Bài viết sau chuyến đi trải nghiệm thực tế truyền giáo
tại Giáo điểm Rạch Vọp – Giáo Phận Cần Thơ
I. Tóm lược mô hình truyền giáo cho lương dân.
1. Chọn đối tượng loan báo Tin Mừng: Đến với lương dân
Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế - Redemptoris Missio (RM 33-34) và Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium (EG 14-15) đề cập đến việc truyền giáo hướng nội (Ad intra) và hướng ngoại (Ad extra), hướng tới 5 đối tượng sau: 1/ Các Kitô hữu sống đạo tích cực: Đào tạo nhân sự, mục vụ truyền giáo. 2/ Các Kitô hữu sống đạo hời hợt: Tân Phúc Âm hóa, củng cố đức tin cho họ. 3/ Các Kitô hữu đã bỏ đạo, không thực hành đức tin: Tái Phúc Âm hóa, phục hồi đức tin cho họ. 4/ Đối thoại đại kết với các kitô hữu ngoài Công Giáo; và đối thoại liên tôn với các tín đồ ngoài Kitô giáo. 5/ Sứ vụ đến với muôn dân (Missio “Ad Gentes”): Phúc Âm hóa môi trường xã hội, truyền giáo cho lương dân.
Trong 5 đối tượng đó, giáo điểm Rạch Vọp đã chọn loan báo Tin Mừng cho lương dân. Lý do rất thực tế là lương dân chiếm số đông (90 % dân số Việt Nam), đa dạng và ở khắp nơi. Việc truyền giáo cho lương dân rất khẩn thiết theo lệnh Chúa truyền. Căn tính của Giáo hội là truyền giáo, là “Đến với muôn dân”. Người công giáo chú trọng giao tiếp với đồng đạo, thái độ co cụm, xem thường hoặc bỏ quên lương dân. Vì thế, cần huấn luyện giáo dân biết tìm đến gặp gỡ, làm quen với người ngoại đạo.
2. Đưa lương dân đến nhà thờ
Xuất phát từ một thực tế là chúng ta thường vui mừng khi tạo được thiện cảm với lương dân, nhưng ít dám nghĩ đến việc phải đưa họ đến nhà thờ. Vì thế, đưa dẫn lương dân đến nhà thờ là một định hướng mới lạ, ai cũng thấy khó khăn, nhưng lại cần thiết và khả thi. Đây còn là công tác của Giáo Điểm, của linh mục và các tác viên truyền giáo. Nỗ lực đưa lương dân đi nhà thờ là một quá trình lâu dài. Tiến trình bốn bước như sau: Gặp gỡ tiếp cận; Xây dựng tình thân; Chia sẻ ân phúc; Mời “Đến mà xem”.
Giáo điểm đã tạo cơ hội để quy tụ: Tổ chức thánh lễ hàng tuần, các lễ hội, các buổi nói chuyện chuyên đề, khám bệnh, phát quà, văn nghệ, hội chợ, siêu thị 0đ. Trợ giúp phương tiện đi lại: Lương dân đa phần là nghèo, ở vùng sâu vùng xa, cần có phương tiện để đến nhà thờ. Nên có đò-xe rước-đưa là cần thiết.
3. Giúp lương dân gặp gỡ Chúa để được biến đổi
Việc tạo điều kiện cho lương dân gặp gỡ và ở lại với Chúa qua Thánh lễ hàng tuần và các lớp Giáo lý là cần thiết. Tại nhà thờ lương dân được trực tiếp gặp gỡ và ở lại với Chúa, nhờ đó được biến đổi. Ngoài ra, ở nhà thờ họ nhập đoàn với dân Chúa, nhờ đó đón nhận được ân sủng và lãnh nhận các bí tích qua Giáo hội. Qua đó, lương dân nghe được Lời Chúa và học hiểu đạo lý để ngày thêm tin mến Chúa. Chính lương dân đã tự nhận nơi bản thân họ có những biến đổi sau một thời gian học biết Chúa. Ơn biến đổi nơi lương dân ngày một rõ rệt hơn.
4. Chăm sóc lương dân theo gương Chúa Giêsu
Lương dân tới với giáo điểm cần được giúp đỡ nhiều mặt. Những giúp đỡ này vừa là cách mời gọi, vừa giữ chân họ ở lại giáo điểm và cũng vừa giúp họ nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu là Lương y, là Linh sư, là Mục tử, là Đấng Emmanuel-Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
5. Huấn luyện lương dân sống bác ái yêu thương
Dạy lương dân biết NHẬN cách công bằng với lòng biết ơn. Tập cho lương dân biết CHO cách quảng đại, mau mắn, vui vẻ, tự nguyện. Tạo dịp để họ chia sẻ quà tặng cho người nghèo hơn, cần hơn, theo lương tâm. Nhờ đó, dần dần họ biết quan tâm đến người khác, biết cho đi, biết giúp đỡ, biết chia sẻ ân phúc… Đó là bước đầu của việc loan báo Tin Mừng.
6. Vận dụng lương dân vào việc truyền giáo:
Chuyển quà và thư mời: Mỗi quà tặng cho lương dân gồm hai phần: 1 lớn-1 nhỏ hơn. Nhờ họ mang phần nhỏ về xóm chia sẻ cho một người nào đó nghèo túng hơn. Việc chia sẻ này được lặp đi lặp lại vài lần, cho tới khi có những dịp đặc biệt, họ sẽ chuyển thư mời thay vì quà. Qua đó, lương dân có thể làm việc truyền giáo: MỖI LƯƠNG DÂN LÀ MỘT TÔNG ĐỒ CHO LƯƠNG DÂN.
II. Một vài suy nghĩ góp phần vào việc nghiên cứu và phát triển truyền giáo
Mô hình truyền giáo cho lương dân tại giáo điểm Rạch Vọp rất phù hợp với thực tế đời sống của bà con vùng sông nước giáo phận Cần Thơ. Nhưng cũng gợi ý cho con nghiên cứu và phát triển, để áp dụng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng tại giáo xứ con đang làm mục vụ, cũng như các xứ đạo truyền thống lâu đời.
Nhìn chung, người tín hữu còn khá siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, và các việc đạo đức bình dân như: ngắm Sự thương khó Chúa Giêsu, dâng hoa, rước kiệu… việc cầu nguyện chủ yếu là đọc kinh theo thói quen truyền khẩu mà thiếu hiểu biết nội dung giáo lý hàm chứa trong các kinh đó. Hội Thánh có kho tàng ân sủng là Thánh Lễ và các Bí tích để chuyển thông ơn Chúa cho người tín hữu, mà sao vẫn thiếu sức sống thiêng liêng và nhiệt huyết truyền giáo? Phải chăng vì người tín hữu còn thiếu việc học hỏi Giáo lý - Lời Chúa, nên họ chưa đón nhận được nguồn sức sống thần linh của Thiên Chúa. Cũng vì thiếu chiều sâu đức tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, nên việc lãnh nhận các Bí tích và đời sống cầu nguyện trở nên khô khan, nhàm chán. Các sinh hoạt tông đồ, đạo đức nhiều khi chỉ còn dừng lại ở hình thức bên ngoài hơn là diễn tả đức tin.
Từ hiện tình trên đây, con mạn phép đề nghị một định hướng mục vụ truyền giáo như sau:
1. Truyền giáo hướng nội (Ad intra):
Tân Phúc Âm hóa: Đồng hành với các Tân tòng. Củng cố đức tin cho các tín hữu sống Đạo hời hợt. Tái Phúc Âm hóa: Phục hồi đức tin cho các tín hữu đã bỏ Đạo. Cả hai việc này được thực hiện qua học hỏi giáo lý về Thánh lễ và các Bí tích, giúp các tín hữu hiểu và siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích một cách ý thức, thành kính và linh động hơn (HcPv 48), như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong
Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi, 29-6-2022). Áp dụng những hướng dẫn mục vụ về giáo luật và Phụng vụ khi cử hành các Bí tích. Cần phải khắc phục những chia rẽ và những quan điểm đối chọi giữa việc mục vụ thông thường (bảo tồn) và việc mục vụ truyền giáo (EG, số 14). Hoạt động Missio ad gentes, được xác định là hệ hình của tất cả hoạt động mục vụ của Hội Thánh (EG 15). Huấn thị về việc “Hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội” (Bộ Giáo sĩ, 20/07/2020).
2. Truyền giáo hướng ngoại (Ad extra):
Đối thoại với các tín hữu Công Giáo đang có những sai lạc đức tin và rời xa Giáo hội. Đối thoại đại kết với các Giáo Hội Kitô ngoài Công Giáo. Đối thoại liên tôn với các tín đồ tôn giáo ngoài Kitô giáo, với các nền văn hoá. Sứ vụ đến với muôn dân (Missio ad gentes): Phúc Âm hóa môi trường xã hội, truyền giáo cho lương dân. Chương trình giáo lý chuẩn bị cho các Dự tòng theo các giai đoạn khảo hạch trong các tuần Mùa Chay trong Sách Lễ Rôma (Cũng có thể áp dụng các giai đoạn này vào thời gian thuận tiện trong năm). Tiến trình khai tâm cho người lớn được sắp xếp theo nhiều giai đoạn với các nghi thức phụng vụ để người dự tòng từng bước khám phá các chân lý Kitô giáo. Đặc biệt, trong thời gian học Giáo lý Dự tòng cũng cần phải có những thực hành đức tin qua việc tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, nhất là đọc lời Chúa và giờ kinh gia đình hằng ngày. Bởi vì, Lời Chúa là nguồn mạch, nền tảng để xây dựng đời sống đức tin, và cũng là nội dung chính yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng.
3. Một số đề nghị cụ thể:
Các giáo xứ phải đặt mối quan tâm hàng đầu là mở mang và phát triển đầy đủ công cuộc truyền giáo. Cha xứ phải là linh hồn của công cuộc truyền giáo và quan tâm sâu xa tới công việc của những người trợ giúp các ngài. Sử dụng mọi phương tiện - lời nói, hành động, viết lách - để khuyến khích người trợ giúp đạt được những thành quả cao hơn. Tạo điều kiện thuận lợi, cổ vũ những kế hoạch, những công việc thích đáng của họ, luôn biết cư xử với họ bằng tình bác ái và sự khôn ngoan, nhất là cảm thông khi họ gặp những chuyện không hay xảy ra, những khó khăn sẽ làm họ nản lòng, mệt mỏi và không muốn làm gì nữa. Mọi thành phần dân Chúa cần ý thức về vai trò và trách nhiệm của chức năng ngôn sứ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, sống hiệp thông truyền giáo bằng tất cả những cố gắng trong điều kiện và hoàn cảnh của mình để cộng tác vào công việc Loan Báo Tin mừng, vì ơn cứu độ đời đời cho mọi người.
Chương trình mục vụ của giáo xứ nên có những việc làm cụ thể như sau: Thành lập ở mỗi giáo xứ một Ban truyền giáo, bao gồm các giới và hội đoàn: có nội dung sinh hoạt, học hỏi Thánh Kinh và truyền giáo, chầu Thánh Thể hoặc lần hạt Mân Côi, cần phải lập kế hoạch truyền giáo và được công bố công khai để mọi người đều ý thức và đồng tâm thực hiện. Mọi sinh hoạt của các Hội Đoàn đều phải có mục đích truyền giáo, nhắc nhở các thành viên ý thức về sứ mạng truyền giáo: cầu nguyện, hy sinh, dấn thân truyền giáo.
Đọc, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa trong các giờ kinh sáng – tối tại gia đình và cộng đoàn. Chầu Thánh Thể hàng tuần cầu nguyện cho truyền giáo tại các nhà thờ, nhà nguyện trong giáo phận. Soạn thêm lời cầu nguyện truyền giáo trong lời nguyện tín hữu đọc ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng. Các bài giảng lễ nên hướng cộng
đoàn dân Chúa đến bổn phận và trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Đưa linh đạo truyền giáo vào trong các sinh hoạt của hội đoàn, các lớp giáo lý các cấp, tập cho các em thiếu nhi, giới trẻ ý thức và thực hành truyền giáo ngay trong điều kiện hiện tại.
Tạo sự liên đới và kết nghĩa giữa các xứ thành thị với nông thôn; xứ có tiềm lực tài chính với xứ nghèo. Mỗi giáo xứ lớn nên có điểm truyền giáo, hoặc kết nghĩa với các nơi truyền giáo, để giáo dân thi hành sứ mạng truyền giáo một cách cụ thể. Quan tâm giúp đỡ cho các nơi truyền giáo trong việc bác ái và thăng tiến con người. Dành thời gian thăm viếng và giúp đỡ những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức quyên góp tài chính phục vụ công việc truyền giáo. Giáo xứ chi biết bao nhiêu tiền để xây dựng cơ sở vật chất và các công việc khác, mà chi cho việc truyền giáo chẳng có được bao nhiêu.
Thực tế cho thấy tất cả những việc truyền giáo trên đây đã được rất nhiều quý cha, các Hội Dòng, Tu Hội thực hiện rồi, nhưng còn mạng tính tự phát, nhỏ lẻ, tạm thời theo nhu cầu và hoàn cảnh của từng nơi, từng thời điểm. Cần phải được nghiên cứu thêm để có đường hướng, kế hoạch mục vụ truyền giáo mang tính toàn diện và bền vững. Để “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” sẽ có người đi trước, kẻ đi sau, làm việc này trước, việc kia sau, nhưng điều quan trọng là mọi thành phần Dân Chúa đã có dịp gặp gỡ, lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau, cùng nhau cầu nguyện và phân định, “cùng nhau cất bước hành trình” để sứ vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện như lòng Chúa mong ước và Hội Thánh mong đợi.
Trên đây là những suy nghĩ mang tính cá nhân của con về việc truyền giáo, với một thao thức cho sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Vì thế, trong sự hèn kém và thiếu kinh nghiệm của con, rất mong được cha giáo chỉ dạy thêm. Với xác tín rằng mọi hoạt động truyền giáo đều là bước theo Chúa Giêsu, rao giảng về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Công việc truyền giáo luôn là của Chúa, chỉ có Chúa mới có thể mở lòng và đi vào trái tim con người. Truyền giáo không thể thấy kết quả ngay, thấy cái trước mắt, không được thì nản lòng: Phaolô trồng, Apolô tưới, Chúa cho lớn lên. Chúng ta chỉ là dụng cụ làm hết sức mình. Ước mong mọi thành phần trong Giáo Hội luôn nhớ mình mang trách nhiệm truyền giáo và có nhiều người quảng đại dấn thân trong sứ vụ thiêng liêng cao cả này.
Lm. Gioan Baotixita Vũ Quốc Đạt
Giáo phận Bùi Chu