gioan Baotixita Trương Thành Công cũng là cha sở Giáo Xứ Rạch Vọp, Giáo Phận Cần Thơ đến chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo cho lớp. cha đã chia sẽ cho lớp về phương thức truyền giáo được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế của cha, một trong những kết quả của việc truyền giáo đó là rước lương dân đi lễ, tổ chức lớp giáo lý cho lương dân, mời lương dân cộng tác trong việc truyền giáo. Đây quả thật là một mô hình truyền giáo hoàn toàn mới mẻ nhưng rất hiệu quả tại vùng đất này. Chính điểm mới lạ này đã tạo điều kiện cho lớp chúng tôi có một chuyến đi thực tế thú vị cũng như giúp chúng tôi khám phá và học hỏi thêm được nhiều điều về công cuộc truyền giáo.
Chúng tôi đến giáo xứ vào khoảng 6 giờ chiều, sau giờ ăn tối, chúng tôi được cha sở mời vào nhà thờ tham dự giờ kinh tối online với bà con lương dân. Theo cha chia sẻ giờ kinh tối được tổ chức mấy năm nay và duy trì liên tục, đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày có khoảng từ 90 đến 100 gia đình với khoảng 200 thành viên cùng tham dự giờ kinh. Giờ kinh được chia làm 4 phần( 4 ý chỉ): 1 Cảm tạ, 2 sám hối, 3 dâng mình, 4 cầu cho người thân. Vị chủ sự giờ kinh sẽ đọc ý hướng cho từng phần, sau đó mọi người sẽ cùng đọc những kinh nguyện phù hợp với từng phần. Đọc kinh tối online thực sự là một sáng kiến mới lạ, bởi trong đời sống đạo của người công giáo hiện nay, việc đọc kinh sáng tối trong gia đình dường như không còn nữa nhưng tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp này cha sở lại tổ chức cho lương dân đọc kinh tối online thì quả là một sáng kiến táo bạo và đáng nể phục.
Ngày chúa nhật hôm sau, khoảng 5 giờ sáng, dưới sự điều động, sắp xếp của cha sở một nhóm người chuyên phục vụ việc đưa đón lương dân đang vừa uống cà phê vừa trao đổi công việc. Sau đó, một tài xế chạy chiếc xe đa năng (chiếc xe tang) đi đón bà con dọc theo đường bộ. Còn nhóm khác sẽ phụ trách lái tàu (ghe) để đi đón bà con lương dân đi lễ. Do địa bàn miền tây chủ yếu là sông nước, người dân nghèo không có phương tiện đi lại nên mỗi Chúa Nhật, cha sở lại thuê 2 hoặc 3 chiếc ghe chạy dọc con sông đến các điểm để đón người dân. Sau khoảng hơn 30 phút ghe cập bến để đón người dân. Hình ảnh đầu tiên khiến tôi không khỏi xúc động, đó chính là những con người già trẻ, lớn bé, khỏe mạnh, đau yếu…đang đứng chờ ghe đón, một thái độ sẵn sàng, vui vẻ để được đón đến nhà thờ tham dự thánh lễ.
Ghe vừa cập bến, cha sở đã đứng chờ sẵn, ngài ân cần hỏi thăm mọi người. Tiếp đến, mọi người đến các bàn đã có đội ngũ giáo lý viên chờ sẵn để nhận thẻ tên của mình, dây đeo thẻ được quy định theo màu tương ứng với từng giai đoạn, với lớp giáo lý mà họ theo học. Tôi đặc biệt ấn tượng với tên gọi của từng giai đoạn theo đạo này. vd: lớp đến mà xem, lớp muốn làm quen…chính tên gọi cũng nói lên ước muốn của người dân.
Những lương dân nào có nhu cầu tư vấn sự dụng thuốc sẽ đến khu vực riêng để được tư vấn và nhận phiếu ghi thông và được các chuyên viên có chuyên môn thăm hỏi bệnh tình và ghi toa thuốc, sau thánh lễ sẽ đến bàn nhận thuốc đã được chia sẵn theo thông tin đã được kê khai ban đầu. Với châm ngôn “Lạy Chúa Giê su là Lương Y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”. Qua đây, cha sở giúp họ biết rằng chính Chúa Giê su là lương y cứu chữa tâm hồn và thể xác cho họ, đây cũng là một phương thức truyền giáo thiết thực và hiệu quả.
Phần phụng vụ thánh lễ, nếu như không được giới thiệu trước, chắc hẳn không vị khách nào đến đây có thể nhận ra rằng đây là thánh lễ dành cho người lương dân vì thánh lễ diễn ra rất trang nghiêm sốt sắng. Thánh lễ hôm nay có khoảng 370 người tham dự. Các thành viên trong ca đoàn, lễ sinh, người đọc bài đọc Lời Chúa, người đọc lời nguyện tín hữu đều là các em chưa được rửa tội. Điều đáng ngạc nhiên nữa là sự am hiểu Lời Chúa nơi mọi người, nhất là nơi các em thiếu nhi lương dân. Trong phần giảng lễ cha sở hỏi các em về Tin Mừng các em đã rất hăng hái, tự tin trả lời và trả lời rất đúng, tạo nên một bầu khí thánh lễ rất sinh động.
Sau thánh lễ tất cả mọi người đều trở về lớp Giáo Lý của mình, cả những người đã được rửa tội và những người chưa rủa tội đều học giáo lý. Theo sự giới thiệu của cha sở, tôi được biết đội ngũ giáo lý viên ở đây ngoài cha phó, các Sơ, một số giáo lý viên kỳ cựu trong giáo xứ, còn có một nhóm giáo lý viên trí thức là bác sĩ, giáo viên ở thành phố Cần Thơ tình nguyện mỗi Chúa nhật đến Rạch Vọp dạy giáo lý cho mọi người. nên lớp giáo lý được tổ chức trật tự và hứng khởi. Qua tìm hiểu tôi được biết có những người đã được rửa tội 7 năm vẫn kiên nhẫn theo học giáo lý. Đây quả là một điều cần thiết vì là những người truyền giáo chúng ta không chỉ giúp họ đón nhận đức tin nhưng còn phải nuôi dưỡng đức tin cho họ…
Một điều khiến tôi không khỏi thán phục và suy nghĩ nữa đó là: sau giờ giáo lý, khi mà mọi công việc đã xong, khi mà người dân đã lên xe, lên ghe về nhà thì cha sở, cha phó, quý sơ, và tất cả giáo lý viên cùng những người phục vụ đều vào chầu Thánh Thể, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện. Đây chính là hình ảnh của Chúa Giê su và các môn đệ, sau khi rao giảng, Chúa Giê su và các môn đệ lên núi cầu nguyện. Thật vậy, đời sống cầu nguyện là linh hồn của công cuộc truyền giáo. Bởi vì, dù con người có làm mọi việc tốt đẹp thế nào nhưng không có Ân Sủng Chúa thì tất cả chỉ là hư vô. Như Thánh Phao Lô nói: “Tôi trồng, anh Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”.
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”. Ước mong sao Giáo Hội Việt Nam có thêm nhiều vị tông đồ nhiệt thành trong việc loan báo Tin Mừng. Hầu cho Nước Chúa được mở rộng và cho muôn dân được đón nhận Tin Mừng.
Maria CHU THỊ TRÚC
Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
Lớp Mục Vụ Truyền Giáo
Học Viện Công Giáo Việt Nam