CHIÊM NGẮM CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN

CHIÊM NGẮM CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN

NƠI HỌ ĐẠO RẠCH VỌP – GP. CẦN THƠ

 

LỜI MỞ

Trong Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng cứu thế) Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã viết rằng: “Chúa Thánh Thần thực sự là tác nhân chính yếu cho toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.” Qủa thực, chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn việc truyền giáo của Giáo Hội (x. RM 24) khiến toàn thể Giáo Hội truyền giáo (x. RM 26, 27); Không những thế, Thánh Thần còn hiện diện và sinh động mọi nơi, mọi lúc không bị giới hạn bởi không gian và thời gian (x. RM 28, 29). Ngài hoạt động trong lòng mọi người, qua những “hạt giống Lời Chúa”, khơi dậy một thao thức khôn nguôi tìm về Thiên Chúa, Đấng là chân, thiện, mỹ nơi những ai chưa nhận biết Người. (x. RM 28)

Hôm qua, hôm nay và ngày mai, Thánh Thần sẽ luôn là tác nhân chính của sứ vụ truyền giáo (x. RM 30). Giáo Hội chính là công trình vĩ đại mà Thánh Thần đã xây dựng với biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2, 1 – 4). Qua dòng thời gian, Thánh Thần tiếp tục thực hiện các công trình của Ngài trong lòng thế giới, gầy dựng Giáo Hội ở khắp năm châu nhất là trong các tâm hồn thành tâm tìm kiếm Chúa.

Hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra dấu vết sự hiện diện và sinh động của Thánh Thần nơi có các tín hữu với đời sống đức tin vững mạnh hay nơi có nhiều Ki-tô đã mất đi cảm thức đức tin, thậm chí ở cả những nơi có nhiều người chưa được nghe biết Tin Mừng. Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Thần liên lỉ thực hiện việc sáng tạo, tác động của Ngài luôn mới mẻ. Dừng chân nơi Họ đạo Rạch Vọp thuộc Giáo Phận Cần Thơ – một xứ đạo bé nhỏ, xa xôi miền Tây sông nước chúng ta chiêm ngắm một công trình của Thánh Thần đang thực hiện nơi Họ đạo, nhất là nơi tâm hồn anh chị em lương dân nơi đây để rồi cùng nhau chúng ta chia sẻ niềm vui vì Tin Mừng được loan báo và cùng nhau thốt lên rằng: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4,20)

 

I. HÃY THUẬT LẠI NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY VÀ TAI NGHE

Hãy thuật lại những điều mắt đã thấy, tai đã nghe (x. Mt 11, 4). Đây chính là lời của Đức Giê-su nói với các môn đệ của ông Gioan khi họ đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3). Đức Giê-su đã trả lời bằng cách mời họ về thuật lại cho Gioan đang ở trong tù biết những việc Người đã làm: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 5). Qua cách trả lời này, Đức Giê-su gián tiếp nói rằng: ở đâu Tin Mừng được loan báo ở đó có sự hiện diện của Đấng Mê-si-a và hẳn nhiên nơi đó chắc chắn có dấu vết sự hoạt động của Thánh Thần. Trong bài viết này, tôi xin được thuật lại những điều mắt đã thấy và tai đã nghe nơi Họ đạo Rạch Vọp – một giáo điểm truyền giáo đầy sức sống.

 

1/ Tên gọi Rạch Vọp

Rạch Vọp, một cái tên là lạ khiến ai nghe cũng muốn tìm hiểu xem Rạch Vọp nghĩa là gì. Đây là tên của một giáo xứ thuộc Giáo hạt Đại Hải, Giáo phận Cần Thơ cách thành phố Cần Thơ khoảng 30km, thuộc ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Tỉnh Sóc Trăng. Người xưa người nay truyền lại cho nhau: trước kia ở chỗ này chỉ toàn lau sậy, rừng rậm hoang vu với nhiều thú rừng đi lại từng đàn tạo ra những con đường mòn. Theo thời gian, những lối mòn đó trở thành những con rạch nhỏ, hai bên xuất hiện rất nhiều con vọp, giống như con sò. Có lẽ vì thế mà cái tên Rạch Vọp ra đời cho đến nay. Giáo xứ có vị thế rất đẹp nằm ngay cạnh một dòng sông đổ ra sông Hậu, nhưng vì ở sát bờ sông nên nhiều lần bị sạt lở nghiêm trọng và phải mất nhiều công sức để xây dựng lại.

Hạt giống đức tin hiện diện nơi Họ đạo Rạch Vọp vào khoảng năm 1933, nhưng mãi đến năm 1989 mới có cha Micae Trần Đình Nha được bổ nhiệm làm chánh sở tiên khởi. Ngày 27/ 04/ 2004, Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục Cần Thơ chính thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Rạch Vọp. Trong suốt nhiều năm liền, dù thiếu vắng linh mục, giáo dân vẫn duy trì nếp sống đạo đức, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tháng 08/2000, cha Philipphê Nguyễn Văn Hùng được Đức cha Emmanuel bổ nhiệm làm chánh xứ. Đến 2016, cha Gioan Baotixita Trương Thành Công được sai về Rạch Vọp để tiếp tục chăm sóc đời sống cho bà con tại nơi đây cả lương lẫn giáo.

 

2/ Nơi đó, tôi đã thấy & đã nghe

Trước đây khi chưa có cơ hội đến Rạch Vọp, qua các bài viết trên mạng xã hội và cả khi được cha Gioan Baotixita Trương Thành Công kể về công việc truyền giáo tại đây tôi cũng chỉ mường tượng đôi chút theo những gì được nghe. Cho đến khi lớp Mục vụ truyền giáo chúng tôi được may mắn đến thăm Họ đạo trong chuyến thực tế truyền giáo vào ngày 27, 28/ 01/2024 vừa qua, tôi mạnh mẽ quả quyết rằng đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”. Khi chứng kiến tận mắt tất cả những gì Cha Gioan Baotixita mà người dân ở đây vẫn quen gọi là “ông cố” đang đồng hành với bà con lương dân tại đây, tôi chỉ biết thốt lên rằng: Đây là một công trình của Chúa Thánh Thần!

Chúng tôi đến giáo xứ vào lúc xế chiều, Cha Gioan Baotixita chào đón đoàn thật nồng nhiệt và chu đáo với bữa cơm tối thân tình, đạm bạc nhưng mang đậm hương vị miền Tây sông nước thật khó quên. Sau cơm tối, cha mời chúng tôi tham dự buổi đọc kinh online với bà con. Cha cho biết, mỗi tối cha và cha phó thay nhau chủ sự giờ kinh tối cho bà con giáo dân và cả lương dân. Có khoảng 200 người tham dự đều đặn và rất ít khi vắng. Trước khi đi nghỉ, cha gặp gỡ và chia sẻ với chúng tôi tổng quát về sinh hoạt của ngày chúa nhật hôm sau.

Sáng sớm, vào lúc 5.30 khi bình minh chưa ló dạng, chúng tôi chia nhau trên ba chiếc ghe nhỏ men theo vàm sông Hậu để đi đón bà con lương dân tham dự Thánh Lễ. Chiếc ghe nổ máy lướt trên sóng vươn mình trên dòng sông trong khung cảnh thinh lặng. Ánh trăng sáng hòa trên dòng nước thật lung linh. Sau khoảng 45 phút, chiếc ghe mới đến được điểm đón bà con rồi vòng ngược trở về.

Ở trên chiếc che nhỏ có khoảng gần 30 người với nhiều độ tuổi khác nhau. Có những người đã thức dậy từ rất sớm rồi đi bộ ra các điểm chờ ghe đón cả hơn một tiếng đồng hồ, cứ đều đặn như vậy có người 3,4 năm, có người cũng chỉ một vài tháng. Trên tay mỗi người đem theo trái mận, quả bí, ít gạo...để làm lễ vật dâng Chúa. Thật đơn sơ, chất phác chừng nào...

Lúc về, chiếc ghe chạy ngược dòng sông, nước tóe lên người mát rượi. Bình minh cũng lấp ló trên mặt nước tựa viên ngọc tỏa rạng ánh vàng trải khắp mặt sông. Cảnh đẹp nên thơ, mọi người thinh lặng chiêm ngắm và hướng lòng về Đấng ở trên cao. Thoáng chút đã thấy tháp chuông và mái tôn nhà thờ hiện rõ chữ “Họ đạo Rạch Vọp” ở phía trước. Bước qua chiếc cầu nhỏ, mọi người được “ông cố” và quý ông trong ban hành giáo đón tiếp niềm nở. Ai nấy nhận bảng tên theo lớp của mình. Một số người đến khu vực chăm sóc sức khỏe, khai bệnh, nhận thuốc. Một số vào thẳng nhà thờ. Số khác đến đọc kinh ở Đài Đức Mẹ. Mấy bạn nhỏ thì chạy tung tăng vui mừng gặp lại các bạn khác.

Chỉ ít lâu sau nhà thờ đã chật người. Mỗi người được ngồi theo dãy ghế của nhóm mình. Có dãy cho thiếu nhi, dãy cho các bạn trẻ, dãy cho các ông bà tân tòng, dãy cho những người mới đến, muốn tìm hiểu và học đạo. Ai nấy sốt sắng thưa kinh hát lớn. Một thiếu nữ chừng mười sáu tuổi tập hát trước Thánh lễ cho mọi người, có ca đoàn, người đánh đàn, đánh nhịp...Một Thánh Lễ dành cho anh chị em lương dân được cử hành thật sốt sắng, trang nghiêm. Nếu chỉ tham dự mà không được nói cho biết trước, có lẽ ai cũng nghĩ rằng đây là Thánh lễ của các giáo dân của xứ đạo lâu năm.

Từ bất ngờ đi đến thán phục vì thấy bà con lương dân được chăm sóc về đời sống đạo rất cẩn thận và chu đáo. Họ được cha hướng dẫn rất kỹ về từng cử chỉ, nghi thức trong phụng vụ; được nghe cắt nghĩa Lời Chúa dễ hiểu, phù hợp; về cả những tâm tình, thái độ cần có khi đến với nhà Chúa... Một bầu khí đức tin sống động giữa các anh chị em lương dân.

Thánh lễ kết thúc mỗi người nhận một phần ăn sáng. Sau điểm tâm nhẹ các lớp học giáo lý bắt đầu. Mọi người vào lớp của mình với tên gọi như: Đến mà xem; Muốn làm quen; Khai tâm; Dự tòng; Tân tòng; Bồi dưỡng; lớp dành cho thiếu nhi-thiếu niên và tráng niên…

Cha Gioan Baotixita dẫn chúng tôi đến thăm từng lớp học, mọi người chăm chú lắng nghe và tiếp nhận những chia sẻ về Chúa một cách đơn sơ chân thành. Từ lớp của các cụ ông cụ bà U70 đến lớp của các bé thiếu nhi mới 6, 7 tuổi. Tin Mừng được loan báo cho bà con lương dân bất chấp cái nắng ban trưa dưới mái tôn hấp nóng.

Giờ giáo lý kết thúc, trước khi mọi người chào tạm biệt nhau và ra về, cha Gioan Baotixita tập trung bà con từ già đến trẻ em để gởi họ những phần quà của các vị ân nhân tặng. Một hình ảnh ấn tượng đó là, không ai chen lấn ai, tất cả đều xếp hàng chờ đến phiên mình để nhận quà. Đây là kết quả mà theo cha cho biết là phải sau một thời gian dài giáo dục và hướng dẫn vì ban đầu họ không có thói quen như thế! Mọi người vui vẻ nhận quà, cám ơn cha và các vị ân nhân. Chiếc xe đa dụng và những chiếc ghe đã sẵn sàng để đưa bà con trở về với gia đình. Kết thúc một buổi sáng tràn niềm vui Tin Mừng.

Ngược ra cổng nhà thờ, tôi thấy một gian hàng nhỏ với dòng chữ: Ai có đến cho – Ai cần đến nhận. Đây là một không gian của lòng bác ái. Ai có quần áo không dùng nữa đem đến để những ai cần có thể đến tự do lựa chọn.

Gặp gỡ cha Gioan Baotixita, tôi được lắng nghe những thao thức của ngài cho sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi đây. Ngoài việc chăm sóc cho bà con giáo dân, cha còn ưu tư và luôn tìm kiếm những cách thức để có thể giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân, cuốn hút họ đến với Chúa không bằng tài khéo của riêng mình nhưng bằng đời sống cầu nguyện, bằng lắng nghe hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Khi có cơ hội gặp gỡ các cộng tác viên của Họ đạo lắng nghe những chia sẻ của họ, tôi được biết: chính vì cảm phục trước tinh thần hy sinh và hết lòng lo cho bà con nơi đây của cha Gioan Baotixita mà các anh chị đã sẵn sàng trước lời ngỏ của cha mời đến Họ đạo dạy giáo lý. Dù sau một tuần làm việc mệt mỏi các anh chị vẫn chạy từ Thành phố Cần Thơ xuống Rạch Vọp dành trọn một ngày Chúa Nhật dạy giáo lý cho bà con lương dân.

Còn các bà cụ mới theo đạo ít năm cũng tâm sự: dù bận cỡ nào cũng không bao giờ bỏ lễ, vì một tuần mới có cơ hội đi nhà thờ một lần. Sáng giật mình dậy lúc nào là thức luôn lúc đó, có khi mới 3 giờ sáng rồi ngồi lần hạt, đọc kinh chờ đến khoảng 4, 5 giờ sáng đợi xe đa dụng của giáo xứ đến đón đi lễ luôn chứ ngủ lại là sẽ quên, sẽ bị mất lễ. Có những em thiếu nhi theo người thân, cha mẹ đi lễ, khi được hỏi điều gì khiến các em thích nhất mỗi khi đến nhà thờ. Các em nói rằng: đến nhà thờ con thấy mình được thương!

Số lương dân đến nhà thờ mỗi ngày một tăng, hàng tuần có khoảng 350 người, rồi mỗi tuần đều có những thành viên mới đến nhà thờ lần đầu tiên theo phương thức “một cặp một” mà cha Gioan Baotixita đã hướng dẫn họ. Quả thật là một niềm vui lớn cho Họ đạo!

Ở họ đạo Rạch Vọp, tôi đã thấy một tình thân hữu nồng ấm, thấy tình Chúa chan hòa, tình người bao la, thấy bà con lương dân được quan tâm chăm sóc không chỉ về đời sống tâm linh nhưng cả về tinh thần, vật chất, sức khỏe, nhân bản... Tôi thấy họ được yêu thương. Bà con lương dân cảm nhận Thiên Chúa thật gần ngang qua những nghĩa cử yêu thương mà cha Gioan Baotixita và Họ đạo đã dành cho họ. Nơi Họ đạo bé nhỏ này, tôi thấy hạt giống Lời Chúa được gieo trồng, thấy sức năng động của Thần Khí tràn ngập Họ đạo. Không những thế, tôi còn nghe được âm vang của cõi lòng đầy lòng biết ơn mà bà con lương giáo dành cho cha Gioan Baotixita khi thấy cha hy sinh chăm sóc, yêu thương họ. Tôi còn nghe được nhịp đập trái tim của vị mục tử đêm ngày thao thức cho Tin Mừng được lớn lên trong tâm hồn những người dân nơi đây, một trái tim tràn đầy tình yêu làm phát sinh những sáng kiến truyền giáo tuyệt vời để Đức Ki-tô được mọi người nhận biết và yêu mến.

 

II. CÁC SÁNG KIẾN TRUYỀN GIÁO

Tình yêu phát sinh sáng kiến. Chính vì yêu thương con người mà Thiên Chúa đã có “sáng kiến” cứu độ con người theo cách của riêng Ngài. Khi yêu thương người ta có muôn vàn cách thức để biểu lộ tình yêu. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng rất cần các sáng kiến để giới thiệu Chúa cho những ai chưa được nghe biết về danh Đức Ki-tô. Chính Thánh Thần đã khơi lên nơi cha Gioan Baotixita thao thức loan báo Tin Mừng và hướng dẫn Ngài có những sáng kiến truyền giáo cụ thể, thiết thực phù hợp như sau:

 

1/ Có đường hướng truyền giáo rõ ràng

Để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng, cha Gioan Baotixita đã đề xuất một đường hướng truyền giáo được cụ thể thành từng bước như sau:

  • Bước 1: Xác định đối tượng truyền giáo là anh chị em lương dân, đang sống trong họ đạo do cha coi sóc. Đây là anh chị em mà trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng chúng ta cần quan tâm đem Chúa đến cho họ.
  • Bước 2: Đưa lương dân đến nhà thờ với tiến trình như sau: 

Gặp gỡ, tiếp cận
Xây dựng tình thân
Chia sẻ ân phúc
Mời “đến mà xem”

  • Bước 3: Tạo cơ hội để quy tụ anh chị em lương dân bằng cách dâng Thánh lễ chúa nhật hàng tuần, các lễ hội, các buổi nói chuyện chuyên đề, khám bệnh, phát quà, văn nghệ…
  • Bước 4: Trợ giúp phương tiện đi lại. Vì nhiều anh chị em lương dân sống xa nhà thờ, ở các kênh rạch không có phương tiện đi lại. Vì thế, cha Gioan Baotixita đã sẵn sàng cho xe đa dụng, các ghe máy đưa rước lúc đi khi về để bà con yên tâm và không bị gián đoạn việc tham dự các sinh hoạt với họ đạo.
  • Bước 5: Giúp lương dân gặp gỡ Chúa để được biến đổi qua Thánh lễ chúa nhật hàng tuần, các lớp giáo lý. Cha Gioan Baotixita xác tín rằng thật cần thiết việc bà con lương dân được gặp Chúa để Ngài biến đổi họ. Cha cho biết: “chính bà con lương dân nhận thấy nơi mình có những biến đổi sau một thời gian học biết Chúa như: biết khấn xin, biết cầu nguyện, vui sống, suy nghĩ tích cực, biết ứng xử, dễ thương với mọi người, dễ tha thứ, biết thực thi bác ái, gia đình được êm ấm, con cái hiếu thảo, thấy được an ủi, được chữa lành, kinh tế ổn định... Nhờ đó, bà con gia tăng niềm tin khi đến với Chúa.

 

2/ Giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân

Trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng đó chính là loan báo Chúa Giê-su Ki-tô – vì chúng ta biết rằng: “Với Đức Kitô, cuộc đời trở nên phong phú hơn và với Ngài ta sẽ dễ tìm thấy ý nghĩa trong mọi sự hơn. Đó là lý do chúng ta loan báo Tin Mừng” (EG 266). Bên cạnh đó, “người truyền giáo xác tín rằng, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần đã hiện hữu trong các cá nhân và các dân tộc, dù chỉ trong tiềm thức, một sự mong đợi được biết chân lý về Thiên Chúa, về con người, và về cách làm thế nào để được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Sự phấn khởi của người truyền giáo trong việc loan báo Đức Kitô xuất phát từ niềm xác tín rằng Ngài đang đáp ứng niềm mong đợi ấy” (EG 265). Chính vì thế, tại Họ đạo Rạch Vọp ngoài việc chăm sóc cho bà con giáo dân, Cha Gioan Baotixita dưới tác động của Chúa Thánh Thần đã tìm mọi cách thức để giới thiệu Chúa Giê-su cho bà con lương dân và giúp họ nhận biết dung mạo Đấng Cứu Thế với bốn đặc nét sau:

  • Chúa Giê-su là lương y:

Ngang qua việc chăm sóc sức khỏe thể lý và chữa bệnh cho bà con lương dân với lời nguyện: “ Lạy Chúa Giê-su là lương y quyền năng, xin cứu chữa hồn xác con”

  • Chúa Giê-su là linh sư:

Giới thiệu Chúa Giê-su là Thầy dạy đường chân lý ngang qua việc việc lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý, nhắc nhở sửa dạy…

  • Chúa Giê-su là mục tử

Cha Gioan Baotixita giới thiệu cho bà con lương dân dung mạo của Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành biết từng con chiên và nhu cầu của chiên. Vì vậy hai việc đi đôi luôn có ở Rạch Vọp đó là: “Nuôi – dạy; Ăn – học” và hỗ trợ lương thực thiết yếu cho họ cách định kỳ (5kg gạo/người/ tháng)

  • Chúa Giê-su là Đấng Emmanuel

Đặc nét này của Chúa Giê-su được cha diễn tả ngang qua việc thăm viếng bà con lương dân như một sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân người. Thăm viếng này giúp kết nối tình thân, khích lệ và giúp lương dân kiên trì học đạo và theo đạo. Việc thăm viếng này được tổ chức cách định kỳ, nhất là những lúc họ vắng khỏi các Thánh Lễ hoặc giờ giáo lý.

 

3/ Huấn luyện lương dân sống bác ái yêu thương

  • Dạy lương dân biết nhận

Thường lương dân đến nhà thờ nhằm tìm quà cáp vật chất, rồi vì hoàn cảnh đa số là người dân nghèo, thất học nên kém văn hóa, luôn tranh giành, chen lấn…Trước thực tế đó, cha Gioan Baotixita đã giáo dục họ biết NHẬN bằng hai cách:

  • Nhận cách công bằng: chỉ nhận phần của mình, vừa đủ theo nhu cầu và theo phân phối, biết kiên nhẫn chờ đợi bằng cách xếp hàng. Ai đến trước nhận trước, ai đến sau nhận sau, biết trả lại cho người khác những gì không phải là của mình.
  • Nhận với lòng biết ơn: luôn biết ơn, nói lời cám ơn và nhớ cầu nguyện cho các ân nhân, biết tiết kiệm và sử dụng qua tặng đúng mục đích.
  • Tập lương dân biết cho

Tạo dịp để họ chia sẻ qua tặng cho người nghèo hơn, theo lương tâm) như việc chuyển qua về giúp, lựa chọn quần áo cho hàng xóm). Nhờ đó, họ dần biết quan tâm đến người khác, biết cho đi, biết giúp đỡ, biết “chia sẻ ân phúc”. Theo cha Gioan Baotixita đó là bước đầu của việc loan báo Tin Mừng.

 

4/ Vận dụng lương dân vào việc truyền giáo

Với cha Gioan Baotixita, lương dân không chỉ là đối tượng được nghe loan báo Tin Mừng, đối tượng để truyền giáo, nhưng mỗi lương dân còn là một tông đồ truyền giáo cho lương dân khác. Vì thế, cha có những sáng kiến sau để thực hiện việc đào luyện lương dân truyền giáo đó là:

  • Chuyển quà và thư mời:

Mỗi quà tặng cho lương dân có hai phần. Một phần lớn, một phần nhỏ, cha nhờ họ đem phần nhỏ hơn về xóm và chia sẻ cho một người nào đó có hoàn cảnh túng thiếu hơn. Việc chia sẻ này lặp đi lặp lại rồi chuyển qua hình thức khác như nhờ chuyển thư mời thay vì quà. Như vậy, lương dân này trở thành nhà truyền giáo cho lương dân khác, rồi cùng đồng hành với họ đến nhà thờ tham dự các dịp lễ khác nhau.

  • Phương thức truyền giáo “1 cặp 1”

Đây là phương thức được áp dụng theo cách truyền giáo của Giáo Hội Hàn Quốc, cứ một gia đình Công giáo kết thân với một gia đình ngoại giáo. Cha Gioan Baotixita cũng sử dụng phương cách này ở Họ đạo Rạch Vọp. Cứ một người đến nhà thờ thì sẽ rủ thêm một gia đình lương dân khác cùng đi với mình. Vì vậy, mỗi chúa nhật hay có những bà con lương dân mới đến tham dự Thánh Lễ và học giáo lý. Các bạn trẻ và các em thiếu nhi cũng sử dụng cùng một phương thức này.

 

5/ Thiết lập nhóm cộng tác viên truyền giáo

Trong sắc lệnh Ad Gentes – Đến với muôn dân nói đến vai trò của toàn thể Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo như sau: “Toàn thể Giáo Hội đều phải truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hoá là nhiệm vụ căn bản của đoàn Dân Chúa”(AG 35). Vì vậy, việc truyền giáo không được hiểu chỉ dành cho các giám Mục, Linh Mục hay Tu sĩ nhưng là của tất cả những ai đã là Ki-tô hữu: “Vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống, được tháp nhập và nên đồng hình đồng dạng với Người nhờ bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên tất cả các Kitô hữu đều có bổn phận phải cộng tác vào việc tăng trưởng và phát triển Thân Thể Người, để nhanh chóng đạt tới tầm vóc viên mãn...Khi đã cảm thấy hoạt động truyền giáo là việc của mình, các tín hữu mở rộng tâm hồn đáp ứng những nhu cầu bao la và thâm sâu của con người và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.” (AG 36)

Dựa trên nền tảng này, cha Gioan Baotixita đã mời gọi và quy tụ các cộng tác viên để cùng với ngài thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong cách thức và khả năng của họ. Có những người đã gắn bó với Họ đạo từ rất nhiều năm và cùng trải nghiệm niềm vui khi thấy sự phục vụ của mình trong công cuộc loan báo Tin Mừng sinh hoa kết trái, đó là có nhiều anh chị em lương dân đã xin theo đạo và được rửa tội để trở thành con Chúa.

 

6/ Sử dụng phương tiện truyền thông

Phương tiện truyền thông là một trong những phương thế loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Tính hiệu quả khi rao giảng Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông hệ tại ở việc mang lại cho con người những chân lý giá trị mà nó nâng đỡ và nâng cao phẩm giá con người.” Vì thế, những buổi đọc kinh online, những group zalo để thường xuyên thông tin nhắc nhở về các sinh hoạt của Họ đạo được cha Gioan Baotixita thiết lập. Trong nhà thờ, cha dùng tivi để hướng dẫn cách đọc kinh, đọc Lời Chúa, cắt nghĩa các cử hành phụng vụ cho lương dân, cha còn in ấn các sách kinh nhỏ bỏ túi gởi tặng cho bà con lương dân đem về…

 

Không những thế cha Gioan Baotixita còn chia sẻ cho nhiều người những cách thức sử dụng phương tiện truyền thông để có thể dạy giáo lý một cách thu hút theo hướng dẫn của Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (Inter Mirifica): “mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian…” (IM 13)

Với một số sáng kiến điển hình được nêu trên cũng giúp chúng ta chiêm ngắm rõ ràng hơn công trình Chúa Thánh Thần đang thực hiện nơi Họ đạo Rạch Vọp. Không những thế, chúng ta còn được chiêm ngắm một khí cụ mà Chúa Thánh Thần sử dụng để loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đó chính là con người và cung cách phục vụ của cha vì chính cha đã mở lòng mình cho Thánh Thần để Ngài hướng dẫn mọi hoạt động trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. EG 259). Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khuyến khích chúng ta hãy đến gần những nguồn sống động và những chứng nhân này, “những người đã làm sống lại niềm say mê Tin Mừng trong Giáo hội, để các ngài có thể giúp chúng ta nhen nhóm lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần luôn muốn đốt cháy trong chúng ta.” (trích 12 lời khuyên của ĐTC Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng)

 

III. DUNG MẠO VỊ MỤC TỬ TRUYỀN GIÁO

Vừa đến cổng vào của Họ đạo Rạch Vọp, một dòng chữ thật lớn trước mái hiên của dãy phòng giáo lý đã thu hút sự chú ý của con: Yêu thương không mong đền trả…Có lẽ đây cũng chính là tâm niệm sống của cha Gioan Baotixita khi về Họ đạo Rạch Vọp. Mọi sự cha làm cho bà con nơi đây hoàn toàn là vô vị lợi và không mong được đáp đền. Có lẽ lý do duy nhất khiến cha hăng say loan báo Tin Mừng đó là tình yêu của Chúa Giêsu mà cha đã lãnh nhận, càng yêu mến Chúa bao nhiêu thì càng hăng say loan báo Tin Mừng bấy nhiêu. (x. EG 264)

Trong chuyến thực tế này, con thấy Họ đạo thật hạnh phúc biết bao vì có được một vị mục tử hết lòng lo cho giáo dân và hết lòng cho truyền giáo cho lương dân. Sau đây là vài nét phác họa dung mao một vị mục tử truyền giáo ở giữa đoàn chiên, thấm mùi chiên mà con được thấy nơi cha Gioan Baotixita:

 

1/ Chạnh lòng thương dân

Như xưa “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36), hôm nay, Cha Gioan Baotixita cũng mang nơi mình những tâm tình của Đức Giê-su. Nhìn thấy quanh Họ đạo có nhiều lương dân, với cõi lòng của người mục tử cha đã suy nghĩ tìm tòi nhiều cách thức để có thể đưa họ đến với Chúa, giúp họ nhận biết Chúa. Chính nhờ cõi lòng mục tử đã phát sinh nhiều sáng kiến truyền giáo để biết bao anh chị em lương dân được nghe biết Tin Mừng.

 

2/ Chăm sóc sức khỏe thể xác & tâm hồn

“Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14). Đức Giê-su không chỉ giảng Lời Chúa cho họ nhưng còn quan tâm đến sức khỏe thể lý của họ. Ngài chạnh thương khi thấy nhiều người đau ốm bệnh tật và Ngài đã chữa lành cho họ. Ở Họ đạo Rạch Vọp, bà con “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14). Đức Giê-su không chỉ giảng Lời Chúa cho họ nhưng còn quan tâm đến sức khỏe thể lý của họ. Ngài chạnh thương khi thấy nhiều người đau ốm bệnh tật và Ngài đã chữa lành cho họ. Ở Họ đạo Rạch Vọp, bà con lương dân được quan tâm chăm sóc về sức khỏe. Trước và sau Thánh Lễ ở một khu vực dành riêng trong sân nhà thờ có các bác sĩ đến khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con. Mỗi lần đến nhà thờ bà con lương dân vừa được chữa lành cả tâm hồn lẫn thể xác. Nhờ đó, họ cảm nghiệm được Chúa Giê-su thật sự là vị lương y nhân hậu, là Đấng chữa lành mọi thương tích thể xác tâm hồn.

 

3/ “Chính anh em hãy cho họ ăn.” (Mt 14, 16)

Được thôi thúc bởi Lời của Chúa Giê-su: Hãy cho họ ăn! Cha Gioan Baotixita lo lắng cho bà con lương dân sao để khi phần hồn đã say Lời Chúa thì phần xác cũng được no đủ. Đây chính là cách thức đức tin hành động nhờ đức ái như Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã viết: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2, 15 – 16). Tình thương của cha Gioan Baotixita dành cho họ thật cụ thể, thiết thực, chạm được đến trái tim của bà con lương dân.

 

4/ Biết từng con chiên

“Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga 14, 27). Điều khiến tôi ngưỡng mộ nơi cha Gioan Baotixita đó là sự quan tâm cá vị. Cha dẫn chúng tôi đến thăm các lớp giáo lý và cha có thể nhớ rõ tên từng người trong lớp, hoàn cảnh ra sao, đã theo học giáo lý được bao lâu, nhà ở chỗ nào…Đúng là một vị mục tử biết rõ từng con chiên của mình. Bên cạnh đó, mỗi lớp cha còn làm một bảng điểm danh để quan tâm dõi theo họ trong việc học đạo. Cha khích lệ họ với những “phần thưởng” tùy theo mức độ chuyên cần của mỗi người.

 

5/ Ân cần tiếp đón, vui tươi

Cha Gioan Baotixita dáng người thanh cao, tác phong nhanh nhẹn, mái tóc điểm hoa râm…dù đã ngoài bảy mươi nhưng dường như nụ cười không bao giờ tắt trên khuôn mặt. Cha đón tiếp mọi người thật ân cần, niềm nở với đầy lòng hiếu khách. Với bà con lương dân cha càng quan tâm hơn. Cha xuống tận bến ghe để đón họ vào nhà thờ và tận tình hướng dẫn, thăm hỏi họ. Nơi cung cách của cha toát lên sự hiền lành, dễ mến khiến ai cũng dễ dàng bắt chuyện khiến tôi nhớ đến lời của ĐTC Cha Phanxicô: “Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”. Không có niềm vui, việc loan báo Tin Mừng là vô ích. (trích 12 lời khuyên của ĐTC Phanxico để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng)

 

6/ Quảng đại trao ban - sẵn sàng cho sứ mệnh

Cha chia sẻ với nhóm chúng tôi rằng: mỗi khi Họ đạo nhận được sự giúp đỡ của các ân nhân, cha không giữ lại bất cứ cái gì lâu nhưng đều tìm dịp để trao tặng bà con lương dân. Không những thế, cha còn rất sẵn sàng cho sứ mệnh. Một chị cộng tác viên cho chúng tôi biết, để các anh chị có phương tiện đi lại phục vụ cho việc dạy giáo lý hàng tuần vì quãng đường từ nơi các anh chị ởthành phố Cần Thơ đến Rạch Vọp khoảng 30km, cha Gioan Baotixita đã không ngần ngại tìm cách sắm một chiếc xe bảy chỗ để các anh chị có thể sử dụng.

Cha sống giản dị nhưng lại rất hào phóng với mọi người và nhất là quảng đại và sẵn sàng mọi sự để phục vụ cho công việc truyền giáo vì tin rằng: khi cho đi thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. “Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6, 38)

 

7/ Không chạy theo thành tích, nhưng giáo dục đức tin vững chắc

Trong quá trình truyền giáo cho lương dân, cha cho biết khoảng ba năm, cha mới rửa tội một lần chứ không rửa tội đại trà, ai xin cũng cho. Mục đích thời gian học đạo kéo dài là để bà con lương dân thấm giáo lý của Đạo Công giáo cách vững chắc. Đó cũng có thể được xem như thời gian “thử thách” lòng trung thành theo Chúa của họ. Đường hướng truyền giáo của cha không nhắm đến việc có đông lương dân theo đạo, nhưng nhắm đến giúp họ có một đời sống đạo vững chắc, để sau này dù ở bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ giữ đạo và dạy con cái sống đạo. Đây là sự khác biệt so với nhiều hoàn cảnh học giáo lý tân tòng mà tôi được biết hiện nay. Điều này ghi khắc trong tôi xác tín của Đức Cố Giáo Hoàng Benedicto XVI: “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Nhưng đúng hơn là Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút.” Và Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta không loan báo một đảng phái chính trị, cũng không một hệ tư tưởng, không: chúng ta loan báo Chúa Giêsu”. Truyền giáo có nghĩa là đưa “Chúa Giêsu tiếp xúc với mọi người, không thuyết phục họ, nhưng để Chúa thuyết phục”.

 

8/ Hiến mình vì đoàn chiên

Dù đón tiếp, lo lắng sắp xếp chương trình cho nhóm chúng tôi, cha vẫn không bỏ “đoàn chiên” của mình. Từ 5 giờ sáng cha lo cho chúng tôi theo ghe đi đón bà con lương dân đến dự lễ. Từ lúc đó, cha luôn hiện diện ở sân nhà thờ cho đến hết buổi trưa. Tôi thấy cha nhanh nhẹn đi từ nơi này sang nơi khác, quan tâm hỏi thăm bà con. Tôi và một số thành viên trong lớp cũng khá mệt dưới nắng trời oi bức, có một vài người tìm chỗ ngồi nghỉ ngơi. Tôi cũng định kiếm một góc nào đó để ngồi cho đỡ mệt. Nhưng lúc ấy nhìn thấy cha vẫn cứ đi hết từ hàng này sang hàng để sắp xếp phát quà cho bà con nhanh được về. Chẳng thấy cha ngồi chút nào!

Tôi thầm nghĩ: Ở tuổi thất thập cổ lai hy như vậy, cha cũng có thể ở trong phòng máy lạnh nghỉ ngơi và để những công việc này cho cha phó hoặc ban hành giáo thực hiện. Nhưng cha đã không tìm sự nghỉ ngơi cho mình mà dâng hiến tất cả thời gian, sức khỏe để phục vụ cho bà con lương dân. Nơi cha Gioan Baotixita tôi nhìn thấy hình ảnh của một vị mục tử hiến mình vì đoàn chiên và thấm mùi chiên theo gương của Chúa Giê-su: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 28)

 

9/ Đời sống gắn bó với Chúa

Sau khi kết thúc mọi hoạt động, khi bà con lương dân đã ra về, cha Gioan Baotixita mời chúng tôi vào nhà thờ và cùng nhau viếng Thánh Thể. Cha cho biết đây là một trong những việc quan trọng nhất và được duy trì cách trung thành vì cha ý thức rằng: “Không có Thầy các con chẳng làm được việc gì!” (Ga 15, 5)

Việc làm của cha chứng minh rằng: “Loan báo Tin Mừng trước hết phải là chứng tá cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Đó thực sự là một chứng từ không thể thiếu bởi vì thế giới cần những người loan báo Tin Mừng nói với thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và quen thuộc với họ. Việc loan báo Tin Mừng bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa. Loan báo Tin Mừng có nghĩa là chiếu tỏa Chúa Kitô, nhưng nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt. Nếu chúng ta không thường xuyên đến với Người, chúng ta sẽ mang chính mình thay vì Người và điều đó sẽ hoàn toàn vô ích.”(ĐTC Phanxico).

Qua một vài nét phác họa lại dung mạo của một vị mục tử truyền giáo càng giúp con gia tăng xác tín rằng việc sống cho sứ vụ loan báo Tin Mừng chính là cách đáp trả đầy lòng biết ơn của con người đối với Thiên Chúa trước tình yêu của Ngài. Sự đáp trả đó khiến con người không còn lệ thuộc vào xác thịt tự nhiên để hoàn toàn dấn thân phục vụ Tin Mừng. Nhưng thái độ đáp trả này chỉ có thể thực hiện dưới sự thúc đẩy và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần nhà truyền giáo có khả năng khuôn rập đời mình theo Đấng đã tự nguyện hủy mình ra không trên thập giá và sẵn sàng trở nên tất cả cho mọi người vì Tin Mừng. (x. AG 24)

 

LỜI KẾT

Trước khi kết thúc bài cảm nhận trong chuyến thực tế truyền giáo tại Họ đạo Rạch Vọp, con xin được mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxico để xác quyết rằng: Nhân vật chính thực sự của việc loan báo Tin Mừng là Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói: không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng, chúng ta chỉ có thể quảng cáo cho Giáo hội. Do đó, mỗi người chúng ta hãy để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tin tưởng vào hành động của Người, ngay cả khi Người thúc đẩy chúng ta vượt qua những rào cản, giới hạn và biên giới của mình. Nếu Giáo Hội không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ tự quay lưng lại và ngọn lửa truyền giáo sẽ tắt.

Hôm nay, lệnh truyền của Chúa Giê-su vẫn luôn vang vọng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Với lệnh truyền này của Đức Giê-su trước khi về trời, các Tông Đồ và biết bao nhà truyền giáo hơn 2000 năm qua đã không ngừng lên đường đến với muôn dân tộc để đem cho họ ánh sáng Tin Mừng đến độ dám hy sinh cả mạng sống. Có Thánh Thần cùng hoạt động với các ngài. Chính Thánh Thần thực hiện những công trình của Ngài trong tâm hồn và đời sống của các nhà truyền giáo để các ngài trở nên những khí cụ hữu hiệu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Không những thế, Thánh Thần còn thực hiện biết bao công trình khác nơi tâm hồn con người, cả những Ki-tô hữu và thậm chí nơi những ai chưa được nhận biết Chúa như trong Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes (GS) đã viết: Giáo Hội tin tưởng rằng Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại vì mọi người. Vì thế, qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình” (GS 10). Con người được Thánh Thần thúc đẩy sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo (GS 41). Ngoài ra, chính Thánh Thần mở lòng những người không phải là Ki-tô hữu để họ tin vào Chúa với sự tự do cùng chân thành, họ trở về với Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14, 6).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con biết rộng mở tâm hồn cho tác động của Ngài để nhờ sự hướng dẫn của Ngài, chúng con biết làm cho “hạt giống của Lời” đạt đến tầm mức trưởng thành theo lệnh truyền của Đức Giê-su. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy biến đổi con! Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy dùng con theo cách của Ngài để cho Nước Chúa được hiển trị và muôn người được hợp đoàn trong một đoàn chiên duy nhất.

Sr. Maria Lữ Thị Thúy Nga - FMA