HƯƠNG VỊ THIÊN ĐÀNG

 

Rạch Vọp một Họ đạo và cũng là một giáo điểm truyền giáo cho lương dân, thuộc tỉnh Sóc Trăng, do Linh mục Gioan Baotixita  Trương Thành Công coi sóc. Đây là một vùng đất tôi được biết đến trong một dịp thường huấn truyền giáo mùa hè 2019 do Cha Gioan Baotixita hướng dẫn. Trong khóa thường huấn, tôi được trải nghiệm hết những điều mới lạ này đến những điều mới lạ khác về truyền giáo, nhưng đó không phải là chuyện cổ tích hay tiểu thuyết, mà là những kinh nghiệm truyền giáo cụ thể mà cha Gioan Baotixita, cha phó, quý sơ và giáo dân tại họ đạo đã, đang và tiếp tục thực hiện.

Hôm nay ngày 31 tháng 3 năm 2024 và cũng là ngày lễ Chúa Phục Sinh, tôi và quý chị cùng lớp được sơ giáo hướng dẫn và cùng đồng hành đến vùng đất truyền giáo này. Rạch Vọp một một cái tên làm tôi nôn nóng qua lời chia sẻ do cảm nhận của những người đã từng đến đây, và qua những hình ảnh thân thương, địa danh mà chúng tôi luôn mong ước được đặt chân đến, dù chỉ một lần. Hôm nay đã trở thành hiện thực. Với tôi,chuyến đi này là một món quà rất ý nghĩa Chúa Phục Sinh dành tặng cho tôi. Cũng trong chuyến đi này tôi cảm nhận sâu sắc sự đồng hành, đùm bọc yêu thương chở che của Chúa dành cho chúng tôi.

Như bạn đã biết, sau Thánh lễ Vọng Phục Sinh khoảng 22g30, ngày 30 tháng 3 năm 2024, chị em chúng tôi chào tạm biệt cộng đoàn và bắt đầu khởi hành chuyến đi đến giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp. Tất cả chị em chúng tôi đều rất hào hứng.Trên xe chúng tôi cười nói rộn rã về niềm vui Phục sinh và về vùng đất chúng tôi sắp được đặt chân đến. Tất cả niềm vui cùng sự hào hứng về vùng đất và con người ở đó, chúng tôi đã gói trọn trong những lời kinh kính mừng dâng Mẹ Maria, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa, cho chuyến đi được bình an và sinhnhiều hoa trái.

Như đã đề cập, chúng tôi cảm nhận được sự đồng hành và che chở của Chúa. Thật vậy, con đường từ cộng đoàn đến giáo điểm khá xa, và vì xe chúng tôi chạy suốt đêm, nên không ít những nguy hiểm rình rập trên đường đi. Thật vậy, vì quá buồn ngủ, nên bác tài xế đã mất lái và chút nữa là tông vào con lươn, nhưng Chúa gìn giữ, chở che cho chị em chúng tôi được tai qua nạn khỏi. Ngàicắt đặt “thiên thần” canh giữ bác tài xế, trò chuyện giúp bác bớt buồn ngủ. Dẫu vậy, Chúa cũng rất nuông chiều bác tài, để anh được nghỉ ngơi ít phút để phục hồi lại sức khỏe thể lý và rồi anh lại tiếp tục cuộc hành trình an toàn.

Chị em chúng tôi đã đến giáo điểm bình an vào khoảng 4g00 sáng ngày 31 tháng 3,chính ngày Lễ Chúa Phục Sinh. Sau khi trò chuyện đôi chút với cha sở, chị em chúng tôi bắt tay vào việc chia quà, có phần cho cả người lớn và trẻ em. Sau giờ Kinh Sáng Chúa Nhật Phục Sinh, khoảng 5giờ, chị em chúng tôi xuống ghe, cùng với hai chú tài công, để đi đón những lương dân ở các bến đợi. Trên suốt quãng đường chừng 15km chị em chúng tôi trò chuyện với Chú Tâm. Chú Tâm cho chúng tôi biết, chú đã làm công việc này suốt năm năm qua. Ngày thường trong tuần, chú đi làm thợ hồ, riêng Chúa Nhật chú dành ra để phụ giúp ông cố (cha sở). Chú cũng chia sẻ thêm,chiếc ghe của chúng tôi đang ngồi có sức chứa từ 80 đến 90 người.Và cứ mỗi sáng Chúa Nhật hầu hết bà con lương dân đều náo nức, có người thức trắng đêm, hồi hộp chờ đến sáng để được đến nhà thờ, đi lễ, học giáo lý… Hầu hết số lượng người đến mỗi tuần đều đặn, không giảm sút, nhưng có phần gia tăng nhiều, vì ấn tượng với lời mời gọi “Đến mà xem”. Chú Tâm cũng cho chúng tôi biết, bà con lương dân nơi đây, hầu hết là những người nghèo, họ thiếu thốn phương tiện di chuyển, nên phải dậy từ rất sớm, có thể từ 2-3 giờ sáng, đi bộ đến bến đợi, chờ ghecủa nhà thờ tới rước.Nghe chú nói, tôi đãthấy chạnh lòng trước vất vả và tấm lòng khao khát của đoàn người tìm Chúa. Tạ ơn Chúa, qua những lời chia sẻ của chú Tâm, tôi hiểu được phần nào tấm lòng mục tử lớn lao của Chúa Giê-su "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít", "Vậy anh em hãy cho họ ăn", "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa"...Nhìn cảnh chùa chiền san sát quanh hai bên bờ sông, lòng tôi dấy lên một thao thức, tôi ao ước hai bên bờ sông ngày càng có nhiều nhà thờ và nhiều linh mục, tu sĩ đến chăm sóc những đoàn chiên của Chúa tại vùng đất Rạch Vọp thân thương này.

Quay trở lại với thực tại, ghe của chúng tôi đã bắt đầu đón những bà con đầu tiên tại bến xa nhất, rồi đón những lương dân ở bến thứ hai, thứ ba...Nơi đây tôi bắt gặp những hình ảnh rất đẹp: mọi người lần lượt dắt dìu nhau xuống ghe, nhắc nhở nhau ngồi sát lại, để dành chỗ cho những người xuống sau, nhất là hình ảnh của một cô trạc 50 tuổi một tay dắt cháu gái, tay kia cầm bọc bánh khá nặng. Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, cô tặng cho mỗi người một cái bánh lá dừa nhân đậu xanh, nhân chuối... Hình ảnh mọi người nâng đỡ nhau, dành thời gian gói bánh chờ cuối tuần đi lễ tặng nhau, làm lòng tôi dâng trào niềm hạnh phúc. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được hưởng nếm hương vị thiên đàng ngay trên sông Rạch Vọp, ngay trong cuộc sống thường nhật vốn nhiều vất vả và khổ đau của chúng con.

Cũng trên chiếc ghe này, tôi được trò chuyện với cô Thiều, một lương dân theo đạo đến nay là năm thứ tám, cô đi với một người con trai út. Cô có dáng người mảnh khảnh, gầy gò, kham khổ...Tôi hỏi cô: "Cô ơi! Cô đi nhà thờ đến nay là tám năm rồi, vậy cô cảm thấy như thế nào khi đến nhà thờ?". Cô trả lời: "Tui thấy vui, bình an, và gia đình được Chúa che chở, giữ gìn". Tôi tiếp tục hỏi cô: "Giả như cô đến trễ và ghe đã đi mất thì cô làm sao?". Cô trả lời tôi: "Chắc chắn Chúa sẽ có cách giúp tui đến được nhà thờ".

Cảm phục trước lòng khao khát được đến với Chúa của cô, môi miệng tôi bỗng thốt lên lời chúc tụng Chúa, và tôi cũng cảm ơn cô vì cô đã truyền cho tôi ngọn lửa yêu mến Chúa, và ước nguyện được kết hợp khắng khít với Chúa ngày một hơn.

Trong Thánh lễ chính ngày Phục Sinh, khung cảnh của ngôi nhà thờ đơn sơ, cũng mang lại cho tôi nhiều bất ngờ trong tâm trí. Tôi không thể tưởng tượng được lại có nhiều người lương dân tham dự Thánh lễ đến như vậy. Thật thế, ngôi nhà thờ dần chật kín người, ngoài những tân tòng, số người lương chiếm 2/3 nhà thờ. Tất cả tham dự Thánh lễ cách cung kính, long trọng, qua những câu đối đáp, kinh đọc và cử chỉ tôn kính, đứng ngồi y như các người tín hữu lâu năm. Ngoài ra, việc tập hát trước lễ, tham gia ca đoàn, đọc sách thánh, đọc lời nguyện... đều do thiếu nhi lương dân đảm trách.Các em hoàn thành công tác với một tấm lòng yêu mến, kính trọng như một người con ngoan của Chúa.

   Chuyến tham quan này đã làm khơi lên trong lòng tôi từ điều mới lạ này đến những điều tuyệt diệu khác, mà sách vở, trường lớp không thể nào cung ứng, và đã gợi lên trong lòng tôi những tình cảm sâu đậm dường nào. Tôi mơ một ngày trong tương lai "không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, là nô lệ hay tự do, lương dân hay Công giáo" nữa... Một ngày mà tất cả mọi người biết dìu dắt nhau, mọi người “chia cơm sẻ áo” trao cho nhau những chiếc bánh cái kẹo, nhất là mang Chúa đến cho nhau, như Đức Mẹ đã mang Chúa đến cho mọi người. Tôi tìm thấy nơi đây -vùng đất Rạch Vọp thân thương này, và đặc biệt trong Thánh lễ dành cho lương dân, những điều làm cho ước mơ của tôi thành hiện thực- Rạch Vọp nơi thấm đượm hương vị Thiên Đàng.

 

Matta TRẦN THỊ TRUYỀN