“Rạch Vọp” cái tên vừa quen lại vừa lạ, quen vì tôi đã từng nghe nói tới, lạ vì chưa được một lần đến thăm. Giáo điểm “Rạch Vọp” nơi hoàn toàn dành cho lương dân. Khi nghe kể về mảnh đất nơi mà những hạt giống đang âm thầm nảy mầm và trổ bông. Bản thân tôi cũng háo hức và rất mong được đến để tận mắt chứng kiến những điều mà tôi đã từng được học từ Cha đó là phương pháp truyền giáo cho lương dân. Trong đó tôi ấn tượng nhất là phương pháp một kèm một, nghĩa là một người lương dân dẫn một người lương dân khác đến với Chúa qua giáo điểm. Thỏa lòng mong chờ, ước mơ cũng trở thành hiện thực, nỗi khát mong nay được khỏa lấp. Biết tin lễ Phục Sinh chị em chúng tôi được đi tông đồ tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp chúng tôi rất đỗi vui mừng và háo hức. Sau lễ vọng Phục Sinh với một bữa tiệc nhẹ cùng cộng đoàn chúng tôi tay xách ba lô lên đường, đúng bốn giờ sáng chúng tôi đã có mặt tại giáo điểm. Mặc dù vẫn còn ngái ngủ nhưng lòng vẫn hăng say quên cả mệt nhọc lao vào gói quà cho bà con ở đó. Được sự tiếp đón nồng hậu và niềm nở của Cha xứ chúng tôi lại càng có tinh thần. Điều đặc biệt tôi nhận thấy nơi Cha một vị mục tử mang đậm mùi chiên, một con người đậm chất truyền giáo, Cha dậy từ rất sớm để đợi chúng tôi, Ngài chuẩn bị sẵn những gói ngũ cốc, cà Phê, mì tôm, bánh ngọt … để chúng tôi lót dạ. Sau giờ nghỉ ngơi xơi nước, chúng tôi nguyện kinh sáng để lấy lại nghị lực, đồng thời xin Chúa ban ơn cho một ngày mới và xin Chúa ở cùng chúng tôi trong chuyến viếng thăm này.
Giờ đã đến chị em chúng tôi chia nhau ra cùng với các chú tài công trên những chiếc ghe đã được chuẩn bị sẵn để đón mọi người tới dự lễ. Bắt đầu đón những người ở xa nhất. Khi thấy ghe tới khuôn mặt của họ biểu lộ một niềm vui rạng rỡ, ánh mắt họ muốn nói lên rằng chúng tôi đã đợi từ lâu lắm rồi, niềm vui hân hoan thể hiện qua những nụ cười thật tươi tròn. Khi được hỏi, các cô chú kể đi từ bốn giờ sáng ra đây để đợi ghe, có người ở xa hơn thì đi từ ba giờ rưỡi sáng. Tôi thấy nơi họ lòng khao khát được đến nhà thờ để gặp Chúa, mặc dù có những người chưa được rửa tội, có những người chỉ mới đi được mấy tháng. Họ nói chúng tôi rất mong đến ngày chúa nhật để đến nhà thờ. Khi chiếc ghe đã đông đủ người tôi quan sát thấy trên ghe chỉ toàn người nghèo, họ đúng là những người nghèo của Thiên Chúa, họ không chỉ nghèo về vật chất nhưng họ còn nghèo về tinh thần về đức tin. Khi được tiếp xúc với một số người trên ghe, được nghe họ bộc bạch về những câu chuyện hoàn cảnh của gia đình tôi thấy họ thật đáng thương, đúng là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình nào cũng có nỗi khổ riêng.
Điều đặc biệt là họ được biết Chúa và họ tin vào Chúa, một niềm tin rất đơn sơ và chân thành. Đa số họ kể lại rằng: “tôi đi nhà thờ tôi được nhiều ơn lắm, tôi được khỏe mạnh, được chữa lành, từ lúc đi nhà thờ về nhà nói gì con cái nó cũng nghe, trước đây chồng tôi uống rượu giữ lắm nhưng từ lúc tôi đi nhà thờ chồng tôi bớt rượu hẳn…. đi nhà thờ về tôi thấy vui lắm, thấy bình an, thấy người khỏe hẳn”. Khi nghe họ chia sẻ những điều như thế tôi cảm thấy rất vui vì hạt giống mà Cha đang gieo vãi nay đang được nảy mầm, đức tin trong họ đang chớm nở và họ đang dần nhận ra tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Cũng có một phút nào đó tôi bị cám dỗ khi suy nghĩ rằng: phải chăng Chúa ban ơn cho họ như vậy là để dụ dỗ họ chăng??? Nhưng không phải như thế. Vì qua đó Chúa muốn cho họ biết rằng Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài làm chủ sự sống của con người, Ngài có quyền trên tất cả mọi sự. Cũng qua đó Ngài muốn họ nhận biết rằng chỉ có Chúa mới cho họ tất cả, niềm vui, bình an, sức khỏe… những thứ mà con người không thể ban phát hay chữa lành thì Thiên Chúa đã làm cho họ. Một cô khác kể rằng: “tôi mới đi nhà thờ có mấy tháng nay, trước đây tôi bị đau chân giữ lắm nhưng từ lúc đi nhà thờ tôi cầu nguyện rồi từ từ nó hết đau lúc nào không hay, tôi mừng lắm, giờ tôi đi khỏe re à…”.
Chiêm ngắm lại hành trình rao giảng của Đức Giêsu ngày xưa ta thấy Chúa Giêsu cũng đã từng chữa lành cho nhiều người, cho kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại… đặc biệt là anh bạn Lazaro, Ngài không đến liền khi anh đang hấp hối nhưng Ngài đến khi anh ta đã chết được bốn ngày rồi, mùi thối đã bốc lên. Qua đó để mọi người biết rằng Thiên Chúa làm chủ sự sống, và nhờ đó mọi người nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa mà tôn vinh danh Ngài. Bên cạnh đó ta thấy Đức Giêsu không chỉ quan tâm chăm sóc dân chúng về tinh thần nhưng Ngài còn lo lắng cho họ cả về vật chất. Cụ thể trong đoạn Tin Mừng hóa bánh ra nhiều khi các tông đồ xin Chúa giả tán đám đông Đức Giêsu đã không bằng lòng Ngài bảo các ông: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Tôi thấy Cha đang họa lại những việc làm của Đức Giêsu, Cha không chỉ lo cho dân về tinh thần bằng lời của Chúa, những bài học nhân bản thường ngày, Cha còn chăm sóc cho dân cả cái ăn cái mặc, không phải để họ cậy dựa hay vì vật chất mà họ đến với Chúa mà chính từ những món quà nho nhỏ họ nhận được Cha dạy họ biết sống bác ái chia sẻ với những người nghèo đói hơn mình “ai ăn của người nghèo thì nghèo hơn họ ráng chịu”. Là người tông đồ truyền giáo và là cánh tay đắc lực của Đức Giêsu Cha đã quy tụ những con chiên khác ràn về cùng một ràn với phương pháp một kèm một Cha dùng chính lương dân để lôi kéo một người lương dân khác đến với Chúa.
Điều mà tôi cảm nhận cách sâu xa nhất khi tiếp xúc với bà con ở đó họ cho tôi thấy rõ nét hơn về một Đức Kitô nơi Ngài có một điều gì đó rất thú vị, rất hấp dẫn và nơi Ngài có điều gì đó rất bí ẩn, khiến ai đã một lần đến với Ngài họ luôn bị thu hút, bị lôi cuốn tìm kiếm, tìm kiếm và tìm kiếm, càng tìm kiếm thì lại càng khao khát và cứ thế họ không thể bỏ mất một thánh lễ chúa nhật nào, họ chia sẻ rằng: “đi nhà thờ vui lắm thích lắm” có lẽ cái vui cái thích không chỉ vì họ được một chút vật chất gì đó nhưng vui thích là vì tâm hồn họ được bình an, lòng họ nhẹ nhàng. Những lúc đó họ được Đức Giêsu mời gọi: “hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”. Bên cạnh đó Ngài cũng mời gọi họ hãy đến với Ngài, hãy vứt bỏ những bận tâm, hãy quẳng đi những gánh nặng của cuộc sống. Có lẽ đó chính là điều mà họ nhận được mỗi khi đến với ngài.
Tạ ơn Chúa qua chuyến đi vừa rồi, nơi đó tôi học hỏi được nhiều điều từ những con người giản dị với một đức tin rất đơn sơ và chân thành. Trong chuyến đi này cũng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, những thao thức cho việc truyền giáo, bởi đó không phải là một điều dễ làm. Tôi thấy phương thức truyền giáo của Cha rất hay thế nhưng không phải chỗ nào cũng có thể sử dụng phương thức đó được, bởi vì nó khác nhau rất nhiều, khác về con người, công việc, văn hóa và thời gian…. Vì vậy người truyền giáo cần phải luôn cầu nguyện, dặc biệt xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng và hướng dẫn. Tạ ơn Chúa đã cho tôi có một chuyến đi thật ý nghĩa và tràn đầy niềm vui của Đức Kitô Phục Sinh.
Têrêsa TRẦN THÚY NGA