LỄ CHO LƯƠNG DÂN

"Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy dỗ họ những điều Thầy đã truyền cho anh em..." (Mt 28, 19 )

      Có lẽ chúng ta đã hiểu sai về lệnh truyền này, hay cố tình đi ngược lại thứ tự của lệnh truyền chăng, bởi lẽ từ trước tới nay, ở đâu, giáo xứ nào cũng hướng đến việc rửa tội cho tân tòng một cách khá gấp gáp và rồi khi họ đã vào đạo, chúng ta lại bỏ rơi họ...không còn giúp họ nuôi dưỡng đức tin.

      Tôi thực sự ngạc nhiên và thán phục cha GB Trương Thành Công, chánh xứ Rạch Vọp khi được chứng kiến công cuộc truyền giáo ngài đang thực hiện nơi vùng sông nước Sóc Trăng, một vùng quê nghèo nhưng thắm đượm tình thương mến thương của những người dân miền tây chấc phát. 

      Cha đã theo sát lệnh truyền của Chúa Giêsu, trước tiên là tìm kiếm lương dân, làm cho họ trở thành môn đệ, và khi đã họ có đức tin, mới rửa tội, và tiếp tục giúp họ lớn lên trong đức tin qua việc học giáo lý và dự lễ...Theo sự hướng dẫn của cha , cứ mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần, những anh em đã được chỉ định đi đón các anh em lương dân ở dọc theo bờ sông, xa nhất khoảng 15km. Họ được rước lên ghe chở về Giáo xứ, tham dự thánh lễ, và học giáo lý. 

      Điều tôi ngạc nhiên nhất là được tham dự thánh lễ cho người lương dân. Đây là lần đầu tiên tôi nghe biết, bởi xưa nay, chỉ ai có đạo mới đi lễ đọc kinh ở nhà thờ. Tôi bước vào nhà thờ với sự kinh ngạc và thán phục: lương dân đi lễ và thưa kinh sốt sắng trang nghiêm, thuần thục như một tín hữu Kitô. Họ cúi mình cách cung kính thánh thiện, lại tham gia phụng vụ cách tích cực: tập hát cộng đồng, tham gia ca đoàn, đọc sách, giúp lễ...tất tần tật. Họ tham dự phụng vụ cách trang nghiêm như những tín hữu đích thực.

      

      Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nghe Cha xứ chia sẻ cách ngài truyền giáo, là cứ một người lương mời một người lương khác đến nhà thờ... Người xưa có câu: "hữu xạ tự nhiên hương" quả không sai. Cứ như thế, số "môn đệ" ngày càng tăng. Tôi không hiểu tại sao người ta có thể bỏ thời gian tiền bạc và cả giấc ngủ để đi dự lễ cách vui vẻ phấn khởi như vậy.?? Bởi vì có những người ở xa, họ phải thức dậy sớm để chuẩn bị hành lý, cơm nước để đi lễ... Chỉ có ơn Chúa biến đổi và làm cho họ ham thích đến nhà thờ như vậy.

      Một điều đặc biệt nữa là mỗi tối, cả giáo xứ, Lương cũng như Giáo cùng nhau đọc kinh tối chung, qua việc kết nối bằng internet. Đây là một sáng kiến tuyệt vời để nối kết tình người tình Chúa, cả xứ giúp nhau giữ đạo.

      Đến với Rạch Vọp, tôi khám phá ra cách truyền giáo "độc lạ" nhưng hữu hiệu: LƯƠNG DÂN TRUYỀN GIÁO CHO LƯƠNG DÂN", nghĩa là những người lương dân đã được biết nhà thờ mời một lương dân khác cùng đi lễ. Đây quả là một sáng kiến tuyệt vời, mà tôi thiết nghĩ người Mục Tử dẫn dắt đoàn chiên lạc này (cha chánh xứ cùng cha phó và những người cộng tác) đã rất nhiệt tình và hăng say với sứ mạng truyền giáo. Ắt hẳn các ngài đã phải hy sinh, chịu đựng bao dèm pha tranh luận vì sáng kiến truyền giáo "độc lạ" này. 

      Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội nói chung, Giáo Phận Cần Thơ nói riêng, một vị Mục Tử nhiệt thành với sứ mạng truyền giáo, đó là Cha xứ GB Trương Thành Công, và cha phó cũng như những người cộng tác với cha xứ. Tôi cầu mong cho các ngài luôn hồn an xác mạnh, xin Chúa ban ơn thêm sức cho các ngài và chúc lành cho công cuộc truyền giáo các ngài đang đảm nhận... Xin Chúa cũng ban ơn bình an và sức khỏe, niềm vui cho những ai thành tâm mến Chúa và muốn học đạo. Xin cho họ bền tâm vững chí và trung thành giữ vững đức tin, và tiếp tục rao truyền Phúc Âm đến với những lương dân khác.

(Petit Coeur)